Thứ Bảy, 11/01/2025 13:19 CH
Cộng đồng trách nhiệm trong bảo vệ quần thể Hòn Yến
Thứ Bảy, 26/12/2020 07:00 SA

Đoàn viên thanh niên thu dọn rác thải tại quần thể Hòn Yến. Ảnh: LÊ THANH

Quần thể Hòn Yến (thuộc địa bàn thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) có giá trị tự nhiên từ địa chất đến hệ động - thực vật với vẻ đẹp độc đáo do tạo hóa ban tặng đang đứng trước nguy cơ suy giảm hệ sinh thái do môi trường bị ô nhiễm, suy thoái và hoạt động khai thác tại khu vực này không hợp lý. Do vậy việc bảo vệ rạn san hô, đa dạng sinh học tại quần thể Hòn Yến là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, nhằm phục hồi, bảo tồn nguồn gen, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

 

Giảm thiểu rác thải nhựa

 

Quần thể Hòn Yến bao gồm Hòn Yến, Hòn Đụn, Bàn Than, Gành Yến, Hòn Choi, Vũng Choi tạo thành một quần thể thắng cảnh tự nhiên vô cùng độc đáo bên bờ biển. Trong đó, Hòn Yến là điểm nhấn nổi bật nhất của quần thể danh thắng này. Hòn Yến nằm cách bờ biển khoảng 400m, có diện tích gần 2ha, độ cao 70m, xung quanh là những vách đá thẳng đứng từ dưới biển lên. Đầu năm 2018, danh lam thắng cảnh Quần thể Hòn Yến được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích cấp quốc gia.

Việc bảo vệ, bảo tồn quần thể Hòn Yến đang được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, quản lý tổng hợp và liên ngành, kết hợp giữa quản lý nhà nước với nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng, được xem là giải pháp hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu trên.

 

Tại thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải (huyện Tuy An), sáng 25/12, Sở TN-MT, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức buổi tuyên truyền, hướng dẫn cho hơn 100 nông dân về tác hại của túi ni lông, đồ nhựa sử dụng 1 lần; phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn một số sinh kế mới cho người dân.

 

Đây là chương trình thuộc các hạng mục trong dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến. Dự án này có tổng kinh phí thực hiện gần 3,2 tỉ đồng, trong đó, Quỹ Môi trường toàn cầu tại Việt Nam tài trợ gần 1,1 tỉ đồng; Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga tài trợ 900 triệu đồng và ngân sách tỉnh gần 1,2 tỉ đồng. Dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến được triển khai tại thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải do Hội Nông dân tỉnh làm chủ dự án. Dự án có Ban điều hành; Nhóm chuyên gia kỹ thuật dự án; Tổ hợp tác bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến.

 

Người dân tham gia tập huấn được chuyên viên Phòng Biển và Hải đảo (Sở TN-MT) thông tin về các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác vô cơ, hữu cơ, phương pháp ủ rác hữu cơ, kỹ thuật nuôi trùn quế và phương pháp tái chế chất thải thành những sản phẩm có ích. Nhân dịp này dự án đã hỗ trợ giỏ xách đi chợ cho 500 hộ dân trong thôn, giúp người dân thay đổi thói quen, nhằm mục tiêu giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng 1 lần trong sinh hoạt hàng ngày.

 

Chuyên viên Phòng Biển và Hải đảo (Sở TN-MT) tuyên truyền người dân về nguy hại rác thải sáng 25/12 tại thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải. Ảnh: THANH LÊ

 

Tham gia buổi tập huấn, chị Nguyễn Thị Hợp cho biết, trước giờ chị chưa biết cách phân loại rác thải và không nhận biết đâu là rác thải nguy hại nên chưa xử lý đúng cách, vô tình gây tổn hại sức khỏe của chính mình và gây ô nhiễm, đặc biệt là ảnh hưởng đến môi trường sinh thái Hòn Yến. “Hòn Yến là niềm tự hào của người dân Nhơn Hội, nếu làm được việc gì có ích để bảo vệ khu danh lam thắng cảnh này, tôi sẽ cố gắng”, chị Hợp khẳng định.

