Đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, không còn trực tiếp dong thuyền, cưỡi sóng ra khơi như thời trai trẻ, nhưng lão ngư Trà Chí Thu hiện vẫn là người “cầm lái” những con tàu xa khơi ở làng biển Lò Ba.
Chiều muộn. Tôi tìm đến nhà ông Thu ở khu phố Phú Thọ 1 (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa). Vợ ông bảo “ổng vừa mới đi ra biển” rồi lấy điện thoại a lô: “Ông hả? Nhà có khách cần gặp ông nè”. Khoảng 10 phút sau là ông có mặt tại nhà, niềm nở: “Ở trong nhà riết thấy khó chịu nên chiều chiều ra biển đi dạo cho mát và cho đỡ nhớ…”.
Một vai… ba, bốn gánh
Ở làng biển Lò Ba này, những thành viên trong nghiệp đoàn nghề cá hay các tổ, đội sản xuất an toàn trên biển gọi ông Trà Chí Thu một cách thân mật là chú hoặc bác Ba Thu. Ông Thu cho biết ông sinh năm Kỷ Sửu (1949) chớ không phải Tân Mẹo (1951) như giấy khai sinh. Tuy đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, lui về “tuyến sau”, nhưng với nhiều ngư dân, nói đến nghề cá hay nghề biển ở Lò Ba, trước tiên phải nói đến bác Ba Thu. Ông là người đi đầu trong việc đóng tàu có công suất lớn để đánh bắt xa bờ, sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hướng dẫn từng đường đi, nước bước cho lớp trẻ... Bởi sự vững vàng trong nghề biển, mẫu mực trong lối sống, ông được bà con làng biển đề cử và bầu làm Trưởng lạch Lò 1, Chi hội trưởng Nông dân khu phố Phú Thọ 1, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Hòa Hiệp Trung. Ông còn là Ủy viên Ủy ban MTTQ TX Đông Hòa.
Ông Thu kể: Lò Ba trước kia (nay gồm 4 khu phố: Phú Thọ 1, Phú Thọ 2, Phú Thọ 3 và Phú Thọ) là vùng gió cát khắc nghiệt, cuộc sống của người dân khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Hơn 10 tuổi, ông đã theo cha ra biển, thả lưới bắt cá trên chiếc sõng đôi (2 người). Lớn lên, ông tiếp tục bám biển, rồi cưới vợ, sinh con. 6 người con của ông (4 trai, 2 gái) lớn lên cũng đều theo nghiệp cha, bám biển mưu sinh. “Hồi ấy làm biển chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, không có máy định vị, dò cá như bây giờ. Giữa mênh mông biển cả, cứ nhìn trời, nhìn sao, dõi theo hướng gió mà đi, mà về…”, ông Thu nhớ lại.
Sau khi tỉnh Phú Yên tái lập, thấy nhiều nơi ngư dân có tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ hiệu quả, ông Thu tích góp tiền bạc, mạnh dạn đầu tư đóng mới chiếc tàu công suất 45CV và cùng với các con trai, con rể mở rộng vùng đánh bắt chuyên nghề lưới vây, lưới cảng. Những chuyến biển dài ngày đã giúp gia đình ông dần có của ăn, của để. Nhưng chỉ vài năm sau đó, tàu cỡ 45CV không còn là tàu công suất lớn nữa mà phải từ 90CV trở lên. Vậy là năm 1998, ông Thu quyết định nâng cấp con tàu lên 155CV, rồi 160CV… Hiện tại, hai con trai của ông Thu là Trà Chí Tịnh và Trà Chí Tú sở hữu 2 chiếc tàu có công suất hơn 800CV và 450CV, chuyên nghề lưới rút đêm và làm dịch vụ hậu cần nghề cá, cho thu nhập mỗi năm 2-3 tỉ đồng/chiếc; giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho trên dưới 20 lao động trực tiếp.
Là ngư dân “ăn nên làm ra” nhất làng nhưng vợ chồng ông Ba Thu vẫn sinh sống trong ngôi nhà cấp 4 được xây từ năm 1987. Ông Thu lý giải điều này: “Cả đời tôi gắn với biển giã, thân thể này thấm đẫm vị mặn của biển khơi nên trong đầu chỉ luôn nghĩ về biển. Cứu cánh của tôi và gia đình là con tàu có đủ khả năng vươn khơi bám biển mưu sinh, chớ không hề tính đến chuyện có nhiều tiền để gửi ngân hàng lấy lãi hay xây nhà cao cửa rộng”.
