“Cơn ác mộng” mang tên COVID-19 sau khi tàn phá Trung Quốc đại lục có vẻ như chưa muốn dừng tại đây mà đang vươn những cái vòi bạch tuộc chết chóc của mình ra toàn thế giới. “Đại nạn” của cả nhân loại; Việt Nam đương nhiên không tránh khỏi ảnh hưởng: ba mươi tám ca nhiễm được định danh và (có thể) còn những ca nhiễm tiềm tàng trong số người đang được cách ly, theo dõi cho đến thời điểm này xác minh điều đó.
Vậy nhưng, vấn đề là ảnh hưởng ở mức độ nào? Chuyện tương lai chưa thể nói trước, tuy nhiên tính đến thời điểm này chúng ta vẫn còn thuộc trong số những quốc gia ảnh hưởng nhẹ - thậm chí rất nhẹ. Chúng ta có số người nhiễm bệnh không cao, lại chưa có ca tử vong nào do COVID-19 được ghi nhận. May mắn “thiên thời địa lợi” đương nhiên là có, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng: các cơ quan, ban ngành chức năng đang đồng loạt triển khai công tác chống dịch rất tốt. Bước đầu là vậy; tuy nhiên muốn thắng trận chiến này cho đến phút cuối, đòi hỏi phải có sự đồng tâm hiệp lực bằng thái độ tỉnh táo, cộng thêm lòng can đảm và ý thức vị tha của cả cộng đồng.
Kiểm soát, khống chế dịch ở tầm vĩ mô đương nhiên là công việc của các nhà chức trách. Thế nhưng thành công của “cuộc chiến” ấy phụ thuộc rất lớn vào thái độ nhận thức và ứng xử tỉnh táo hay không của mỗi người dân. Dịch bệnh đương nhiên ai cũng sợ; nhưng đừng “sợ quá mất khôn” theo kiểu vội vàng bỏ phố chạy về quê, cuống quýt thu gom tích trữ lương thực thực phẩm thuốc men hay truyền tai nhau những tin đồn vô căn cứ. “Dịch hoảng loạn” ấy đôi khi còn nguy hiểm hơn cả COVID-19 bởi nó gây bất ổn xã hội trầm trọng: gây khó khăn cho việc quản lý, khoanh vùng dịch bệnh của các cơ quan chức năng; gieo rắc hoang mang; tạo cơ hội cho kẻ xấu đầu cơ trục lợi, lũng đoạn giá cả thị trường.
Để đủ bình tĩnh, tỉnh táo ứng phó với nguy cơ tất nhiên không thể thiếu lòng can đảm. Càng sợ sệt, hoảng loạn vô căn cứ càng dễ dẫn đến nguy cơ nghĩ bậy, làm bậy gây hậu quả xấu. Theo sau can đảm chính là lòng vị tha. “Thương người như thể thương thân”. Hơn bao giờ hết, cuộc chiến với COVID-19 đang hùng hồn minh chứng một điều: cách ứng xử “khôn lỏi” của vài cá nhân là hoàn toàn vô ích, nếu không muốn nói còn gây phản tác dụng. Anh đừng mong một mình thoát nạn bởi sự an nguy của mỗi cá nhân gắn chặt với an nguy của cả cộng đồng.
Về phía các cơ quan chức năng, ngoài những biện pháp hữu hiệu để quản lý dịch đã và đang tiến hành, thiết nghĩ cần có thêm chế tài “mạnh tay” hơn đối với các hoạt động cộng đồng không phải nhu cầu bức thiết đối với đời sống (lúc này) nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao như giỗ chạp, tiệc tùng, cưới hỏi. Nếu tình hình nghiêm trọng hơn, có thể tạm thời đóng cửa luôn các nhà hàng, quán nhậu. “Chống dịch như chống giặc”, nếu đã nghiêm túc xem COVID-19 là “giặc” thì đất nước ta đang thực sự sống trong thời chiến. Đã là thời chiến, đương nhiên các biện pháp cứng rắn cần thực thi để bảo vệ quốc gia, dân tộc trong trường hợp cần thiết nên được làm ngay, không thể chần chừ!
Y NGUYÊN