Ngày thường cũng như ngày lễ, Tết, cứ đến 8 giờ sáng là Trạm Kiểm soát biên phòng (KSBP) Đà Rằng (Đồn BP Tuy Hòa) lại lên máy, kết nối liên lạc với các phương tiện đang hoạt động đánh bắt ngoài biển khơi. Việc làm này góp phần đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến biển của bà con ngư dân địa phương.
Chúng tôi có mặt tại Trạm KSBP Đà Rằng vào sáng thứ hai, 29/4. Đang giữa kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, song mọi hoạt động của trạm vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày. Nhiều người dân địa phương cũng có mặt tại trạm để liên lạc với người thân đang hoạt động đánh bắt xa bờ qua máy bộ đàm và trao đổi thông tin, bày tỏ tâm tư nguyện vọng với cán bộ biên phòng.
Gắn kết biển - bờ
Thượng úy Lương Công Mậu, Trưởng Trạm KSBP Đà Rằng cho biết: Đang cao điểm của vụ cá nam nên hầu hết tàu thuyền của ngư dân Tuy Hòa đều đã vươn khơi bám biển. Trong đó, 6 chiếc cuối cùng vừa xuất bến vào ngày hôm trước (28/4) là PY-90184TS, PY-91071TS, PY-90027TS, PY-91088TS, PY-90046TS, PY-91728TS của ngư dân phường Phú Đông.
Lão ngư Trần Văn Đi, với hơn 40 năm trong nghề khai thác hải sản, trong đó có hơn 10 năm câu cá ngừ đại dương, chủ tàu cá PY-96262TS chia sẻ: “Thời tui còn cầm lái, tàu thuyền không có máy bộ đàm đường dài, những thông tin từ biển về bờ và ngược lại thường phải mất nhiều ngày, có khi cả chuyến biển. Cũng vì vậy mà mỗi chuyến biển, nhất là khi biển động bất thường, người trong bờ luôn thấp thỏm lo âu, người ngoài khơi cũng âu lo không kém. Còn bây giờ mặc dù đã “rửa tay gác chèo”, chỉ ở trong bờ nhưng nhờ có hệ thống bộ đàm, kết nối thông tin 24/24 nên mọi tin tức ở ngoài khơi tui đều nắm bắt rõ”.
Đó là với bà con ngư dân. Còn đối với Trạm KSBP Đà Rằng, kể từ năm 2011, khi được trang bị hệ thống máy bộ đàm công suất 125W và mỗi tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân đều gắn máy bộ đàm nên việc kết nối biển - bờ được liên tục, thường xuyên.
Ngoài nắm tình hình trên biển kịp thời, tuyên truyền ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật trong hoạt động khai thác hải sản, thông qua hệ thống này, trạm kịp thời kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú an toàn mỗi khi có bão, áp thấp nhiệt đới và hướng dẫn ngư dân khắc phục sự cố, tham gia tìm kiếm cứu nạn…
“Mọi thông tin trên biển mà ngư dân cung cấp về được cán bộ, chiến sĩ của trạm ghi chép lại cẩn thận vào sổ nhật ký. Khi có tình huống xảy ra, đơn giản thì trạm hướng dẫn bà con tự khắc phục; những tình huống cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp thì trạm báo lên cấp trên kịp thời xử lý. Đơn cử, vụ cá nam năm 2018, tàu cá PY-92042TS do ông Lương Công Hay (khu phố 4, phường Phú Đông) làm thuyền trưởng khi đang câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa thì thuyền viên Lê Tấn Phát đột ngột lên cơn đau bụng dữ dội. Nhận được thông tin từ thuyền trưởng qua máy bộ đàm, trạm đã mời bác sĩ quân y đến đàm thoại, chẩn đoán anh Phát bị viêm ruột thừa cấp và hướng dẫn đưa bệnh nhân vào Bệnh xá đảo Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa) để các bác sĩ quân y phẫu thuật. Nhờ đó anh Phát thoát hiểm”, thượng úy Lương Công Mậu cho biết thêm.
Cán bộ chiến sĩ Trạm KSBP Đà Rằng tuần tra bảo vệ vùng biển - Ảnh: XUÂN HIẾU |
Luôn đồng hành, sát cánh cùng ngư dân
Trạm KSBP Đà Rằng hiện quản lý 388 tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân phường 6 và phường Phú Đông, với hơn 3.000 lao động. Theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa (gọi tắt là Quyết định 48/TTg), những tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ này được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu nếu thực hiện đủ 4 chuyến biển/năm ở vùng biển xa (khoảng 300 triệu đồng/tàu/năm).
Tuy nhiên, một tin không được vui vừa đến với bà con ngư dân là trong số 388 tàu thuyền này có đến 184 chiếc hiện không còn đủ điều kiện hoạt động đánh bắt xa bờ. Đó là, ngày 25/4 vừa qua, Chi cục Thủy sản Phú Yên có Thông báo 05-TB-CCTS về việc xóa tên trong danh sách tàu cá Phú Yên đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg.
Theo đó, trong 288 tàu cá của các địa phương bị xóa tên trong danh sách vì có chiều dài dưới 15m, TP Tuy Hòa có 184 chiếc (phường 6 có 39 chiếc và phường Phú Đông 145 chiếc). Điều này cũng đồng nghĩa với việc 184 tàu cá này không được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu như trước.
Bà Nguyễn Thị Điệp (khu phố 6, phường Phú Đông), chủ tàu cá PY-96281TS cho biết: Năm 2003, gia đình tôi đóng chiếc tàu này để đi đánh bắt xa bờ theo chủ trương “bám biển, vươn khơi” của Đảng và Chính phủ; chiều dài con tàu theo hồ sơ thiết kế là 14,2m. Sau nhiều lần cải hoán, nâng công suất lên 400CV, hiện chiều dài thân tàu là 15,6m. Nay ngành chức năng căn cứ vào hồ sơ để xóa tên khỏi danh sách đủ điều kiện hoạt động đánh bắt xa bờ thì thiệt cho ngư dân quá. Chúng tôi cảm thấy bất an trước thông tin đột ngột này nên tìm đến Trạm KSBP Đà Rằng đề đạt nguyện vọng của mình”.
Theo bà Điệp, hoạt động khai thác đánh bắt trên biển ngày càng khó khăn và nhiều rủi ro. Nhờ Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền dầu nên bà con mạnh dạn, yên tâm vươn khơi bám biển. “Bà con chúng tôi mong tỉnh và các bộ, ngành chức năng xem xét lại. Một là cho kéo dài thời gian thực hiện để bà con cải hoán, nâng cấp cho đủ điều kiện. Hai là tổ chức đo đạc, sửa đổi hồ sơ, cấp lại giấy phép mới cho những chiếc tàu đủ chiều dài theo quy định”, bà Điệp đề nghị.
Tương tự, tàu cá PY-96536TS của ông Lê Tấn Đạt (phường Phú Đông) đóng năm 2000 dài 13,9m, sau nhiều lần cải hoán hiện dài 15,2m; tàu PY-91027TS của ông Trần Văn Sớt (phường Phú Đông) đóng năm 2014 dài 14,5m, thực tế dài 15,5m…
Ông Nguyễn Cư (phường 6) chủ tàu cá PY-92124TS giãi bày tâm trạng: “Chiếc tàu này của tôi theo hồ sơ thiết kế có chiều dài 14,95m, thiếu 0,05m theo Thông báo 05 và Quyết định 48/TTg. Đang vào cao điểm của mùa đánh bắt vụ cá nam, thông báo của cơ quan chức năng quá đột ngột nếu áp dụng ngay thì bà con chúng tôi không thể xoay xở kịp. Đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng cho kéo dài thời gian “xóa tên” đến hết năm nay để bà con cải hoán, nâng cấp tàu thuyền cho đủ điều kiện”.
Theo thượng úy Lương Công Mậu, nhận được thông báo trên, những gia đình ngư dân có tàu cá bị “xóa tên” tỏ ra rất hoang mang. Trạm đã cử cán bộ đến từng gia đình động viên bà con yên tâm, tiếp tục đánh bắt. Về những ý kiến đề xuất của bà con ngư dân theo trạm là chính đáng, đề nghị các cấp chính quyền và ngành chức năng quan tâm, xem xét thấu tình, đạt lý.
Điều 43 Nghị định 26/2019-NĐ/CP quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 về quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam:
1. Đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản:
a) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng;
b) Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ. |
LẠC VIỆT