Điểm tựa tinh thần của ngư dân trẻ
Theo lão ngư Ba Thu, nghề cá của Hòa Hiệp Trung đã có một bước tiến rất xa so với thời trai trẻ của ông chủ yếu làm ăn đơn lẻ, đánh bắt gần bờ, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Hiện làng biển này đã có hàng trăm chiếc tàu lớn, trong đó có gần 60 chiếc công suất trên 400CV, trong đó có 3 chiếc vỏ thép công suất mỗi chiếc trên 1.000CV. Nghiệp đoàn Nghề cá Hòa Hiệp Trung thành lập năm 2013 do ông làm Chủ tịch, gồm 130 đoàn viên, hiện có 13 tàu có công suất trên 400CV. Với sự “chèo lái” của ông, những năm qua, nghề đánh bắt nhiều nơi vẫn khó khăn, nhưng nhiều chuyến tàu của ngư dân trong nghiệp đoàn về bờ, hầm tàu chứa từ vài chục đến cả trăm tấn cá, luôn rộn rã niềm vui. Kết thúc mỗi vụ cá, nhiều chủ tàu có thu nhập từ 2-6 tỉ đồng, mỗi bạn (thuyền viên) đem về cho gia đình 150-300 triệu đồng. Các thành viên trong nghiệp đoàn được phổ biến, nắm bắt kịp thời các chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như các thông tin pháp luật quốc tế về biển, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, dịch vụ hậu cần; sẵn sàng chia sẻ thông tin về luồng cá, giúp đỡ nhau khi gặp rủi ro, bất trắc trên biển…
Ngư dân Nguyễn Văn Chúng, một trong những tỉ phú trẻ ở làng biển Lò Ba nói: “Nghề cá của Hòa Hiệp Trung có được ngày hôm nay có công sức đóng góp đáng kể của chú Ba Thu. Chú là người khích lệ, đứng ra kết nối để mọi người tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ lớp ngư dân trẻ chúng tôi mạnh dạn đóng tàu lớn vươn ra khơi xa, vừa khai thác hải sản vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Lớp trẻ chúng tôi không quên công ơn của chú Ba Thu”.
Còn theo thượng tá Lê Xuân Chiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, cùng với phương tiện hiện đại, nghề cá của ngư dân Hòa Hiệp Trung nhiều năm qua thắng lớn là nhờ đi đánh bắt theo tổ, đội sản xuất an toàn mà người “chỉ huy” là ông Ba Thu. Hàng ngày, ông xuôi ngược trên bến, dưới cảng để lo toan hàng trăm chuyện lớn nhỏ. Từ theo dõi việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân đến tham gia hòa giải những sự cố va chạm, mang lưới trên ngư trường, gọi đàm thoại ra biển xa báo tin gió bão, dặn dò ngư dân trẻ không vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, quyên góp ủng hộ cho các gia đình bị hoạn nạn... Tháng 12/2019, một chiếc tàu cá của gia đình ông Hồ Né (phường 6, TP Tuy Hòa) hành nghề ở vùng biển Trường Sa bị chết máy, trôi tự do trong điều kiện thời tiết xấu, sóng to, gió lớn. Mặc dù tàu cá đang lên bờ làm nước nhưng vì “cứu người là trên hết”, ông Ba Thu “lệnh” cho con trai là Trà Chí Tịnh đưa tàu đi cứu hộ. Sau hơn 24 tiếng vượt sóng, chiếc tàu hơn 800CV đã tiếp cận và lai dắt tàu bị nạn vào bờ an toàn.
Với đóng góp và cống hiến cho hoạt động nghề cá và phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển, ông Trà Chí Thu đã được các cấp, ngành tặng nhiều phần thưởng. Gần đây nhất là bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương về thành tích xuất sắc trong thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân, giai đoạn 2009-2019.
Thượng tá Lê Xuân Chiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam |
XUÂN HIẾU