Thứ Tư, 15/01/2025 20:45 CH
PGS-TSKH Nguyễn Tác An: Cần thiết lập tư duy quản trị biển
Thứ Bảy, 08/12/2018 07:23 SA

Bộ đội Biên phòng Phú Yên kiểm tra thuyền trên biển - Ảnh: HỒNG CHIÊN

“Vấn đề hiện nay của ta là phải thiết lập tư duy quản trị biển chứ không chỉ quản lý biển. Điều cần làm là tạo ra kỷ cương, xây dựng một hành lang chính sách và luật pháp trong công tác quản lý biển, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch và toàn xã hội đều hoạt động, vận hành trong khuôn khổ hành lang quy tắc ấy. Đây sẽ là nền tảng giúp chúng ta khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế biển đảo, đưa nước ta thành một quốc gia thực sự mạnh về biển”. PGS-TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang nhấn mạnh như vậy khi bàn về nội dung: “Để Việt Nam thực sự mạnh về biển”.

 

* Theo nhận định của nhiều chuyên gia về biển, hiện nay, chúng ta vẫn lúng túng trong việc xây dựng một mô hình quản lý biển hài hòa các mục tiêu, chính sách phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

 

PGS-TSKH Nguyễn Tác An

- Chiến lược biển Việt Nam năm 2007 và Luật Biển năm 2012 đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc tiến ra biển để phát triển. Đây là những văn bản pháp lý, định hướng phát triển biển; là cơ sở, cẩm nang cho việc chỉ đạo xây dựng các chính sách, sử dụng biển cũng như các kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quản lý không gian biển và huy động tổng lực các khả năng thực hiện. Song, từ những định hướng tổng thể này, chúng ta vẫn chưa đề xuất được các giải pháp khả thi cũng như phương pháp đánh giá, giám sát, kiểm soát các hoạt động trên biển.

 

Theo chiến lược biển của chúng ta thì phải xây dựng một quốc gia biển mạnh, nhưng mạnh về biển là như thế nào? Chúng ta thường nói mạnh về chính trị, xã hội, về lý luận thì hoàn toàn đúng, nhưng khái niệm này chưa thể hiện rõ được những nội dung hành động cụ thể mà toàn dân phải làm để Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Ở các nước phát triển, người ta nói rất rõ, biển mạnh trước hết là tôi phải sống được nhờ biển, phải bảo vệ được môi trường biển và bảo vệ cho được những người dân ở trên biển. Tiếp nữa là trên trường quốc tế, tôi phải có tiếng nói, đồng thời phải giữ được biển, đó là không gian tâm linh mà cha ông để lại.

 

Để sống nhờ biển, phát triển bền vững từ biển, chúng ta phải có phương thức quản lý đúng, có sách lược, quy hoạch phát triển phù hợp, rõ ràng, có định hướng mục tiêu cụ thể là phải đạt gì, vào thời gian nào. Chẳng hạn, với ngư dân, Nhà nước phải hướng dẫn cho dân là cần khai thác cái gì, khai thác ở đâu, khai thác bao nhiêu, rồi bán như thế nào, thị trường ở đâu, Nhà nước cần hỗ trợ cái gì cho ngư dân, và cần làm gì để gìn giữ, tái tạo nguồn lợi từ biển, giữ biển cho cuộc mưu sinh lâu dài.

 

Bất cập lớn nhất trong công tác quản lý biển hiện nay là chúng ta còn theo lối quản lý ngành, thiếu tính tổng thể, khái quát. Điều này dẫn đến việc khai thác chỉ tính đến mục tiêu đạt hiệu quả kinh tế, tối đa hóa lợi ích của ngành, chứ không trên cơ sở phân tích các chức năng một cách cụ thể nên thiếu tính bền vững. Điều đó đã dẫn đến thực trạng phát triển manh mún theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, gây xung đột nhau, hay tình trạng vừa làm, vừa dò dẫm từng chuyện một, rồi thì sai đâu mới sửa đấy. Mặt khác, tài nguyên biển bị sử dụng, khai thác quá mức, gây lãng phí và suy thoái môi trường biển và hải đảo.

 

Tóm lại, hiện sự chuyển động của xã hội cũng như các ngành chức năng liên quan còn khá chậm, chưa tương xứng với quyết tâm của một nước ven biển có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để trở thành quốc gia mạnh về biển.

 

* Như vậy, trong mục tiêu đưa nước ta thành một quốc gia thực sự mạnh về biển, vấn đề mấu chốt nhằm tháo gỡ những bất cập trên là gì, thưa ông?

 

- Muốn phát triển bền vững biển đảo, muốn làm chủ biển, đảo, chúng ta cần phải thiết lập tư duy quản trị biển.

 

Quản trị nhà nước về biển là quá trình điều hành, quản lý phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo theo “kỷ cương”, theo “sách lược”, đảm bảo đúng định hướng và được kiểm soát một cách có hiệu quả, rõ ràng, minh bạch các mục tiêu đã đề ra vì quyền lợi chung. Nó cũng thiết lập các chuẩn mực về hành vi, đạo đức hoạt động theo nghề nghiệp.

 

Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương và biển. Để đáp ứng với công cuộc hướng mạnh ra biển, chinh phục và khai thác nguồn tài nguyên lợi thế của biển, các quốc gia ven biển cần hội đủ ba thế mạnh “tổng lực”: Mạnh về kinh tế biển, mạnh về khoa học, công nghệ biển và mạnh về thực lực quân sự biển.

