Thứ Tư, 15/01/2025 16:25 CH
Xuân về nhớ… đặc sản bánh chưng Trường Sa
Thứ Bảy, 26/01/2019 07:21 SA

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nam Yết thi gói bánh chưng bằng lá bàng vuông - Ảnh: XUÂN HIẾU

Hàng năm, cứ đến tháng Chạp, quân dân tỉnh Khánh Hòa và Vùng 4 Hải quân đều “chở Tết” ra Trường Sa. Những con tàu vượt sóng gió trùng khơi mang theo tình cảm dạt dào của người dân đất liền trên mọi miền Tổ quốc đến với quân dân trên huyện đảo thân yêu. Tết trên các đảo vì vậy cũng đến sớm hơn so với đất liền. Khi có nếp, có thịt… theo tàu ra đảo là bộ đội tổ chức gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cỗ đón Tết.

 

Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: Năm nào cũng vậy, Bộ Tư lệnh Vùng đều giao nhiệm vụ cho Lữ đoàn 146 xây dựng kế hoạch bảo đảm các mặt hàng cho bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa đón Tết cổ truyền của dân tộc theo tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

 

Ngoài ra, các địa phương, đơn vị và người dân cả nước cũng đã “góp Tết” cho Trường Sa. Như năm vừa rồi, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (75 tuổi) vượt hàng ngàn cây số từ Tuyên Quang vào Cam Ranh mang theo 2 tạ nếp, 2 tạ gạo, 2 tạ đậu xanh gửi tặng quân dân Trường Sa. Các mặt hàng Tết gửi ra đảo gần như chẳng thiếu thứ gì. Đây là nguồn động viên to lớn giúp cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

 

Cây “anh cả” bàng vuông

 

Tháng Chạp năm ngoái, được cùng ăn Tết sớm với quân dân huyện đảo Trường Sa, tận mắt chứng kiến bộ đội các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết… sắp đặt mâm cỗ và trang trí ngày Tết, tôi thấy chẳng khác gì ở trên đất liền. Mâm cỗ cũng có đủ hương vị Tết cổ truyền với bánh chưng xanh, dưa món, gà luộc… và câu đối đỏ. Hoa, cây cảnh thì có lan, sứ, vạn thọ, quất…

 

Năm nào không có những cành đào miền Bắc, những cành mai miền Nam thì lính đảo chọn những cành phong ba hay mù u có dáng, thế đẹp rồi kết lên đó những bông đào, bông mai bằng giấy, gắn đèn nhấp nháy trông như thật, tạo không gian ấm cúng.

 

Theo các nhà nghiên cứu về Trường Sa, thời các vua nhà Nguyễn cai quản Hoàng Sa và Trường Sa, trên các đảo ở quần đảo Trường Sa có rất ít cây xanh, chủ yếu là những cây chịu được nắng hạn, gió biển. Từ sau ngày giải phóng đến nay, bằng sự nỗ lực của toàn quân, toàn dân huyện đảo và sự chi viện, góp sức của đồng bào cả nước, lượng cây xanh trên các đảo ngày càng tăng.

 

Theo thống kê sơ bộ, các đảo đã trồng hơn 5.000 cây bóng mát, như: tra, bàng thường, bàng vuông, mù u, phong ba, bão táp, dừa... Sức sống của các loại cây này thật kỳ diệu, cứ sừng sững giữa gió mưa, bão tố, như một sự thách thức với thiên nhiên khắc nghiệt. Hiện nay, độ che phủ bình quân các đảo đạt từ 30-40%, một số đảo như Nam Yết, Sơn Ca… đạt đến 80%.

 

Bên cạnh việc tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, cây xanh còn có tác dụng làm thay đổi cách nghĩ của nhiều người về nơi đầu sóng ngọn gió này. Đặc biệt, cây bàng vuông còn được dùng để gói bánh chưng, thay cho lá dong, lá chuối, tạo hương vị rất đặc trưng của Tết Trường Sa.

 

Nhắc đến bàng vuông, không ai nhớ chính xác loài cây này có mặt ở Trường Sa vào thời điểm nào, chỉ biết bây giờ, có những cây đã trở thành cổ thụ, được xếp vào hàng “anh cả” được công nhận là “cây di sản”, như ở đảo Nam Yết. Cây bàng vuông “di sản” có 8 nhánh, tuổi thọ khoảng 300 năm, cao 15m, tán rộng hơn 30m. Gọi là “bàng vuông” vì loại cây này có quả to hơn quả bàng thường, có góc cạnh, hình khối vuông. Nếu như phong ba, bão táp, tra... chủ yếu được trồng ven đảo, trên các bãi cát, để làm nhiệm vụ chắn gió, chắn sóng thì bàng vuông lại được trồng nhiều ở sát doanh trại, nhà ở của bộ đội. Tán lá dày, tầm cây khá cao, xanh tươi quanh năm, nên cây bàng vuông tạo bóng râm rất tốt, có “nhiệm vụ” che nắng, che mưa.

 

Hoa bàng vuông nở quanh năm, nhưng chỉ nở vào ban đêm và rộ nhất là vào mùa xuân nên chỉ có những người lính đảo tuần tra, canh gác vào ban đêm mới hiểu, mới thấy được khi nào hoa nở và cảm nhận hết được hương thơm của loài hoa được ví là “hoàng hậu” của các loài hoa trên đảo.

 

Tác giả Dung Nguyên khi ra Trường Sa đã cảm nhận về loài hoa này: Mấy ai mới biết nơi Trường Sa đầu sóng/ Đêm khuya về thoáng bóng những nàng hoa/ Cánh trắng tinh, ống nhụy tím lượt là/ Dáng trâm vắt trên tóc huyền thiếu phụ/ Hoa bàng tươi thoảng hương từ chùm nụ/ Sắc tựa quỳnh trên cổ thụ đại dương/ Cây bàng vuông sừng sững trước gió sương/ Thức cùng súng canh biên cương biển đảo/ Đêm Trường Sa đẹp lung linh kỳ ảo/ Phấn hoa bàng lấp lánh tựa chòm sao/ Đảo nổi chìm chỗ thấp chỗ nhô cao/ Từng cụm một… Ôi nao nao tình nước!

 

Hương vị của đất liền và biển cả

 

Theo đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa và nhiều cựu binh lính đảo tâm sự, nói đến Tết cổ truyền của dân tộc là phải nói đến dưa hành, thịt mỡ… bánh chưng xanh. Vì vậy, mỗi khi đến Tết, bộ đội đều tổ chức gói bánh chưng để tưởng nhớ đến tổ tiên. Tuy nhiên do trên đảo không có lá chuối cũng không có lá dong nên bộ đội đã có sáng kiến gói bánh chưng bằng lá bàng vuông (ở đảo Nam Yết còn gói bánh chưng bằng lá dừa - PV).

 

Những năm gần đây, Trường Sa không thiếu lá dong, lá chuối từ đất liền đưa ra đảo, nhưng mỗi khi Tết đến bộ đội vẫn dùng lá bàng vuông để gói bánh chưng vì hương vị đặc biệt của nó. Mặt khác, lá dong hay lá chuối được chuyển từ đất liền ra đảo, trải qua hải trình dài, khi đến đảo đã chuyển màu ngà vàng. Bởi thế, để bánh chưng có màu xanh, bộ đội vẫn phải dùng lá bàng vuông còn tươi xanh lót bên trong.

 

“Chính từ sự kết hợp độc đáo này, mùi thơm của lá bàng vuông quyện cùng lá dong làm nên vị bánh rất đặc trưng, đó là hương vị của đất liền và biển cả. Ẩn chứa trong những chiếc bánh chưng ấy là hồn thiêng dân tộc, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của quân dân Trường Sa”, đại tá Bùi Đình Dương nói.

 

Lá bàng vuông dùng để gói bánh phải chọn từ những cây đang độ trưởng thành, lá to, dày và có màu xanh mướt. Thượng úy Đỗ Quang Đoàn (đảo Nam Yết) người có thâm niên 6 năm gắn bó với Trường Sa chia sẻ: Để lá tươi lâu, sau khi hái, không được rửa mà chỉ vấy nước đủ ướt hai mặt, rồi dùng khăn lau sạch. Do lá bàng giòn, không dẻo như lá dong nên để gói được bánh, sau khi làm sạch lá xong, dùng dao hoặc kéo tước bớt phần cọng, trước khi gập cho vào khuôn gói. Còn nguyên liệu để gói bánh chưng bằng lá bàng vuông về cơ bản cũng giống như bánh gói bằng lá dong hay lá chuối.

 

Thường sau khi những chuyến tàu “chở Tết” đưa lương thực, thực phẩm lên đảo ngày nào là ngày hôm sau cả đảo tổ chức thi gói bánh chưng. Cuộc thi diễn ra vô cùng sôi nổi giữa các đơn vị, bộ phận với nhau. Nhóm phụ trách việc mổ heo; nhóm làm nhân bánh, vo nếp; nhóm hái lá bàng vuông… Không chỉ có bộ đội mà lực lượng dân quân, các hộ dân sinh sống trên đảo cũng tham gia. Cuộc thi được tổ chức ngay bên dưới những tán bàng vuông rợp mát.

 

Theo chị Dương Thị Ngọc Hiền ở xã đảo Song Tử Tây, gói bánh chưng bằng lá bàng vuông khó hơn nhiều so với gói bằng lá dong hoặc lá chuối, nhưng những chiếc bánh được tạo ra bởi bàn tay của những người lính đảo vuông vức, sắc cạnh trông rất bắt mắt, chẳng thua kém gì những người khéo tay ở đất liền”. Bánh gói xong được trình ra “Hội đồng giám khảo” chấm sơ khảo về mặt hình thức, còn vòng chung khảo là chờ sau khi… bánh chín, bày lên mâm cỗ. Thời gian nấu bánh cũng thật thú vị. Đây là thời điểm rôm rả những câu chuyện Tết của quân dân trên đảo, tạo không khí sum họp, ấm cúng của một đại gia đình ở nơi hải đảo tiền tiêu.

 

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió này được ăn miếng bánh chưng gói bằng lá bàng vuông thật vô cùng ý nghĩa. Bánh có vị rất đặc biệt, trộn lẫn hương vị mặn mòi của biển với nắng gió Trường Sa và hương nếp dẻo thơm của đất liền. Trong không khí vui tươi, nhộn nhịp đón năm mới, những chiếc bánh chưng gói từ lá bàng vuông tô đậm thêm hương vị Tết ở nơi đảo xa; thể hiện tinh thần vượt khó, kiên cường của những người lính đảo.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek