Hãy có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng để chung tay chặn đứng COVID-19 - đó là thông điệp của Bộ Y tế trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (SARS-CoV-2) tăng nhanh trong 3 ngày qua.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống COVID-19 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hôm 6/3, Phó Thủ tướng yêu cầu mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế, kể từ 6 giờ 00 sáng 7/3. Việc khai báo này được thực hiện tại tất cả các cửa khẩu bằng tờ khai y tế có sẵn, hoặc trên điện thoại bằng cách quét QR code, hoặc khai báo y tế điện tử tại website http://suckhoetoandan.vn/khaiyte trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Hậu quả của việc không khai báo y tế đã ngay trước mắt, bệnh nhân thứ 17 - người từng đi qua Anh, Ý, Pháp và không khai báo y tế khi nhập cảnh tại sân bay Nội Bài vào ngày 2/3. Theo ghi nhận của cơ quan y tế đến 16 giờ ngày 8/3, có 3 người tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân này (người lái xe của gia đình bệnh nhân, bác gái, một người đàn ông 61 tuổi, ngồi gần hàng ghế với bệnh nhân số 17 trên chuyến bay về Việt Nam) đã bị lây bệnh, kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Trong vòng chưa đầy 3 ngày, số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam tăng đáng kể, trong đó có 3 ca là do chủ quan của nữ bệnh nhân 26 tuổi không khai báo y tế khi nhập cảnh. Cả một bộ máy phòng chống dịch bệnh lao vào xử lý “lỗ hổng” này, và số người được cách ly, theo dõi sức khỏe từ gần 16.200 người (chiều 5/3) tăng lên hơn 23.200 người!
Người dân lo lắng trước thông tin Hà Nội ghi nhận 4 ca mắc COVID-19. Tuy nhiên, hình ảnh siêu thị tại Hà Nội chật cứng người chen nhau đi mua thực phẩm càng đáng lo ngại. Bởi nếu có người nhiễm SARS-CoV-2 ở những nơi như thế này thì nguy cơ lây lan sẽ rất lớn. Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, mức độ nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 khi có người bị nhiễm ở khu vực mua sắm tùy thuộc vào không gian rộng hay chật, thoáng hay kín và mật độ người trong lúc mua sắm.
Siêu thị hay trung tâm mua sắm thường kín và có máy lạnh; chợ thì thông thoáng hơn, không có máy lạnh, tuy nhiên việc giữ khoảng cách với người khác nhiều khi cũng khó khăn hoặc không thể. Vì vậy, khi cần mua sắm thì nên chọn lựa khu vực và thời gian phù hợp; hạn chế đến những nơi đông người trong không gian kín khi không cần thiết.
Nếu bắt buộc phải đến nơi đông người, nên đeo khẩu trang, cố gắng giữ khoảng cách với người khác hơn 2m, tránh chạm tay vào các vật dụng, thay khẩu trang và rửa tay ngay sau khi ra khỏi khu vực đông người và trước khi bước vào nhà; thay khẩu trang phải đúng cách, không được chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang.
Khẩn trương, quyết liệt, cả hệ thống chính trị dốc sức phòng chống đại dịch COVID-19, trong đó nòng cốt là ngành Y tế. Biết bao cán bộ, nhân viên y tế đã và đang vất vả ngày đêm; hoạt động truyền thông được tăng cường hơn bao giờ hết nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh. Bởi cuộc chiến chống COVID-19 không phải của riêng ngành Y tế, không phải của riêng các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể… Cuộc chiến chống đại dịch cần sự tham gia, vào cuộc của từng người dân, từng cộng đồng dân cư.
Thay vì hoang mang, đổ xô đi mua, tích trữ thực phẩm hay “bình loạn” trên mạng xã hội, hãy bình tĩnh thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa! Hãy khai báo y tế chính xác, trung thực khi nhập cảnh! Hãy tuân thủ nghiêm việc cách ly theo hướng dẫn của cơ quan y tế!
Khi nào từng cá nhân, từng công dân ý thức được trách nhiệm của mình và tích cực tham gia thì cuộc chiến chống đại dịch mới thực sự thành công.
YÊN LAN