Phú Yên hiện có gần 4.200 tàu cá, trong đó tàu cá công suất 90CV trở lên là gần 1.200 chiếc và từ 400CV trở lên là 471 chiếc. Đây chính là những “cột mốc chủ quyền” di động, là “phên dậu” trên biển, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo Quyết định 2527/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 của UBND tỉnh về việc duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu khoảng 4.000 tàu khai thác hải sản, trong đó 1.100 tàu khai thác hải sản xa bờ. Như vậy đến nay chỉ tiêu này đã đạt và vượt kế hoạch đề ra (4.200/4.000 chiếc và 1.200/1.100 chiếc). Vấn đề còn lại là cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để ngư dân tiếp tục phát triển, nâng cao công suất tàu thuyền, tiếp tục vươn khơi bám biển.
Để đạt được kết quả trên, trong thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT) vận động, hướng dẫn ngư dân tổ chức sản xuất trên biển theo tổ, đội gắn với khai thác vận chuyển, dịch vụ thu mua trên biển nhằm hỗ trợ trong sản xuất, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm.
Mô hình tổ, đội sản xuất được thành lập trên cơ sở tự nguyện, cùng ngành nghề, phổ biến như: nghề câu vàng cá ngừ đại dương; nghề câu tay cá ngừ đại dương kết hợp ánh sáng; nghề lưới vây rút chì. Đồng thời xây dựng mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm (cá ngừ).
Đến nay, toàn tỉnh đã có 116 tổ, đội sản xuất trên biển với 905 tàu/7.747 ngư dân tham gia mang lại hiệu quả tốt hơn trong khai thác; ngư dân mạnh dạn vươn khơi bám biển dài ngày, góp phần giữ gìn biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Để tiếp thêm sinh lực cho ngư dân, Sở NN-PTNT và BĐBP tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ nhiên liệu cho trên 11.000 chuyến biển; hỗ trợ lãi suất vay vốn đóng mới 8 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ, 7 tàu vỏ composite; hỗ trợ phí bảo hiểm tai nạn tàu cá và thuyền viên cho tất cả các tàu cá vùng khơi hoạt động khai thác theo tổ, đội; hỗ trợ máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh GPS cho các tàu hoạt động khai thác trên các vùng biển xa…, tạo niềm tin cho đông đảo ngư dân.
Số lượng tàu cá của ngư dân đăng ký tham gia hoạt động tại vùng biển xa tăng nhanh qua các năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu tàu ven bờ ra xa bờ, nâng cao trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm tay nghề của ngư dân trong hoạt động đánh bắt hải sản, đóng mới phát triển tàu cá công suất lớn, phù hợp với định hướng, chủ trương phát triển nghề khai thác hải sản, góp phần thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời qua đó tạo dựng “phên dậu”, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, thế trận quốc phòng - an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.
LẠC VIỆT