 

Trao đổi tại buổi tập huấn, một số người dân kiến nghị nên phát động sử dụng túi ni lông tự phân hủy để bảo vệ môi trường. Chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, chủ Cocohut Homestay Phú Yên (ở thôn Nhơn Hội) cho biết, khi nhiều du khách phàn nàn bãi tắm Hòn Yến rác thải túi ni lông thông thường nổi lềnh bềnh, cơ sở lưu trú của gia đình chị đã trang bị túi ni lông tự phân hủy, du khách sử dụng rất hài lòng. Chị Ngọc nói: “Hàng năm Hòn Yến thu hút đông du khách từ mọi miền đến thưởng ngoạn, người dân Nhơn Hội chúng tôi được hưởng lợi từ việc kinh doanh dịch vụ du lịch. Do đó, chúng tôi sẽ quyết tâm giữ gìn Hòn Yến sạch đẹp để ngày càng thu hút du khách”.

 

Ông Trương Tấn Lai, Trưởng thôn Nhơn Hội, Tổ trưởng Tổ hợp tác bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến, cho biết, từ khi triển khai dự án này, cán bộ hội đoàn thể đã tập trung tuyên truyền bà con nâng cao ý thức bảo vệ quần thể Hòn Yến như việc quản lý nguồn rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường; ngăn chặn hoạt động khai thác rạn san hô, khoáng sản xâm hại quần thể. “Người dân đã nhìn nhận được việc bảo vệ quần thể Hòn Yến là bảo vệ nguồn lợi của chính mình nên đã tự giác thực hiện”, ông Lai cho biết.

 

Ông Đinh Văn Ìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa Hải, thành viên Nhóm chuyên gia kỹ thuật dự án Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến cho biết: Mặc dù dự án mới khởi động, nhưng ý thức người dân đã nâng lên rõ rệt, bãi biển Hòn Yến hiện nay cơ bản không còn rác thải nữa, thay vào đó cây xanh được trồng dọc khắp bờ biển. Hiệu quả thấy rõ, chúng tôi mong muốn sau khi dự án kết thúc, Tổ hợp tác bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến tiếp tục được duy trì và nhân rộng mô hình hoạt động để công tác bảo vệ quần thể Hòn Yến được bền vững.

 

Bảo vệ hệ sinh thái biển, rạn san hô

 

Trong khuôn khổ dự án này (thời gian thực hiện dự án từ tháng 8/2020-12/2021), còn có nhiều hoạt động như nâng cao năng lực cho chính quyền địa phương, cán bộ nòng cốt các hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư địa phương về quản lý, bảo vệ hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rạn san hô. Đồng thời, tổ chức các đợt thu gom rác khu vực Hòn Yến; tổ chức thông tin tuyên truyền về dự án; phổ biến chính sách nhà nước về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái vùng biển; tổ chức thi tìm hiểu tác hại của chất thải từ đất liền và trên biển, rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái rạn san hô; lập dự án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Hòn Yến...

 

Người dân được tặng giỏ nhựa đi chợ tại buổi tập huấn sáng 25/12. Ảnh: THANH LÊ

 

Trước khi triển khai dự án bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến, cuối năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu chung của đề án là chặn đứng mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; hướng đến khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan quần thể Hòn Yến phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội huyện Tuy An nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung.

 

Có 5 nhóm mục tiêu cụ thể gồm: Hoàn thành điều tra, thống kê, đánh giá toàn diện về đa dạng sinh học quần thể Hòn Yến, làm cơ sở cho công tác quản lý và thành lập khu bảo tồn; tăng cường năng lực, thể chế, chính sách; phòng ngừa, kiểm soát khắc phục tình trạng ô nhiễm khu vực quần thể Hòn Yến; bảo tồn đa dạng sinh học khu vực quần thể Hòn Yến; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và thu hút sự quan tâm của cộng đồng về bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến.

 

Quần thể Hòn Yến được xác định bao gồm: Hòn Yến, Hòn Đụn, Bàn Than, Gành Yến, Hòn Choi, Vũng Choi. Trong đó, khu vực bảo vệ I có diện tích 100.275,82m2; khu vực bảo vệ II có diện tích 246.270,35m2.

 

THANH LÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek