Thứ Năm, 09/01/2025 23:32 CH
Khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Thứ Bảy, 05/03/2022 07:00 SA

Ngư dân huyện Tuy An dùng thuyền thúng đánh bắt thủy sản ven bờ. Ảnh: ANH NGỌC

Hiện nay, việc khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện nhỏ vẫn còn chiếm tỉ lệ cao; các nghề khai thác thủy sản mang tính tận diệt, nghề cấm vẫn còn hoạt động làm nguồn lợi thủy sản tự nhiên ven bờ ngày càng cạn kiệt. Trước tình trạng này, huyện Tuy An và TX Sông Cầu đã thành lập 12 tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với mục tiêu vừa khai thác, vừa bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ.

 

Nghề mưu sinh của ngư dân ven biển

 

Theo Sở NN-PTNT, hiện ngư dân hành nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện đánh bắt nhỏ vẫn còn nhiều, đặc biệt ở TX Sông Cầu và huyện Tuy An. Tuy nhiên, do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, hiệu quả kinh tế của các nghề khai thác ven bờ ngày càng thấp. Ngư dân Phan Minh Tưởng ở thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn (huyện Tuy An) cho biết: Gia đình tôi từ bao đời nay chuyên hành nghề mành tôm. Nghề này đầu tư không nhiều, chủ yếu đóng chiếc thuyền khoảng 30CV và bỏ ra vài chục triệu đồng để mua sắm ngư lưới cụ. Vùng biển ở khu vực Hòn Chùa hàng năm đều xuất hiện một lượng lớn tôm hùm giống nên nghề này rất phát triển, đến nay riêng thôn Mỹ Quang Nam đã có khoảng 50 hộ hành nghề mành tôm. Nghề này chủ yếu khai thác từ tháng 9 (âm lịch) năm trước đến khoảng tháng 3 (âm lịch) năm sau. Tuy nhiên, nghề mành tôm hùm giống rất bấp bênh, nếu trúng mùa, mỗi đêm khai thác được vài trăm con kiếm vài chục triệu đồng, còn không trúng thì đi về tay không.

 

Ngư dân Lê Minh Hiến ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn thì chia sẻ: Năm nay tôi đã 63 tuổi, do gắn bó với biển từ nhỏ nên các vùng biển ven bờ ở địa phương vào mùa nào, xuất hiện loài thủy hải sản gì đều biết rõ. Tôi đang sử dụng thuyền thúng có gắn máy và hành nghề lưới 3 màng. Vùng biển hiện nay tôi tập trung khai thác là khu vực từ Hòn Chùa đến Hòn Dứa, khai thác các loại cá nhỏ, cua, ghẹ và các loài tôm. Nghề này chủ yếu hoạt động vào ban đêm, đi chiều hôm trước thì sáng hôm sau về và mùa vụ chính từ tháng 7 (âm lịch) năm trước đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Thu nhập từ nghề lưới 3 màng mỗi đêm nếu trúng thì được vài triệu đồng, còn không trúng thì cũng được vài trăm nghìn đồng. Ngoài ra, tôi còn hành nghề lưới mành và một số nghề khai thác khác nhưng chủ yếu khai thác ven bờ. Ngư dân ở biển thì chỉ biết bám biển để mưu sinh, mặc dù ra biển gặp nhiều rủi ro, thu nhập không ổn định…

 

Theo UBND xã An Chấn, các nghề khai thác thủy sản ven bờ đã xuất hiện từ lâu và được kế thừa theo kiểu cha truyền con nối. Trong khi đó, trình độ ngư dân ven biển còn hạn chế, vốn làm ăn không nhiều nên việc đầu tư, tổ chức khai thác hải sản xa bờ gặp khó khăn. Chính vì ngư dân địa phương chủ yếu tập trung khai thác ven bờ nên nguồn lợi thủy sản gần bờ bị cạn kiệt, thu nhập không ổn định. Mặt khác, hiện nay nhiều địa phương ven biển phát triển ồ ạt số lượng lồng bè nuôi thủy sản, khiến nhiều vùng biển ven bờ ngày càng bị ô nhiễm. Ông Lê Thanh Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã An Chấn, cho biết: Tổng số tàu thuyền trên địa bàn xã hiện nay gần 150 chiếc, trong đó có 2 tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ, còn lại là tàu thuyền công suất nhỏ chủ yếu làm các nghề mành tôm, lặn, câu, bẫy, lưới rê… khai thác ven bờ. Thời gian qua, một số ngư dân trong và ngoài địa phương vẫn còn lén sử dụng ngư lưới cụ như lưới kéo tầng đáy khai thác thủy sản ở vùng rạn, khai thác tận thu, khiến cho nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt. Sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ven bờ là mối quan tâm lớn nhất của địa phương hiện nay.

 

Ngư dân xã An Chấn (huyện Tuy An) kiểm tra và thu xếp lưới sau chuyến đánh bắt thủy sản. Ảnh: ANH NGỌC

 

Phát huy vai trò tổ đồng quản lý

 

Theo Sở NN-PTNT, dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững được triển khai tại Phú Yên, đến nay đã có 12 xã, phường ở huyện Tuy An và TX Sông Cầu, với hàng chục nghìn hộ ngư dân tham gia. Các địa phương này đã thành lập tổ và xây dựng, triển khai kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ. Nội dung đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ chủ yếu tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bộ quy tắc nghề cá có trách nhiệm và các văn bản pháp luật có liên quan, tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật. Đồng thời tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển nghề cá ven bờ, xây dựng thể chế, chính sách quản lý nghề cá ven bờ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, khắc phục sự ô nhiễm môi trường vùng ven biển. Ngoài ra, đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ nhằm hỗ trợ, bổ sung sinh kế cho cộng đồng ngư dân, hỗ trợ sinh kế ban đầu cho tổ đồng quản lý, thành lập khu bảo vệ biển như bảo vệ bãi đẻ, bãi sinh trưởng, rạn san hô…

 

Xã An Chấn (huyện Tuy An) đã thành lập tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với hơn 170 thành viên là ngư dân ở 2 thôn Mỹ Quang Bắc và Mỹ Quang Nam. Ngư dân Đoàn Văn Bốn ở thôn Mỹ Quang Bắc cho biết: Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ ở xã An Chấn đã xây dựng phương án phân khu vực khai thác, nuôi trồng, neo đậu tàu cá và khu vực cần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngư dân tham gia thu gom rác thải và vệ sinh môi trường bờ biển, tham gia giám sát các hoạt động khai thác và nuôi trồng tại khu vực ven bờ, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản bằng chất nổ, hóa chất và vận động ngư dân ở địa phương chuyển đổi sang những nghề khai thác thân thiện với môi trường.

 

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ được xây dựng dựa trên nguyện vọng và nhu cầu của ngư dân nhằm tổ chức khai thác hợp lý và bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Việc thành lập tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đồng nghĩa với việc nâng cao vai trò của ngư dân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển ổn định, bền vững cho ngư dân ven biển. Các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương cần giúp đỡ, hỗ trợ các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ tại các địa phương thực hiện tốt kế hoạch đồng quản lý đã được xây dựng và tổ chức tuyên truyền để nhân dân cùng tham gia bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek