Trong những năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đối thoại dân chủ giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ ở cơ quan, đơn vị các cấp.
Đại tá Nguyễn Văn Thành, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Quân sự, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, khẳng định: Đối thoại dân chủ là một nội dung quan trọng có tác động trực tiếp đến việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS) trong LLVT tỉnh. Đây là cơ sở để nâng cao nhận thức về chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ đồng chí, đồng đội, cấp trên, cấp dưới, tạo ra mối quan hệ đoàn kết, gắn bó và chấp hành kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ, góp phần giữ vững phẩm chất tốt đẹp của quân đội cách mạng và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng LLVT tỉnh ngày càng vững mạnh, có sức chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối thoại trực tiếp còn là dịp để đánh giá đúng thực chất kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện QCDCCS ở các cơ quan, đơn vị. Qua đó thấy rõ những mặt làm được và những hạn chế, khuyết điểm ở các cấp, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những thiếu sót bất cập, thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong thực hiện QCDCCS của LLVT.
Để đối thoại dân chủ đi vào thực chất và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ phát huy thực hiện quyền dân chủ, nói đúng sự thật, nói hết những tâm tư, nguyện vọng của mình, mỗi lần tổ chức, Bộ CHQS tỉnh tìm ra nhiều biện pháp thích hợp để đối thoại như: Buổi sáng tổ chức đối thoại riêng với cán bộ, chiến sĩ của một cơ quan hoặc đơn vị (không có cán bộ lãnh đạo, chỉ huy tham gia); buổi chiều đối thoại riêng với các đồng chí trong đảng ủy và ban chỉ huy của cơ quan hoặc đơn vị được đối thoại dân chủ để nghe cấp dưới góp ý và phản ánh những vướng mắc đối với Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đồng thời chất vấn những vấn đề mà cán bộ, chiến sĩ của đơn vị được đối thoại trong buổi sáng nêu lên để nắm chắc tình hình thực tế của cơ quan hoặc đơn vị được đối thoại một cách thực chất hơn. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn lấy phiếu tín nhiệm của các đồng chí trong đảng ủy, ban chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ về quan điểm lập trường tư tưởng, năng lực chỉ huy, phẩm chất đạo đức và phương pháp tác phong công tác đối với từng đồng chí trong đảng ủy, ban chỉ huy.
Nội dung đối thoại dân chủ tập trung vào 3 nội dung dân chủ lớn trong quân đội: Dân chủ về quân sự và chuyên môn trong công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị, thực hiện chế độ nề nếp sinh hoạt, học tập theo quy định; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, ban hành các quy chế, việc xem xét, xử lý các vụ việc vi phạm kỷ luật có khách quan, đúng Điều lệnh quản lý bộ đội không và có thiên vị hoặc che dấu khuyết điểm không? Tiếp đến là dân chủ về chính trị trong quán triệt nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, nhiệm vụ chính trị của cấp trên và cấp ủy, chỉ huy cấp mình, giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh của cấp ủy, người chỉ huy đối với cán bộ của từng đơn vị; về tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sĩ, của tập thể có được cấp ủy, người chỉ huy đơn vị tôn trọng và giải quyết đúng quy định và có hành động quân phiệt đối với cấp dưới, việc tham gia góp ý kiến đối với người chỉ huy và cán bộ, đảng viên về phẩm chất, đạo đức, năng lực, phương pháp tác phong công tác, sinh hoạt và thực hiện chế độ, giải quyết đơn thư và ý kiến của cán bộ, chiến sĩ có kịp thời, thỏa đáng không? Cuối cùng là thực hiện dân chủ về kinh tế và đời sống về phổ biến công khai đầy đủ, kịp thời những quyền lợi, tiêu chuẩn, chế độ được hưởng về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; các khoản thu, chi từ tăng gia sản xuất, làm kinh tế và sử dụng kinh phí, quỹ vốn có được công khai đúng theo phân cấp và có biểu hiện tiêu cực, những việc làm sai trái với quy định không?…
Từ nhiều năm qua, đối thoại dân chủ đã trở thành một việc làm thường xuyên của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đối với cấp tỉnh, lãnh đạo, chỉ huy định kỳ sáu tháng tổ chức đối thoại dân chủ một lần với cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh; cấp trung đoàn, cơ quan quân sự cấp huyện và tương đương, mỗi quý tổ chức một lần tại đơn vị; cấp đại đội và tiểu đoàn mỗi tháng tổ chức một lần tại đơn vị. Hầu hết các đơn vị tổ chức đối thoại, cán bộ, chiến sĩ và lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã phát huy tinh thần dân chủ, nói hết, nói đúng sự thật, thực hiện tốt phương pháp cấp trên nói, cấp dưới nghe, cấp trên lắng nghe ý kiến cấp dưới, trực tiếp giải thích hoặc phúc đáp sau đối thoại cho cấp dưới hiểu những vấn đề còn vướng mắc, để thông suốt về tư tưởng, xác định tốt nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, lãnh đạo chỉ huy một số cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động và nội dung, biện pháp thực hiện đối thoại dân chủ chưa thường xuyên, chưa đi vào nề nếp. Có đơn vị thực hiện chưa đúng, chưa đủ nội dung; một số cán bộ, chiến sĩ chưa phát huy được tinh thần dân chủ, còn rụt rè, nể nang, chưa dám bày tỏ hết những băn khoăn, những thắc mắc với lãnh đạo, chỉ huy các cấp, nên chưa tạo ra sự đồng thuận từ trên xuống dưới về thực hiện QCDCCS trong LLVT tỉnh. Theo đại tá Nguyễn Văn Thành, để thực hiện tốt hơn QCDCCS, trong thời gian đến, từng cấp ủy đảng và người chỉ huy phải xem việc đối thoại dân chủ là việc làm thường xuyên, tạo ra sự thống nhất về mặt lãnh đạo, chỉ huy của cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp, nhằm xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
VĂN ĐẠT