Nhóm bạn bè về gìn giữ hòa bình ngày 12/2 đã tổ chức thảo luận không chính thức về sáng kiến Hành động vì Gìn giữ hòa bình (A4P) của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và vắcxin COVID-19.
Phiên thảo luận do các nước Hàn Quốc, Ethiopia và Na Uy đồng chủ trì tổ chức với sự tham dự của hơn 50 Đại sứ, Phó Đại sứ các nước thành viên Liên Hợp Quốc.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về hỗ trợ hoạt động gìn giữ hòa bình Atul Khare và Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về nguồn nhân lực Martha Helena Lopez nhận định sáng kiến A4P được triển khai trong vòng 3 năm qua đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, trước những thách thức hiện hữu và trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, sáng kiến A4P cần được điều chỉnh nhằm củng cố, tăng cường hiệu quả gìn giữ hòa bình trong giai đoạn mới và lĩnh vực mới.
Cụ thể, các đại diện Liên hợp quốc nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện chương trình phụ nữ, hòa bình, an ninh, bảo đảm an toàn và an ninh của nhân viên gìn giữ hòa bình, tăng cường và củng cố quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực và tiểu khu vực, trong đó có quan hệ với ASEAN thông qua Chương trình đối tác ba bên về đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình.
Đây cũng là những lĩnh vực được cho là cần thảo luận kỹ để triển khai tiếp sáng kiến A4P, bên cạnh những nội dung về trao đổi với các chủ thể xây dựng hòa bình, ứng dụng công nghệ thông tin.
Các Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng thông tin về quá trình thảo luận tại Liên Hợp Quốc về việc bảo đảm vắcxin phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 cho nhân viên gìn giữ hòa bình trên thực địa.
Trong phát biểu, một số nước thành viên Liên hợp quốc đã chia sẻ quan tâm về việc thực hiện sáng kiến A4P trong giai đoạn mới, nổi bật là sự cần thiết tăng cường vai trò và sự tham gia của nữ nhân viên gìn giữ hòa bình, thúc đẩy chương trình phụ nữ, hòa bình và an ninh, an toàn và an ninh của nhân viên gìn giữ hòa bình, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy quan hệ đối tác...
Nhiều ý kiến cũng nhận định cần bảo đảm tiêm phòng vắcxin COVID-19 cho các nhân viên gìn giữ hòa bình, nhấn mạnh các thách thức từ sự thiếu hụt ngân sách, vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan cũng như thách thức từ các biến chủng mới.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, đã phát biểu khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và các nỗ lực hướng tới tăng cường hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình.
Đại sứ kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo đảm nguồn lực phù hợp với các cam kết chính trị đã đề ra, củng cố quan hệ đối tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ, đồng thời bảo đảm an toàn và an ninh của nhân viên gìn giữ hòa bình.
Đại sứ nhấn mạnh sự cần thiết của chương trình tiêm vác xin cho nhân viên gìn giữ hòa bình, nhất là các đối tượng dễ bị lây nhiễm như các nhân viên y tế làm việc tại các bệnh viện dã chiến, các lực lượng hoạt động tại những vùng có mức độ lây nhiễm cao.
Đại sứ cũng nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò của nước chủ nhà, tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ giữa các phái bộ và nước chủ nhà trong quá trình đảm bảo an toàn, an ninh cho các lực lượng gìn giữ hòa bình nói chung và tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho các nhân viên gìn giữ hòa bình nói riêng.
Sáng kiến A4P được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Gutteres đưa ra vào ngày 28/3/2018 nhằm thúc đẩy hành động chung của quốc tế và tăng cường cam kết chính trị đối với gìn giữ hòa bình.
Sáng kiến A4P gồm 45 cam kết cụ thể trong 8 lĩnh vực ưu tiên. Đến tháng 6/2020, có 154 nước thành viên Liên hợp quốc và 4 tổ chức khu vực đã thông qua "Tuyên bố cam kết chung về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc" thuộc sáng kiến A4P.
Theo TTXVN/Vietnam+