Thứ Ba, 07/01/2025 20:24 CH
Bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn với kinh tế biển
Thứ Bảy, 18/06/2022 07:07 SA

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô báo cáo với đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương (bìa phải) và lãnh đạo tỉnh về tiềm năng của cảng Vũng Rô. Ảnh: HÀ MY

Sau 4 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với các địa phương trong cả nước, Phú Yên quyết liệt triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đưa kinh tế biển trở thành hạt nhân động lực cho phát triển.

 

Hiện thực hóa khát vọng giàu mạnh từ biển

 

Phú Yên là một trong 28 tỉnh ven biển của Việt Nam, có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển. Với mục tiêu hướng tới xây dựng Phú Yên trở thành một địa phương phát triển trên cơ sở khai thác hiệu quả tối đa những nguồn lợi, những tiềm năng của một địa phương ven biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Phú Yên luôn nỗ lực xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Những đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển được tỉnh chủ động triển khai trên cơ sở cụ thể hóa một cách phù hợp với những thế mạnh, những đặc điểm riêng của tỉnh.

 

Theo đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phú Yên đã gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Với bờ biển dài 189km có nhiều đầm vịnh, bãi tắm mang vẻ đẹp tự nhiên, tiềm năng kinh tế cũng như những nét đẹp văn hóa đặc sắc riêng, khu vực ven biển là địa bàn tập trung phần lớn các mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trọng yếu của tỉnh. Kinh tế biển chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế của Phú Yên, đóng góp từ 8-10% GRDP của tỉnh; kinh tế của 4 địa phương ven biển đóng góp trên 70% GRDP cả tỉnh. Các ngành, nghề kinh tế chủ lực của tỉnh chủ yếu liên quan và xuất phát từ biển, bao gồm nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản, du lịch nghỉ dưỡng biển. Phú Yên là trung tâm tôm hùm lớn của cả nước, là một trong ba địa phương có sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương lớn nhất cả nước, có nhiều danh thắng, tiềm năng du lịch biển.

 

Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế biển, tỉnh đạt được nhiều kết quả về quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Các cấp ủy Đảng thường xuyên bám sát, cùng với Nhân dân nắm tình hình và kịp thời chỉ đạo, lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng. Công tác tuyên truyền, vận động người dân ven biển nêu cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, đấu tranh chống địch phá hoại… được thực hiện thường xuyên, liên tục. Người dân được hỗ trợ tối đa để ra khơi, bám biển, làm giàu từ biển.

 

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho hay: Trong giai đoạn gần đây, công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế biển bền vững được tỉnh đặc biệt quan tâm. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 23-CTr/TU, ngày 26/3/2019 về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, trong đó xác định mục tiêu đưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ...

 

Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh cụ thể hóa, đưa các nội dung của Nghị quyết 36-NQ/TW vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của nghị quyết đại hội và triển khai trong các chương trình hành động của Tỉnh ủy với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực; để đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 

“Với những tiềm năng hiện có, cùng xu thế phát triển của Việt Nam và thế giới, tầm nhìn, chiến lược và những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua, phát triển bền vững kinh tế biển chính là động lực chính để xây dựng và phát triển tỉnh nhanh và bền vững”, đồng chí Phạm Đại Dương nhấn mạnh.

 

Công nhân chế biến cá ngừ đại dương tại Công ty TNHH Thủy sản Phúc Nguyên. Ảnh: HÀ MY

 

Đưa kinh tế biển trở thành hạt nhân động lực phát triển

 

Ngay khi ra đời vào tháng 10/2018, Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam với nhiều tư duy mới đã đem đến kỳ vọng cho nhiều địa phương, trong đó có Phú Yên. Sau gần 4 năm đi vào cuộc sống, thời gian chưa đủ dài để đánh giá một nghị quyết, song có thể thấy các kết quả bước đầu đáng kỳ vọng.

 

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, các cơ quan trung ương và các địa phương có biển đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết. Nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt. Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được tăng cường; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được chủ động triển khai toàn diện. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng. Kinh tế biển cả nước nói chung, các địa phương ven biển nói riêng đã có sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương, cho cả nước.

 

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh là chủ trương nhất quán trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhất là những năm gần đây, nhiệm vụ này càng đặc biệt quan trọng để phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và với chiến lược tổng thể phát triển kinh tế biển của đất nước, các địa phương ven biển nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng có nhiều tiềm năng, cơ hội, cũng như điều kiện để bứt phá, chuyển mình vươn lên. Phú Yên đã rất nỗ lực, tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và đang đi đúng hướng. Tỉnh cần tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, cùng các địa phương trong cả nước phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu nhiệm vụ đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh; bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển. 

 

Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là cơ sở quan trọng để các địa phương ven biển như tỉnh Phú Yên lãnh đạo, chỉ đạo phát triển bền vững kinh tế biển hiệu quả hơn, đồng bộ hơn.

 

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng,

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek