Bằng nhiều biện pháp, bao gồm việc đẩy mạnh truyền thông, các cơ quan, đơn vị chức năng ở Phú Yên ráo riết lập “tường lửa” phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra. Ý thức tự bảo vệ của người dân cũng đã được nâng lên rõ rệt.
Bảo vệ mình bằng khẩu trang
Đến 16 giờ ngày 2/2, trên thế giới đã ghi nhận 14.634 ca bệnh do nCoV gây ra, 305 người tử vong (Trung Quốc có 304 người tử vong, Philippines có 1 người tử vong). Việt Nam đã ghi nhận 7 ca nhiễm nCoV, gồm 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi), 3 công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc), 1 công dân Việt Nam là lễ tân có tiếp xúc gần với hai cha con người Trung Quốc trên và 1 công dân Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán. |
Đến Cảng hàng không Tuy Hòa vào chiều 1/2, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt: Tất cả hành khách đang làm thủ tục ở đây đều mang khẩu trang. Nhân viên ở cảng hàng không cũng vậy. Đơn vị này đã mua 1.500 khẩu trang y tế để phát cho nhân viên và quán triệt việc mang khẩu trang đối với tất cả nhân viên làm việc tại ga đi, ga đến.
Tại resort Rosa Alba, nhân viên lễ tân cũng mang khẩu trang. Chị Trần Thị Kim Ngân, quản lý tiền sảnh resort Rosa Alba, cho biết: “Chúng tôi làm việc này từ ngày 1/2. Khách vô resort mà không mang khẩu trang sẽ được nhắc. Chúng tôi cũng tư vấn cho khách nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở… thì báo ngay, chúng tôi sẽ liên hệ qua đường dây nóng, thông tin kịp thời đến Sở Y tế”.
Tại ga Tuy Hòa, những người mang khẩu trang chủ yếu là hành khách trẻ. “Tôi nghe tin có dịch bệnh do vi rút Corona gây ra nên mang khẩu trang để bảo vệ mình”, bạn Nguyễn Vũ Bảo Tiên (ở phường 8, TP Tuy Hòa) nói.
Có một thực tế là người mang khẩu trang thì nhiều, song không phải ai cũng sử dụng khẩu trang đúng cách.
Theo BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân hay làm thủ thuật thì mang khẩu trang N95 (lọc bụi mịn và vi khuẩn), còn thông thường thì sử dụng khẩu trang y tế. Lớp trong của loại khẩu trang này luôn có màu trắng hoặc nhạt màu hơn lớp ngoài, có tính thấm nước nhằm hút mồ hôi. Lớp giữa làm nhiệm vụ lọc các hạt bụi và vi sinh vật có kích thước nhỏ.
Theo các chuyên gia, khẩu trang y tế phải đạt hiệu suất lọc khuẩn trên 95% BFE (Bacterial Filtration Efficiency). Vì vậy, phải lưu ý chỉ số này khi mua khẩu trang y tế, chỉ số càng cao càng lọc tốt. Lớp ngoài cùng có tác dụng chống thấm, giúp ngăn cản các hạt chất lỏng văng ra khi người bệnh hắt hơi, ho, thở mạnh hoặc những hạt chất lỏng từ người đối diện bắn vào... Bác sĩ Lãm khuyến cáo: Không dùng tay chạm vào lớp ngoài cùng của khẩu trang, vì làm vậy sẽ vô tình tiếp xúc với vi rút, vi khuẩn, đưa chúng vào cơ thể. Khi tháo khẩu trang, cầm hai dây đeo để tháo, bỏ vào sọt rác đúng nơi quy định.
Biết dịch bệnh để phòng chống dịch bệnh
Theo Bộ Y tế, vi rút Corona là một họ vi rút lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012. Từ tháng 12/2019, một chủng mới của vi rút Corona gây viêm đường hô hấp cấp tại TP Vũ Hán (Trung Quốc) đã được xác định và có nguy cơ ngày càng lan rộng; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
Người nhiễm chủng mới của vi rút Corona có các triệu chứng ho, sốt, khó thở…, có thể diễn tiến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển và tử vong, đặc biệt là những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Tại Phú Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là nơi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ nhiễm chủng mới của vi rút Corona và điều trị bệnh nhân dương tính với vi rút này. Bệnh viện đã lập khu vực cách ly tại Khoa Truyền nhiễm. Nơi đây có buồng nhận bệnh, buồng dành cho những người nghi ngờ nhiễm bệnh, buồng điều trị bệnh do chủng mới của vi rút Corona, buồng cấp cứu. Tầng 1 của khoa này được chia thành hai khu vực cách ly, một dành cho người nhà bệnh nhân (những người đưa bệnh nhân nhập viện, những người tiếp xúc gần song chưa có dấu hiệu mắc bệnh), một dành cho các bệnh nhân đã điều trị ổn định, chờ kết quả xét nghiệm để được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Thành Lãm cho biết: Bệnh nhân nhiễm chủng mới của vi rút Corona được điều trị các triệu chứng như hạ sốt, bù dịch…, nếu nghi ngờ bội nhiễm thì dùng kháng sinh chống bội nhiễm; bệnh nhân suy hô hấp thì dùng máy thở…
Tại Khoa Truyền nhiễm, các loại thuốc, máy truyền dịch, bơm tiêm điện, máy thở, máy chụp X-quang tại chỗ… đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bác sĩ Lãm khuyến cáo người dân tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế, như không đến vùng dịch nếu không thực sự cần thiết, tránh tụ tập đông người, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc với những người nhiễm bệnh về đường hô hấp, có sốt, có ho, nếu tiếp xúc gần thì phải mang khẩu trang… Khi nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính với biểu hiện sốt, ho, có thể khó thở và có một trong những yếu tố dịch tễ sau: có tiền sử đến - ở - về từ vùng dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát, hoặc tiếp xúc gần trong vòng 2m với những trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona, hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời, tránh lây lan mầm bệnh. Bác sĩ Lãm cũng khuyên người dân không nên áp dụng những “bài thuốc” được cho là “trị” được vi rút này, đang lan truyền trên mạng xã hội, bởi chưa được kiểm chứng.
YÊN LAN