Là thị trấn ven biển của huyện Đông Hòa, cùng với chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác biên phòng và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo; cấp ủy, chính quyền, MTTQ thị trấn Hòa Hiệp Trung đã tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung của Ngày Biên phòng toàn dân (BPTD), xây dựng thế trận biên phòng ngày càng vững chắc.
Xây dựng thế trận BPTD
Xác định công tác tuyên truyền về biển đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thị trấn Hòa Hiệp Trung luôn chủ động phối hợp với Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: thông qua tổ chức hội nghị, các cuộc họp dân; lồng ghép với hoạt động của các tổ chức đoàn thể; lồng ghép vào các buổi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, sinh hoạt các câu lạc bộ Phụ nữ hướng về biển đảo, sinh hoạt tổ tàu thuyền an toàn… và tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh. Đồng thời thành lập Tổ tuyên truyền lưu động, trực tiếp xuống các bến neo đậu tàu thuyền tuyên truyền cho ngư dân.
Chủ tịch UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung Nguyễn Bửu cho biết, nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, tiềm năng của biển đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến trong hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Đi đôi với công tác tuyên truyền, Hòa Hiệp Trung chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình đảm bảo ANTT trên các tuyến nuôi trồng và khai thác thủy sản, bến neo đậu tàu thuyền với nhiều hình thức tự quản, tự phòng phù hợp.
Cùng với vận động thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá Hòa Hiệp Trung với 14 tàu thuyền/130 đoàn viên; duy trì hoạt động của 17 tổ tàu thuyền an toàn và 30 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển với hơn 100 tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên và hàng ngàn thuyền viên vừa hoạt động đánh bắt xa bờ vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, Hòa Hiệp Trung đã huy động các tàu thuyền có công suất từ 400CV trở lên với hơn 50 thuyền viên tự nguyện, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo khi có lệnh điều động.
“Từ khi thành lập các tổ tàu thuyền sản xuất trên biển, bà con ngư dân thêm gắn kết với nhau trong khai thác thủy sản; năng suất, thu nhập cũng tăng cao. Đi đôi với bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển đảo, bà con còn tích cực tham gia công tác cứu nạn cứu hộ trên biển”, ông Trà Chí Thu, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Hòa Hiệp Trung cho biết.
Thế trận BPTD của Hòa Hiệp Trung còn được thể hiện rõ trong công tác xây dựng và huấn luyện chiến đấu của lực lượng dân quân. Không chỉ xây dựng lực lượng “sao vuông” với đầy đủ các binh chủng theo quy định như các địa phương khác, Hòa Hiệp Trung còn tham mưu với cấp trên thành lập Trung đội Dân quân biển. Lực lượng này thường xuyên được huấn luyện đầy đủ nội dung, chương trình theo quy định và phối hợp làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn, phòng chống lụt bão; chủ động nắm bắt tình hình an ninh trên biển, báo cáo kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan cấp trên kịp thời xử lý khi có tình huống, vụ việc xảy ra.
Nâng cao nhận thức về biển đảo cho học sinh
Nằm ở địa bàn khu phố Phú Thọ, Trường THPT Nguyễn Văn Linh hiện có hơn 1.400 học sinh ở 3 khối 10, 11, 12 với 35 lớp. Ngoài dạy các kiến thức phổ thông theo chương trình quy định, Ban Giám hiệu nhà trường còn chú trọng giáo dục cho học sinh về tình yêu, ý thức trách nhiệm đối với biển, nhận thức sâu sắc về bảo vệ chủ quyền biển đảo.
ThS Nguyễn Đình Diêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi xem đây là một nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Để thực hiện tốt công tác này, nhà trường đã đưa nội dung tuyên truyền về biển đảo vào chương trình dạy học tích hợp liên môn: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục quốc phòng… Đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia như: Tọa đàm về Ngày BPTD, mời cán bộ Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam và các nhân chứng sống trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, biển đảo nói chuyện, trao đổi với học sinh…”.
Đầu năm nay, Trường THPT Nguyễn Văn Linh được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn chọn làm nơi tổ chức phát động cuộc thi Tìm hiều về biên giới và BĐBP. Kết quả có 1.235 bài dự thi của giáo viên, học sinh và tập thể đạt giải khuyến khích. Mới đây, Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Văn Linh tổ chức chương trình gặp gỡ, giao lưu với chủ đề “Vì Trường Sa thân yêu” giữa giáo viên, học sinh của trường với các cựu chiến binh Trường Sa - những nhân chứng sống trong trận hải chiến Gạc Ma với quân xâm lược ngày 14/3/1988.
Hiệu trưởng Nguyễn Đình Diêm cho biết nhà trường đang tổ chức vận động xây dựng mô hình chủ quyền biển đảo về Hoàng Sa - Trường Sa trong khuôn viên của trường, nhằm bồi đắp thêm tình yêu biển đảo của Tổ quốc nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam nói riêng cho các thế hệ giáo viên, học sinh của trường.
Em Trần Anh Kiệt, học sinh lớp 12C1 thổ lộ: “Qua buổi giao lưu “Vì Trường Sa thân yêu”, chúng em hiểu rõ hơn về sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ bộ đội Trường Sa trong trận hải chiến hơn 30 năm trước ở đảo Gạc Ma và càng yêu thêm biển đảo quê hương. Còn qua các hoạt động kết nghĩa giữa nhà trường với Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, chúng em được nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và nhiệm vụ của toàn dân trong việc giữ gìn chủ quyền, an ninh biển đảo”.
LẠC HỒNG