Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác biên phòng, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Tuy Hòa còn làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng nhiều công trình dân sinh có ý nghĩa thiết thực.
Thiếu tá Trần Quốc Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuy Hòa cho biết, thời gian qua, đơn vị đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quán triệt, triển khai có hiệu quả công tác biên phòng, đồng thời thực hiện nhiều “phần việc giúp dân”.
Có “thương hiệu” với nhà văn hóa
Bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bình Kiến, đồng thời là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Liên Trì 1 cảm kích bày tỏ: Sau nhiều năm vận động, quyên góp, người dân Liên Trì 1 mới xây dựng được nhà văn hóa, trụ sở thôn khang trang, có nơi hội họp, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí. Tuy nhiên vì nguồn kinh phí vận động có hạn nên còn một số phần việc dở dang, chưa thực hiện được.
Nhờ CBCS Đồn Biên phòng hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm ngày công mà khuôn viên liền kề với nhà văn hóa thôn, trước đây cỏ dại um tùm, là nơi “nuôi muỗi”, giờ đã được phát dọn sạch sẽ, thoáng đãng. Không chỉ có vậy, anh em còn trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường sáng, sạch, đẹp. Bà con rất cảm kích và biết ơn.
Theo bà Thu, đây không phải là lần đầu tiên CBCS Đồn Biên phòng Tuy Hòa giúp người dân thôn Liên Trì 1. Hơn 2 năm trước, xã Bình Kiến tiến hành tôn tạo Di tích lịch sử Địa điểm quản thúc và giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại thôn Liên Trì 1- một trong những địa điểm gắn với quá trình hoạt động của Luật sư trong thời gian ông bị địch quản thúc tại Tuy Hòa. Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã cử gần 70 lượt CBCS, lao động liên tục trong 4 ngày đổ bê tông lối đi vào điểm di tích, trồng hoa hai bên đường và trong khuôn viên công viên…, tôn tạo, làm đẹp di tích lịch sử này. Công trình sau khi hoàn thành đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan, tưởng nhớ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, người đã xem Phú Yên là quê hương thứ hai của mình.
Nhà văn hóa khu phố 4 (phường Phú Đông) cũng là một công trình có sự đóng góp công sức của những người lính quân hàm xanh Đồn Biên phòng Tuy Hòa. Được xây dựng từ năm 2011 nhưng chưa hoàn thiện nên nhiều năm liền, nhà văn hóa này gần như bị bỏ hoang. “Hồi ấy, khu phố 4 được cấp kinh phí để xây dựng nhà văn hóa nhưng chỉ xây xong hội trường là hết kinh phí. Phần sân ngổn ngang gạch đá, rác thải và trở thành chỗ trú ngụ cho gia súc, gia cầm thả rông. Vậy nên, dù ở ngay trong khu dân cư, nhà văn hóa khu phố vẫn xa lạ đối với người dân”, ông Nguyễn Trong, trưởng khu phố này nhớ lại. Thiếu tá Mai Văn Dũng, cán bộ phụ trách địa bàn nắm bắt được điều này nên báo cáo lại và tham mưu cho chỉ huy đồn lên kế hoạch thực hiện “phần việc giúp dân”. Và chỉ trong một buổi đi vận động, tổ công tác đã quyên góp được hơn 20 triệu đồng để mua xi măng. “Thừa thắng tiến lên”, những người lính biên phòng lại đến các doanh nghiệp trên địa bàn huy động ủng hộ cát, sỏi, đá…
Sau khi đã “gom” đủ tiền và nguyên vật liệu, Đồn Biên phòng Tuy Hòa điều động gần 20 cán bộ, đoàn viên, thanh niên của đơn vị giúp khu phố này cải tạo, hoàn thiện các hạng mục còn dang dở, xây tường rào bao quanh khuôn viên và chính thức gắn bảng “Nhà văn hóa khu phố 4” do chính những người lính trẻ biên phòng thiết kế, làm mới. Thiếu tá Trần Quốc Việt nhớ lại, ngày “khởi công” thực hiện công trình, từng CBCS đều tâm niệm phải cố gắng không để phụ lòng dân. Mỗi chi tiết trong việc cải tạo công trình đều được tính toán, cân nhắc tỉ mỉ và giao cho “thợ cả” Xuân Quyết, người có kinh nghiệm phụ trách chính việc thi công công trình.
Ngay sau nhà văn hóa khánh thành, khu phố 4 đã tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết thật tưng bừng. “Thương hiệu” vang xa, khu phố 5 (phường Phú Thạnh) cũng lại nhờ những người lính quân hàm xanh Đồn Biên phòng Tuy Hòa giúp cải tạo nhà văn hóa. Công trình hoàn thành sau 5 ngày với các phần việc như lợp lại mái nhà bị dột, nâng cao mặt nền, thay bảng biển, làm mới mặt tiền, xây cổng, hàng rào xung quanh khuôn viên. Tiếp đó, đơn vị lại giúp khu phố 5 (phường 9) cải tạo nhà văn hóa, bê tông hóa đường đi, lối lại trong các ngõ ngách… Đại úy Nguyễn Xuân Quyết, “thợ cả” của các công trình trên chia sẻ: “Bộ đội chúng tôi là từ nhân dân mà ra. Vì vậy, việc gì dân cần, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, khi có chỉ lệnh là chúng tôi lập tức hành quân”.
Sẵn sàng ứng phó sự cố, cứu nạn cứu hộ
Ngoài ra, CBCS Đồn Biên phòng Tuy Hòa còn là lực lượng nòng cốt trong phòng chống bão lụt, ứng phó sự cố, cứu nạn cứu hộ. Mỗi khi khu vực biển Long Thủy (xã An Phú), phường 6 bị triều cường xâm thực gây hại hay tàu thuyền của ngư dân ra vào cửa Đà Diễn bị mắc cạn, các anh đều có mặt kịp thời để giúp dân, bất kể là ngày thường, thứ bảy, chủ nhật hay ngày Tết.
Đơn cử, khoảng 21 giờ ngày 16/12/2016, lũ trên sông Ba đổ về kết hợp với triều cường dâng cao uy hiếp cơ sở sửa chữa tàu cá của ông Lương Chàng (khu phố 6, phường Phú Đông). 6 chiếc tàu cá trên 90CV đang trong quá trình sửa chữa có nguy cơ bị nước cuốn trôi ra biển. Nhận tin báo của chủ cơ sở, ngay trong đêm, Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã huy động CBCS cùng với lực lượng tại chỗ kịp thời vận chuyển hàng trăm bao cát đắp kè chắn sóng. Nhờ đó cơ sở sửa chữa tàu cá của ông Lương Chàng đã được bảo vệ an toàn.
“Là những người lính đứng chân trên địa bàn, được sự cưu mang đùm bọc của dân, vì vậy chúng tôi luôn xác định giúp dân là trách nhiệm, bổn phận của mình”, thiếu tá Trần Quốc Việt quả quyết.
LẠC VIỆT