 

Thực tế, việc quản lý biển theo lối quản lý hành chính bấy lâu nay không còn phù hợp với công cuộc phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã tác động mạnh mẽ đến tốc độ phát triển các quốc gia ven biển. Các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và các mối quan hệ giữa người với người, con người với thiên nhiên đang thay đổi từng giây, từng phút, từng ngày. Thêm vào đó là các thách thức lớn về chính trị trên biển Đông. Vì vậy, để phát triển và tồn tại được, chúng ta phải có hình thức phù hợp theo thực tiễn để quản lý nó, kiểm soát quyền lực, kiểm soát những hành vi không phù hợp với quá trình phát triển.

 

Bằng phương thức quản trị, ta sẽ xây dựng quy hoạch không gian phát triển trên cơ sở các tính toán, phân tích từ nghiên cứu khoa học, dựa trên tiếp cận hệ sinh thái và tiếp cận thích nghi. Từ quy hoạch tổng thể triển khai quy hoạch đối với từng khu vực, địa phương, ngành nghề cụ thể với các mối liên kết và hài hòa lợi ích. Đồng thời xây dựng kỹ cương, hành lang chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch. Dưới vai trò điều phối của bộ phận quản lý chiến lược, cơ chế quản trị sẽ huy động hiệu quả toàn bộ nguồn lực của hệ thống chính trị, vận hành trong khuôn khổ những quy tắc và chuẩn mực đã thống nhất. Theo guồng quay đó, cái gì không đúng quy tắc thì nó sẽ tự động bị loại ra.

 

Chính phương thức quản trị sẽ giúp chúng ta khắc phục 3 hạn chế lâu nay thường mắc phải: Không quản lý được đồng vốn, xã hội không vận hành theo đúng quy luật, không tạo ra được sự liên kết, phối hợp và đột phá trong phát triển. Mà tất cả những điều đó rất cần trong quản lý biển đảo.

 

* Vậy để tổ chức tốt phương thức quản trị, tăng các cơ hội và giảm thiểu thách thức cho phát triển bền vững biển đảo, với điều kiện hiện nay, chúng ta cần các giải pháp cụ thể nào?

 

- Việc thay đổi một phương thức, tiếp cận một tư duy mới cho cả cộng đồng cần có một quá trình. Vấn đề trước hết là phải tăng cường nhận thức về đại dương và biển, tăng cường ý thức biển đảo trong toàn xã hội. Chúng ta phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, xác định đột phá về sáng tạo trong nhận thức, sáng tạo công nghệ. Đào tạo nhân tài chuyên môn về biển và các ngành liên quan.

Bên cạnh đó cần xây dựng các giải pháp sử dụng biển đảo hợp lý và hiệu quả; nâng cao vai trò và định hướng của công tác phân vùng chức năng, của quy hoạch; nâng cao trình độ, kỹ năng, hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường biển, tăng cường khả năng thăm dò, điều tra đánh giá các giá trị phát triển của biển, hải đảo.

 

Mặt khác cần sinh thái hóa và phát triển xanh ở biển Đông, nỗ lực tối đa hóa phúc lợi kinh tế, xã hội và văn hóa, không chỉ từ khai thác tài nguyên biển đảo, mà còn từ đầu tư cung cấp các dịch vụ, tạo sự công bằng trong việc phân bổ nguồn tài nguyên khan hiếm và các dịch vụ giữa các nhóm kinh tế và xã hội khác nhau, duy trì phát triển bền vững tài nguyên biển đảo theo các nguyên lý cân bằng sinh thái.

 

* Yếu tố nhân lực cũng là thách thức lớn trong phát triển bền vững biển đảo của ta hiện nay, ông nói gì về điều này?

 

- Từ những năm 90 của thế kỷ trước, các quốc gia có tiềm năng về kinh tế biển đã chứng minh được rằng: Một nước nghèo cũng có thể phát triển được, miễn là biết quản trị, phát triển kinh tế thích ứng với sự biến động của tự nhiên, xã hội, biết cách đầu tư đầy đủ cho nguồn nhân lực phục vụ sách lược bảo vệ và khai thác biển đảo. Song điều này phải bắt nguồn từ việc biết khai thác, sử dụng “nguồn vốn con nguời”.

 

Theo tôi, việc xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam phải được đặt lên hàng đầu trong tình hình nhân lực về biển của ta vốn dĩ đang thiếu và yếu so với các nước trong khu vực, khi chúng ta hội nhập thế giới.

 

Chúng ta cần hướng tới đào tạo các chuyên gia thực sự hiểu thấu đáo bản chất biển đảo trên những nền tảng khoa học cơ bản, để giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến phát triển cũng như kỹ năng công nghệ và các mối quan hệ biện chứng. Họ có năng lực xây dựng quy trình đưa ra quyết định và chính sách tổng hợp; các thể chế quản trị và phát triển, đáp ứng các yêu cầu của công cuộc quản lý biển, nhất là trong bối cảnh nóng của biển Đông hiện nay. Tôi nghĩ, giải quyết được nhu cầu nhân lực sẽ tạo được đột phá.

 

Tóm lại, tiềm năng đất nước còn nhiều nhưng tùy thuộc vào dân chúng và Nhà nước có quyết tâm chính trị, tiếp nhận những phương thức quản lý có tính thời đại thì mới phát triển lâu dài và thịnh vượng đồng đều cho mọi người.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

PHƯƠNG OANH (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek