Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, các ngành chức năng đang nỗ lực nâng cao nhận thức phòng chống dịch bệnh của người dân. Tuy nhiên, việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh vẫn chưa đồng bộ.
Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát và ngày càng diễn biến phức tạp, UBND tỉnh và các sở, ban ngành liên tục khuyến cáo, nhắc nhở người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, người làm việc ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông người được khuyến cáo chủ động đeo khẩu trang y tế và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn.
Tiểu thương còn chủ quan
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, việc đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay sát khuẩn đã trở thành quy định bắt buộc đối với tất cả cán bộ, nhân viên trong mỗi ca làm. Hiện Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ siêu thị, bố trí nước rửa tay sát khuẩn ở các cổng ra vào cho khách hàng. Đơn vị cũng liên tục phát thông tin về kiến thức phòng chống dịch bệnh trên loa nội bộ; yêu cầu nhân viên đều đeo khẩu trang y tế khi làm việc; đồng thời khuyến khích khách hàng đeo khẩu trang khi đi mua sắm.
Tương tự, tại Siêu thị Điện Máy Xanh, cán bộ, nhân viên bắt buộc phải đeo khẩu trang y tế trong giờ làm việc. Bình quân, trong mỗi ca trực, một nhân viên phải thay 2-3 khẩu trang y tế để đảm bảo hiệu quả cao nhất. Đơn vị cũng bố trí thêm nước rửa tay sát khuẩn để nhân viên và khách hàng sử dụng. Công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh được đơn vị yêu cầu các cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm ngặt.
Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, ý thức phòng chống dịch COVID-19 có nhiều hạn chế. Nhiều tiểu thương, người dân vẫn chưa quen với việc đeo khẩu trang y tế khi đi bán hàng. Theo Ban quản lý chợ Tuy Hòa, khoảng 50% tiểu thương bán hàng tại chợ chấp hành tốt việc đeo khẩu trang khi bán hàng. Còn tại các chợ truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi thì chỉ khoảng 20-30% tiểu thương thực hiện khuyến cáo này. Ông Nguyễn Phú Quyến, đại diện Ban quản lý chợ Ea Ly (huyện Sông Hinh), cho biết: Mặc dù Ban quản lý chợ liên tục tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng ý thức chấp hành việc đeo khẩu trang y tế khi buôn bán của tiểu thương chưa cao. Nhiều người cho rằng đeo khẩu trang cả ngày rất khó giao tiếp và bất tiện khi bán hàng.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức
Chợ Tuy Hòa là nơi tập trung rất đông lượng người mua bán từ nhiều nơi đổ về nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là rất cao. Thế nhưng, bên cạnh một số tiểu thương có ý thức đeo khẩu trang vải hoặc khẩu trang y tế khi bán hàng thì cũng có rất nhiều tiểu thương không đeo khẩu trang hoặc đeo khẩu trang chưa đúng cách.
Khi được hỏi sao không đeo khẩu trang, chị H.T.M, bán hàng rau củ quả tại chợ Tuy Hòa, cho hay: Khi dịch bệnh mới bùng phát, tôi cũng mua được 1 hộp khẩu trang y tế để đeo khi đi chợ bán. Sau đó, tôi cố tìm nhưng không có khẩu trang y tế để mua. Đeo khẩu trang vải thì nói chuyện, giao tiếp với khách hàng rất khó nên tôi bỏ ra luôn cho dễ bán hàng.
Còn theo chị Nguyễn Thị Quyên, bán hàng đồ khô tại chợ Tuy Hòa, chợ là nơi có quá nhiều người lui tới, thành phần phức tạp. Nếu không cẩn thận dễ nhiễm bệnh và có nguy cơ lây nhiễm cho người thân, bạn bè. “Do vậy, bản thân tôi cùng nhiều chị em trong chợ cố gắng động viên, nhắc nhở nhau đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh này”, chị Quyên nói.
Ông Đặng Quang Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Cung ứng dịch vụ công ích TP Tuy Hòa, cho biết: Từ khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống như yêu cầu tiểu thương đeo khẩu trang y tế, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ diện tích chợ và các khu vực xung quanh; bố trí các khu vực rửa tay cho người dân. Chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền tiểu thương đeo khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải đúng cách để chủ động phòng chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch COVID-19, Sở Công thương đã phối hợp Cục Quản lý thị trường nắm bắt tình hình hàng hóa thị trường; kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đặc biệt là các nhóm hàng khẩu trang, vật tư y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch. Đơn vị cũng phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn chuyên môn về công tác phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tại các chợ, siêu thị, những nơi tập trung đông người...
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương |
NGÔ XUÂN