Thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” do Bộ Quốc phòng phát động, Bộ CHQS tỉnh Phú Yên đã phát động phong trào thi đua “LLVT Phú Yên chung sức xây dựng nông thôn mới” và có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương từng bước tạo sự khởi sắc về diện mạo nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Một trong những việc làm thiết thực mang lại hiệu quả thấy rõ của cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao, đó là hỗ trợ Trạm Y tế xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) nâng cấp, xây dựng 2 phòng khám chữa bệnh với kinh phí gần 157 triệu đồng; hỗ trợ thuốc thiết yếu 23 triệu đồng; hỗ trợ trang thiết bị y tế, trị giá 100 triệu đồng. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh cũng đã hỗ trợ xã Xuân Thịnh 18,5 triệu đồng nâng cấp Đài Truyền thanh xã; cải tạo sân bóng chuyền và mua bóng, lưới 28,1 triệu đồng. Đồng thời hỗ trợ xóa nghèo cho 2 hộ gia đình thương binh Nguyễn Văn Ngon và Nguyễn Văn Cầu 21 triệu đồng; tặng hàng trăm suất quà cho các hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh nghèo vượt khó học giỏi, tổng trị giá hàng chục triệu đồng…
Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh còn tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội, thực hiện có hiệu quả công tác “đền ơn đáp nghĩa”, xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo... Những việc làm thiết thực trong xây dựng nông thôn mới của cán bộ chiến sĩ LLVT tỉnh trong thời gian qua tiếp tục khẳng định vai trò của người lính Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Mới đây, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Nghề số 5 (Bộ Tư lệnh Quân khu 5), tổ chức cử tuyển đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách các xã đặc biệt khó khăn được Quân khu giao gồm: Ea Bia (Sông Hinh), Sơn Hội (Sơn Hòa) và Phú Mỡ (Đồng Xuân). Việc đào tạo nghề nhằm giúp thanh niên cơ hội việc làm, có cuộc sống ổn định, góp phần cùng địa phương xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đến giờ chót, chỉ có hai huyện Sông Hinh và Đồng Xuân cử thanh niên đi học nghề (mỗi huyện một người).
“Chung sức xây dựng nông thôn mới” là một phong trào chưa có mô hình trên địa bàn tỉnh, cách làm từ trước để vận dụng. Vì vậy, muốn phong trào đạt được kết quả cao, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, để nhân dân đồng thuận, đồng tâm ủng hộ. Đồng thời cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp trong việc chỉ đạo, lãnh đạo, vận động, tổ chức các lực lượng và toàn dân tham gia. Trong quá trình triển khai thực hiện, phải xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, từng người. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, cách làm sáng tạo, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, phổ biến mô hình hay, cách làm tốt để các địa phương, đơn vị học tập lẫn nhau, kịp thời khắc phục, điều chỉnh, uốn nắn, hạn chế thiếu sót trong nhận thức để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
LẠC VIỆT