Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam đảm trách nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) tuyến biên phòng có chiều dài bờ biển hơn 24km qua địa phận các xã Hòa Tâm, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc và thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa). Địa bàn rộng, quân số có lúc thiếu so với biên chế, song nhờ xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc nên đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng vào một ngày cuối năm đúng vào dịp đơn vị tổ chức gặp mặt các tổ sản xuất an toàn trên biển. Sau một năm bươn chải với sóng gió khơi xa, bà con ngư dân có vài ngày để nghỉ ngơi và cùng quây quần bên nhau chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và chuẩn bị hành trang, tinh thần bước vào một mùa đánh bắt mới.
Tàu lớn, “trúng” lớn
Tổng kết phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” năm 2019, UBND huyện Đông Hòa đã tặng giấy khen cho 6 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào này. |
Lão ngư Trà Chí Thu ở khu phố Phú Thọ 1 (thị trấn Hòa Hiệp Trung) phấn khởi cho biết: Nhờ chuyển đổi phương thức đánh bắt từ gần bờ ra xa bờ, kết hợp phát triển mô hình liên kết tàu đánh bắt - tàu dịch vụ đã giúp nhiều ngư dân ở các làng biển Hòa Hiệp ăn nên làm ra. Với đà làm ăn thắng lợi, nhiều ngư dân tiếp tục đầu tư để nâng cao hiệu quả chuyến biển, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Còn anh Huỳnh Tấn Anh, một ngư dân sản xuất giỏi của làng biển Phú Lạc cho hay: Năm qua, đa số phương tiện lưới vây khơi của ngư dân Phú Lạc đều đạt sản lượng khá, thu nhập bình quân mỗi chuyến biển của chủ tàu cá trên dưới 500 triệu đồng. Ai có tàu lớn, vươn xa thì trúng lớn. Khi ra khơi hoạt động đánh bắt, bà con ngư dân chúng tôi đều chấp hành nghiêm các quy định theo pháp luật. Bên cạnh đó, nhờ có lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn đồng hành nên bà con chúng tôi rất an tâm. Những diễn biến ghi nhận được trên biển chúng tôi đều điện báo về đồn và trạm biên phòng kịp thời.
“Trước kia, làm biển để đủ ăn, đủ mặc đã khó. Còn giờ đây, nhiều ngư dân có thể thu được tiền tỉ từ nghề lưới vây khơi từ những con tàu đánh bắt xa bờ. Nếu gặp luồng cá, thu nhập mỗi bạn thuyền một chuyến biển 20-25 ngày khoảng 10 triệu đồng là chuyện bình thường. Chuyến nào “trúng”, có thể lên đến 20 triệu đồng. Tuy nhiên từ khi có quy định mới, tàu dưới 15m không được đánh bắt khơi nên một số người gặp khó khăn trong việc chuyển đổi”, ngư dân Lê Văn Lực ở thôn Phú Lạc chia sẻ.
Cùng ăn, cùng ở, cùng làm
Thiếu tá Lê Xuân Thắng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam cho biết: Thực hiện Chỉ thị 01 ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam đã phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn đã vận động và tham mưu cho UBND huyện Đông Hòa ra quyết định thành lập 12 tổ sản xuất trên biển với 92 phương tiện và 1.088 thành viên tham gia.
Đồng thời, đơn vị cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng huy động nhân lực, phương tiện dân sự và tàu thuyền sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của Tổ quốc với 8 phương tiện và hơn 100 lao động đăng ký. Đây là những phương tiện, lực lượng nòng cốt trong việc chuyển đổi ngành nghề, giúp nhau làm kinh tế và tham gia phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển. Các thành viên thường xuyên và kịp thời thông tin với nhau về ngư trường đánh bắt cá nhằm nâng cao sản lượng, thu nhập cao, tiết kiệm thời gian nhiên liệu trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản, đồng thời hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai hoặc rủi ro đâm va trên biển…
Để có được lực lượng ngư dân hùng hậu sẵn sàng làm tai mắt cho mình, đi đôi với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam luôn gắn bó mật thiết, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân trên địa bàn; tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ… Thông qua các tổ sản xuất trên biển, đơn vị nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển của nước ta, cũng như tình hình ANTT, những sự cố rủi ro, tai nạn của ngư dân khi đang làm ăn trên biển.
Cũng từ phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho BĐBP và các lực lượng chức năng nhiều tin có giá trị về tình hình ANTT trên biển, giúp đơn vị nắm chắc tình hình, chủ động đề ra những biện pháp xử lý thích hợp.
Thượng tá Lê Văn Chiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam cho biết: Năm 2019, các thành viên trong các tổ sản xuất trên biển đã cung cấp cho đơn vị 39 nguồn tin có liên quan đến chủ quyền, ANTT trên biển. Từ những nguồn tin này, đơn vị đã bắt và xử lý 11 vụ vi phạm an ninh trật tự, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp với số tiền gần 50 triệu đồng, trong đó có nhiều vụ liên quan đến khai thác trái phép trên biển. Đơn cử, lúc 19 giờ 30 ngày 9/7, lực lượng tuần tra của đồn đã phát hiện tàu cá số hiệu BĐ 91382TS, do ông Nguyễn Đình Luật (SN 1985, trú phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng và một tàu cá không biển kiểm soát do ông Nguyễn Minh (SN 1974, trú thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh, Khánh Hòa) làm thuyền trưởng, đang khai thác hải sản bằng hình thức giã cào sai quy định tại khu vực biển Bãi Môn - Bãi Gốc (xã Hòa Tâm). Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam đã tiến hành các bước xử lý 2 phương tiện theo quy định của pháp luật.
LẠC VIỆT