Phú Yên có bờ biển dài 189km với nhiều đầm, vịnh đẹp tự nhiên; các đảo nhỏ có rạn san hô là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản quý hiếm. Đây là lợi thế để phát triển tổng thể kinh tế biển: nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch sinh thái… Tuy nhiên, để Phú Yên thực sự “mạnh về biển, làm giàu từ biển” còn cần nhiều yếu tố khác; trong đó, công tác đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trái pháp luật phải được duy trì và tăng cường hơn nữa.
Theo đại tá Nguyễn Văn Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, do nhận thức về pháp luật còn hạn chế, đời sống kinh tế còn khó khăn, vì hám lợi, coi trọng lợi ích trước mắt nên một số ngư dân cố tình vi phạm các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển. Tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ và những ngư cụ khai thác thủy sản mà pháp luật cấm trên vùng biển của tỉnh vẫn còn xảy ra, làm ảnh hưởng và cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị biên phòng trong tỉnh đã tổchức tuần tra 107 lượt tàu - ca nô với 677 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia. Qua đó phát hiện, bắt giữ, xử lý 90 vụ/96 phương tiện vi phạm, xử phạt VPHC nộp vào ngân sách nhà nước 228,5 triệu đồng. Trong đó, BĐBP trực tiếp xử lý VPHC 62 vụ/68 phương tiện; bàn giao địa phương xử lý 28 vụ/28 phương tiện. |
Để góp phần ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản trái phép, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành của tỉnh và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Một trong những biện pháp được chú trọng, đó là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho nhân dân, vận động nhân dân cam kết không sử dụng vật liệu nổ, xung điện, hóa chất để khai thác thủy sản.
Từ đầu năm đến nay, các đồn biên phòng đã phối hợp với các ban ngành của tỉnh và các địa phương tổchức tuyên truyền 56 buổi cho gần 3.900 lượt người nghe về các văn bản có liên quan đến biển, đảo và hoạt động nghề cá.
Thượng tá Ngô Ngọc Quý, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Hải cho biết, đối tượng dùng thuốc nổ, hóa chất, ngư cụ cấm đánh bắt hải sản trên vùng biển do đơn vị quản lý phần lớn là từ nơi khác đến. Do địa bàn rộng, hiện trường là mặt biển nên việc bắt quả tang, xử lý triệt để rất khó khăn.
Cùng với tăng cường tuần tra kiểm soát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong công tác biên phòng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Đồn Biên phòng Xuân Hải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, tập trung ở các địa bàn trọng điểm và ngư dân trực tiếp hoạt động đánh bắt hải sản.
Gần đây nhất, đơn vị đã vận động hơn 50 ngư dân ở làng biển Mỹ Quang (xã An Chấn) tự nguyện ký vào bản cam kết không đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt và sẵn sàng hỗ trợ BĐBP truy bắt tội phạm hủy diệt môi trường biển.
Ông Nguyễn Đồng Phương (thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, huyện Tuy An), một trong những người từng sử dụng vật liệu nổ khai thác hải sản, được BĐBP và các ban ngành, đoàn thể của địa phương tuyên truyền, vận động, từ đó nhận được việc làm sai trái của mình, bày tỏ: “Trước đây, vì hoàn cảnh khó khăn và ham cái lợi trước mắt nên tôi đã lén lút dùng thuốc nổđánh bắt thủy sản trái phép. Được BĐBP động viên, tuyên truyền, tôi đã từ bỏ, bởi nó không chỉ tận diệt môi trường biển mà còn vô cùng nguy hiểm”.
Theo thiếu tá Trần Quốc Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuy Hòa, những năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, một số phương tiện của ngư dân Tuy Hòa đã xâm phạm vùng biển của nước ngoài, bị lực lượng chức năng của các nước này bắt giữ, có trường hợp bị thiệt mạng.
Qua vận động, hàng chục ngư dân ở phường Phú Đông có phương tiện chuyên hoạt động đánh bắt xa bờ đã ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản. “Giải pháp căn cơ và bền vững đơn vị hướng đến là tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật của ngư dân, xây dựng ngư trường thực sự an toàn, phát triển bền vững”, thiếu tá Trần Quốc Việt nhấn mạnh.
Tăng cường đấu tranh, xử lý vi phạm
Mặc dù BĐBP và các lực lượng chức năng thường xuyên tổchức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật và các quy định về khai thác hải sản cho ngư dân. Song tình trạng một số đối tượng sử dụng kích điện, hóa chất, vật liệu nổ và sử dụng ngư cụ mang tính hủy diệt để khai thác hải sản trái phép vẫn còn xảy ra.
“Vào lúc 2 giờ ngày 26/7, trong khi làm nhiệm vụ tại khu vực cửa biển Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu), cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Thịnh đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Nguyễn Trường (SN 1977, trú thôn Phú Hạnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An) khi đang dùng kích điện khai thác hải sản trái phép. Tang vật thu giữ gồm: 30mống hơi dùng để lặn và dây điện, 2 súng bắn điện tự chế, 1 máy biến áp tự chế, 1 tàu vỏ lườn và nhiều vật dụng khác. Đồn đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với đối tượng này”, trung tá Nguyễn Anh Long, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Thịnh cho biết.
Theo đại tá Phạm Huy Dực, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP tỉnh, chưa bao giờ khí thế tấn công, trấn áp tội phạm hủy hoại môi trường biển diễn ra quyết liệt, liên tục như thời gian gần đây. Thực hiện Kế hoạch 1368 ngày 25/6/2018 của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh về tổ chức, sử dụng lực lượng tăng cường đấu tranh, ngăn chặn với các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trái pháp luật trên biển, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm phối hợp với Hải đội 2 và các đồn biên phòng trong tỉnh mở đợt cao điểm tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Thượng tá Phạm Ngọc Dân, Hải đội trưởng Hải đội 2, cho biết: Từ ngày 25/7-10/8, đơn vị đã cử Biên đội tàu gồm: BP10.98.01 (3.000CV) và BP10.15.01 với gần 20 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh) tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển. Qua đó phát hiện, bắt quả tang 16 trường hợp/18 phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trái phép trên biển, bàn giao cho các đồn biên phòng xử lý.
Cụ thể, ngày 25/7 phát hiện, bắt giữ bàn giao cho Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam xử lý VPHC 2 phương tiện/2 đối tượng là ngư dân tỉnh Khánh Hòa đang khai thác hải sản tại khu vực Bãi Môn (huyện Đông Hòa). Trong các ngày 29, 30/7 và 1/8 phát hiện, bắt giữ và bàn giao cho Đồn Biên phòng Xuân Đài xử lý VPHC 5 phương tiện/5 đối tượng đang kéo giã cào trong vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu).
Ngày 3/8 phát hiện, bắt giữ và bàn giao cho Đồn Biên phòng Xuân Thịnh xử lý VPHC 2 phương tiện/2 đối tượng là ngư dân tỉnh Bình Định đang có hành vi kéo giã cào đôi gần khu vực cửa biển Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu). Ngày 7/8, phát hiện, bắt giữ 1 phương tiện/1 đối tượng là ngư dân tỉnh Bình Định đang có hành vi khai thác hải sản trái phép tại cửa vịnh Xuân Đài, bàn giao cho Đồn Biên phòng Xuân Đài xử lý…
“Để chuẩn bị cho đợt ra quân kéo dài trong thời gian gần 20 ngày, đơn vị đã chuẩn bị kỹ công tác đảm bảo. Thực phẩm tươi sống cấp đông được cho vào ngăn lạnh của tàu. Nước sạch thì mang theo đủ dùng cho việc nấu ăn, còn dùng cho sinh hoạt thì ưu tiên dành cho đánh răng, rửa mặt. 4-5 ngày anh em mới tắm giặt một lần. Thời gian hoạt động trên biển, chúng tôi thường xuyên báo cáo tình hình, tuân thủ các biện pháp nghiệp vụ, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của chỉ huy đơn vị qua hệ thống thông tin liên lạc”, thiếu tá Lê Vũ Tuấn, Thuyền trưởng Ca nô BP10.15.01 chia sẻ.
Còn theo trung tá Nguyễn Văn Nam (tàu BP10.98.01), để qua mắt lực lượng chức năng, các phương tiện đánh bắt thủy sản trái pháp luật thường tắt đèn hoạt động vào ban đêm và tìm đủ mọi cách: nếu quan sát không thấy lực lượng tuần tra thì ngang nhiên hoạt động; còn bị phát hiện thì tìm mọi cách phi tang chứng cứ, gây khó khăn trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý.
“Sáng sớm hôm đó (3/8), khi tàu của chúng tôi vừa ra khỏi cửa biển Hòa Lợi khoảng 1 hải lý thì phát hiện 2 phương tiện mang biển kiểm soát của Bình Định đang hoạt động giã cào. Phát hiện lực lượng tuần tra, 2 phương tiện lập tức bỏ chạy. Chúng tôi cho tàu tăng tốc, truy đuổi chặn đầu chiếc chạy trước. Khi đang xử lý hai phương tiện vi phạm bị bắt quả tang, một số phương tiện khác (đều của Bình Định) có dấu hiệu vi phạm tương tự đến gây áp lực. Nhưng với tang chứng, vật chứng và sự đấu tranh vừa cương quyết vừa mềm dẻo, cuối cùng các đối tượng cùng 2 phương tiện vi phạm chấp hành lệnh xử phạt VPHC”, trung tá Nguyễn Văn Nam nhớ lại.
Đại tá Nguyễn Văn Minh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, nhấn mạnh: Nguồn lợi thủy sản không phải là vô tận mà ngày càng cạn kiệt bởi những hành vi khai thác mang tính hủy diệt như sử dụng vật liệu nổ, hóa chất, xung điện hay các ngư cụ giã cào, nhá Thái Lan và những ngư cụ bị cấm khác để đánh bắt.
Mọi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động khai thác hải sản, tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh, tố giác với những hành vi đánh bắt hủy diệt, góp phần cùng BĐBP, chính quyền địa phương và các lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng ngư trường khai thác bền vững.
VĂN LANG