Thứ Hai, 13/01/2025 02:18 SA
5 điểm mới của Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 11
Thứ Năm, 07/11/2019 11:19 SA

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam phát biểu. Ảnh: TTXVN

Ngày 6/11, Hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam (VLA) đồng tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.

 

Tham dự hội thảo có 280 đại biểu, trong đó có 87 học giả quốc tế, 68 đại diện đến từ 36 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, hơn 100 học giả, đại biểu Việt Nam, cùng nhiều phóng viên đến từ 58 hãng thông tấn, truyền hình trong nước và nước ngoài.

 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh 5 điểm mới của Hội thảo biển Đông lần thứ 11.

 

Theo đó, Hội thảo khuyến khích một cách nhìn rộng mở về biển Đông như là vùng biển kết nối các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực, duy trì sự tôn nghiêm của luật pháp quốc tế; đồng thời quan tâm đến sự liên thông thống nhất giữa các vùng biển và đại dương, là sự kéo dài của các lục địa.

 

Các phiên thảo luận được thiết kế theo hướng khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của giới hoạch định và thực thi chính sách.

 

Đặc biệt, hội thảo một phiên thảo luận riêng về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 nhân kỷ niệm 25 năm Công ước có hiệu lực và 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước. Lần đầu tiên, hội thảo nhận được sự hỗ trợ của một số lượng lớn các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

 

Tâm điểm của ngày thứ nhất Hội thảo là Phiên kỷ niệm 25 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có hiệu lực.

 

Các đại biểu đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; cho rằng Công ước là một thể chế pháp lý toàn diện, cân bằng lợi ích quốc tế với lợi ích quốc gia của tất cả các nước, kể cả các nước không có biển, nên cần được triển khai ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ quốc tế.

 

Các đại biểu kỳ cựu là nhân chứng lịch sử quá trình đàm phán UNCLOS 1982, các thẩm phán/cựu thẩm phán Tòa án Quốc tế về luật biển (ITLOS) đánh giá, sau 25 năm có hiệu lực, UNCLOS 1982 đã vượt qua thử thách thời gian, chứng minh được hiệu quả trong việc thiết lập trật tự trên biển, tạo nên một khuôn khổ hệ thống pháp lý toàn diện về quản trị biển và xứng đáng được gọi là hiến chương đại dương.

 

Các chuyên gia nhấn mạnh, UNCLOS 1982 vẫn phù hợp trong việc quản lý các vấn đề mới nổi trên biển và khẳng định vai trò của cơ quan tài phán trong việc tư vấn, giải thích, bổ sung và phát triển Công ước, góp phần hoàn thiện Luật Biển và giải quyết hòa bình tranh chấp trong tương lai.

 

Bàn về vai trò của các thể chế đa phương trong củng cố môi trường thượng tôn pháp luật và tìm kiếm giải pháp cho vấn đề biển Đông, các đại biểu khẳng định, ASEAN có vai trò quan trọng trong kiến trúc khu vực nói chung và kiểm soát, quản lý tranh chấp biển Đông nói riêng.

 

ASEAN tiếp tục đóng vai trò “trung tâm” trong việc xây dựng cơ chế hợp tác khu vực, dung hòa lợi ích của các nước lớn trong bối cảnh các nước lớn cạnh tranh gay gắt, nhằm xây dựng trật tự khu vực có lợi. Theo đó, ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 

Đây là sáng kiến kịp thời, phản ánh các nguyên tắc chính của ASEAN, gồm: Bao trùm, bổ sung lẫn nhau; trật tự dựa trên luật lệ theo luật pháp quốc tế; vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như là nền tảng cho đối thoại và triển khai hợp tác ở khu vực. Đây cũng là bước phát triển tích cực và là tư tưởng chung của cộng đồng quốc tế.

 

Nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác biển, xây dựng các quy tắc hành xử theo luật pháp quốc tế, xây dựng trật tự thượng tôn pháp luật trên biển Đông.

 

Có ý kiến cho rằng, ASEAN và các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt “là con đường giúp biển Đông thoát khỏi tình trạng phức tạp”. ASEAN tích cực thúc đẩy Trung Quốc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả, hiệu lực và toàn diện.

 

Việc đàm phán COC cần minh bạch, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và không loại trừ quyền lợi của các bên thứ ba. ASEAN ủng hộ thượng tôn luật lệ nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, lâu dài và toàn diện cho tranh chấp biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

 

Vai trò của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc cũng được các đại biểu khẳng định và cho rằng, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc là nơi phù hợp để giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh thế giới, gồm biển Đông. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có số lượng quốc gia là thành viên lớn nhất so với các thể chế đa phương khác.

 

Do đó, cơ quan này có thể thúc đẩy thượng tôn pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, đồng thời cung cấp nền tảng cho các nước nêu vấn đề biển Đông và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

 

Ngày 7/11, Hội thảo sẽ diễn ra với 6 phiên bàn tròn tổ chức song song và 2 phiên toàn thể tổng kết.

 

Các phiên bàn tròn song song gồm Giảm thiểu “vùng xám” để tăng cường quản lý biển; Bảo tồn nguồn cá cho thế hệ tương lai; Giải cứu đại dương khỏi ô nhiễm; Tranh chấp ở biển Hoa Đông; Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Sự hội tụ của hai đại dương; Các vùng địa cực: Những biên giới mới. Các phiên toàn thể gồm: Ngăn ngừa sự cố và xây dựng lòng tin; Củng cố nền tảng hòa bình và trật tự dựa trên luật lệ.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek