Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo đảm quốc phòng - an ninh (QP-AN), Trung đoàn 720 (Binh đoàn 16) còn phối hợp với địa phương xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), góp phần xây dựng “phên dậu” tuyến biên giới ngày càng vững chắc.
Chúng tôi đến thăm Trung đoàn 720 (TĐ 720) đúng vào dịp tỉnh Đắk Nông kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng tỉnh nhà (23/3/1975-23/3/2019), cũng là dịp Báo Đắk Nông đăng cai tổ chức Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 9 (vòng 4) với chủ đề “Báo Đảng địa phương tuyên truyền về nông dân trong thời kỳ hội nhập”.
Đóng quân và thực hiện nhiệm vụ KT-QP ở địa bàn trọng yếu giáp với biên giới Campuchia, thời gian qua, TĐ 720 luôn đồng hành, sát cánh cùng người dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH; là mô hình “kết hợp KT-QP” được giới thiệu tại hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần này.
Giúp dân di cư ổn định cuộc sống
Đại tá Nguyễn Văn Trọng, Chính ủy TĐ 720 cho biết, từ năm 2002, đơn vị được giao tiếp nhận vào khu KT-QP của đơn vị 312 hộ, với 1.986 khẩu là người đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh Tây Bắc, quy hoạch thành 3 bản: Giang Châu, Sín Chải và Si Át.
Với đặc điểm 100% hộ dân theo đạo Tin lành, phần lớn người dân có trình độ dân trí thấp, phụ nữ không biết tiếng phổ thông, trong dân còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu; trong khi đó các thế lực thù địch thường lợi dụng các vấn đề “dân tộc, dân chủ, tôn giáo” để kích động, xúi giục đồng bào, chia rẻ khối đại đoàn kết dân tộc… nên thời gian đầu, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Ma Seo Thao (66 tuổi, ở bản Sín Chải) theo chân những người lính TĐ 720 từ năm 2002 bộc bạch: “Bộ đội TĐ 720 tốt lắm. Khi về đây lập bản, bộ đội đảm bảo lương thực cho dân trong 12 tháng đầu và cấp cho mỗi hộ từ 400-700m2 đất làm nhà và 1ha đất sản xuất. Rồi đơn vị cho bà con vay vốn trả chậm, cử cán bộ hướng dẫn cách khai hoang, hỗ trợ cây con giống và cách trồng tỉa cây lương thực và cây công nghiệp. Bà con người Mông rất biết ơn Đảng, Nhà nước và bộ đội 720 đã giúp bà con đổi đời. Không về với bộ đội, người Mông vẫn suốt đời khổ thôi”.
Sau khi 312 hộ dân đồng bào Mông bắt đầu ổn định cuộc sống, người nhà, người thân của họ từ các tỉnh miền núi Tây Bắc vào thăm, nhận thấy đây là vùng “đất lành” nên ở lại luôn, gây áp lực về nhiều mặt cho đơn vị, nhất là về giáo dục, y tế, đất ở, đất canh tác. “Năm 2004, đơn vị đề xuất Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16 đề nghị Chính phủ và địa phương mở rộng dự án để cấp thêm đất sản xuất cho dân; đồng thời giúp tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm nên bà con rất yên tâm trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình”, đại tá Nguyễn Đình Tụ, Trung đoàn trưởng TĐ 720 cho biết thêm.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Không chỉ giúp phát triển kinh tế, TĐ 720 còn quan tâm đến điện, đường, trường, trạm và các vấn đề an sinh xã hội. Từ chỗ “4 không”, nơi đây đã có 1 trường THCS, 2 trường tiểu học, 2 trường mầm non, 3 nhà nhóm trẻ. Các cháu đến độ tuổi đi học đều được đến trường, đến lớp. Trạm xá quân dân y do đơn vị xây dựng đã trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân khắp vùng. Đồng thời đơn vị cũng đã đầu tư hàng chục tỉ đồng làm đường giao thông liên thôn, liên xã, làm cầu bê tông, đập nước, đường điện trung hạ thế, xây dựng 2 nhà máy nước sạch, đào 35 giếng khoan, 21 bể nước sinh hoạt và 1 khu vui chơi cho các cháu thiếu nhi, khu liên hợp văn hóa - thể thao...
“Chúng tôi đang xây dựng điểm và nhân rộng mô hình “Đường bản sáng”. Trong năm nay sẽ có 100% các thôn, bản/bon và khu dân cư trên địa bàn có điện chiếu sáng tại các trục giao đường thông”, đại tá Nguyễn Đình Tụ cho biết thêm.
TĐ 720 được thành lập từ năm 1999. Nhiệm vụ chính trị của đơn vị là phát triển KT-XH, gắn với ổn định dân cư và củng cố thế trận QP-AN trên địa bàn 13 thôn, bản/bon của 4 xã thuộc 2 huyện Tuy Đức và Đắk R’lấp tỉnh Đắk Nông. Đến nay, dự án Khu KT- QP của TĐ 720 đã thu hút trên 17.000 lao động với gần 900 hộ nhận khoán. Trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là 91 hộ; đồng bào Mông 431 hộ; còn lại là đồng bào các dân tộc khác như: Nùng, Dao, Khơme, Tày, Hoa, Mường, Mnông, Sán Chỉ…Mỗi hộ dân nhận khoán từ 0,7-1ha cà phê và từ 1-2ha điều, cao su. Kinh tế của các hộ dân phát triển ổn định. Từ năm 2008 đến nay, bình quân mỗi hộ thu nhập trên 60 triệu đồng/năm. Trên 20 hộ đã mua được ô tô, máy kéo, máy cày; gần 100 hộ mở dịch vụ vui chơi giải trí, trao đổi mua bán nhu yếu phẩm. Những việc làm của Binh đoàn 16 nói chung, TĐ 720 nói riêng trong thời gian qua khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta kết hợp KT với QP của các đoàn KT-QP trong quân đội. Sự có mặt của những người lính trên mặt trận kinh tế đã làm thay da đổi thịt nơi địa bàn vùng sâu, vùng xa, xây dựng “phên dậu” tuyến biên cương ngày càng vững chắc.
(Đại tá Nguyễn Đình Tường, Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 16) |
XUÂN HIẾU