“Chúng tôi rất chú trọng công tác sàng lọc bệnh, anh em cẩn trọng sàng lọc. Rất may là đến giờ, Phú Yên chưa có trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV”, BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên nói.
Cuối tuần, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - cơ sở y tế tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) - khá tĩnh lặng. Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện càng yên ắng, bởi các bệnh nhân đã được đưa đến khu vực khác trên tầng 7 để điều trị kể từ khi bệnh viện lập khu cách ly tại đây, sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ và nhiễm nCoV.
Các bác sĩ, điều dưỡng ở khoa cũng trong tư thế sẵn sàng. BSCKII Nguyễn Thành Lãm cho biết: Bệnh viện đã lập chốt ở phía trong cổng để sàng lọc, phân luồng bệnh nhân đến khám. Những bệnh nhân có dấu hiệu sốt, ho, khó thở và có yếu tố dịch tễ thì sẽ đưa đến Khoa Truyền nhiễm, được sàng lọc một lần nữa để xác định và xử trí đúng theo phác đồ của Bộ Y tế.
Đến 16 giờ ngày 9/2, thế giới ghi nhận 37.588 người nhiễm nCoV, 813 người tử vong, trong đó lục địa Trung Quốc có 811 người tử vong, Philippines: 1 người tử vong, Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong. Việt Nam đã ghi nhận 14 người mắc nCoV, trong đó có hai cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện), 6 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện), 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán, 5 công dân Việt Nam có tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV. |
Trong giai đoạn này, Khoa Truyền nhiễm tạm chia thành 2 khu vực: khu vực cách ly và khu vực điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm khác, ở tầng 7, cho nên phải phân công hai bác sĩ trực, trong đó bác sĩ chuyên khoa Truyền nhiễm có nhiệm vụ sàng lọc bệnh nhân được đưa đến khu vực cách ly (nếu có), đồng thời chịu trách nhiệm về chuyên môn ở khu vực trên tầng 7, và nơi này có thêm một bác sĩ từ khoa khác tăng cường sang. Khi có bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV được đưa vào khu cách ly, bác sĩ của ca trực đó sẽ chỉ làm việc tại khu vực cách ly và “theo” bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
“Chúng tôi rất chú trọng công tác sàng lọc bệnh, anh em cẩn trọng sàng lọc, chỉ cần bỏ sót một ca thì sẽ gay go. Rất may là đến giờ, Phú Yên chưa có trường hợp nào nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV”, bác sĩ Lãm nói.
Theo các chuyên gia y tế, nCoV xuất hiện từ động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người. Đáng chú ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục, thông qua việc tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng vi rút, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Vi rút cũng có thể lây lan từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh đã chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị nhiễm nCoV khi xử lý các chất thải của người bệnh.
Lưu ý là nCoV khi rơi xuống bề mặt kim loại thì sống rất “dai”: ít nhất 12 giờ. Vì vậy, cần hạn chế chạm vào những bề mặt kim loại ở nơi công cộng và phải rửa tay thường xuyên, đúng cách.
Có một tin vui cho cộng đồng khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công nCoV trong phòng thí nghiệm. Bác sĩ Lãm nói rằng điều này có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nghi ngờ nhiễm và nhiễm nCoV, đồng thời là tiền đề cho các nghiên cứu khác để việc điều trị và dự phòng hiệu quả hơn.
Bác sĩ Lãm khuyến cáo người dân phải tuân theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh nCoV.
YÊN LAN