Thứ Năm, 16/01/2025 04:46 SA
Chuyện chim trời, cá biển và… nuôi bò ở Trường Sa
Thứ Bảy, 22/09/2018 08:00 SA

Chăn bò trên đảo Song Tử Tây - Ảnh: XUÂN HIẾU

Ba lần được đặt chân đến nhiều đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa, một trong những điều tôi cảm thấy rất thú vị, đó là được chứng kiến từng hòn đảo “trưởng thành” theo thời gian. Đặc biệt, càng ngày cuộc sống của người dân và bộ đội nơi đảo xa càng gần gũi với đất liền khi trên các đảo không chỉ có cây xanh, điện thắp sáng, các công trình dân sinh được mọc lên mà các loại gia súc, gia cầm, vật nuôi cũng ngày càng nhiều và đa dạng hơn. Riêng về chim, không chỉ có sơn ca, hải âu, mòng biển, ó biển… mà những cánh cò cũng đã “bay lả bay la” ở nhiều đảo chìm, đảo nổi.

 

Chim trời, cá biển

 

Những ngày khi còn lênh đênh trên tàu, chúng tôi đã thấy những đàn chim trời rủ nhau bay về hướng đảo mỗi chiều muộn; từng đàn cá heo lượn lờ, đùa giỡn trên mặt sóng và từng đàn cá chuồn có đến hàng ngàn con bay trên mặt nước, xa đến hàng trăm mét.

 

Loạt ký sự 16 kỳ “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu” trên Báo Quân đội Nhân dân (năm 1976) của hai nhà báo Nguyễn Thắng và Hà Đình Cẩn viết về Trường Sa sau năm 1975: “…Cây cối thưa vắng nhưng bù lại đảo rất nhiều chim. Chim hải âu, ó biển, mòng biển nhiều vô kể. Chúng chen chúc đi trên cát, gặp người chẳng buồn bay. Trứng chim la liệt, phải vừa đi vừa tránh kẻo vỡ… Sáng mới lên đảo, anh em tập thể dục. Đồng chí trung đội trưởng hô động tác “chết” để uốn nắn cho những anh em tập sai. Thế là chim ùa đến đậu trên vai, trên tay. Làm động tác chết càng lâu, chim càng kéo đàn đến tối mặt, tối mũi. Khi hô chuyển động tác, bầy chim mới bay đi…”.

 

Còn thiên ký sự 22 kỳ “Đường mòn trên biển” của nhà báo Tư Đương viết trên Báo Quân đội Nhân dân cùng năm có kể về chuyến đi từ năm 1963 của tàu Phương Đông 2 để cứu một tàu khác bị hết dầu ở khu vực Trường Sa. Theo bài báo, khi ra tới Trường Sa thì chính con tàu đi cứu hộ cũng bị lạc lối trong… hồ san hô. Nhà báo miêu tả về một đêm mặt biển loang loáng ánh trăng, từng đàn cá bơi thành những vệt sáng mờ, ngang dọc: “Chốc chốc lại thấy cái lưng đen nhẫy to như lưng trâu của một con cá bơi bên cạnh tàu”. Còn khi bình minh lên, “đàn hải âu đi kiếm ăn bay trở về đen cả vùng trời”. “Dưới mặt biển, hàng ngàn con cá đủ loại tung tăng bơi lội, đặc như trong chậu. Bộ đội thả xuống sau tàu một tay lưới thì kéo lên một mẻ được gần hai tạ cá”…

 

Trước kia là thế. Sau này ngư dân đánh bắt nhiều, lượng cá cũng giảm đi, nhưng khu vực quanh các đảo với nhiều rạn san hô vẫn là “thủ phủ” của nhiều loài hải sản có giá trị. Đại tá Đỗ Như Phú, nguyên Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 nổi tiếng là “vua câu cá” trên đảo Nam Yết từ những năm 1990. Lính đảo kể lại, cứ hôm nào trời mưa, cá kéo ra nhiều thì mỗi đêm mình ông câu một vài ba tạ cá là bình thường. Trong đó, cá mú là loài quý hiếm vậy mà ông câu được nhiều con nặng hơn một tạ, con lớn nhất lên tới 1,7 tạ. Còn những bữa cơm mời khách đất liền của các đảo trong chuyến hải trình gần đây lúc nào cũng đầy ắp các món hải sản tươi “nguyên chất”, như ốc nhảy, mực hấp, mực nướng, cá hấp, cá nướng các loại… do bộ đội lặn bắt từ biển.

 

Nuôi bò ở Song Tử Tây

 

Trường Sa hôm nay không chỉ có chim trời, cá biển mà đã trở thành “trang trại” trên biển với nhiều loại gia súc, gia cầm, vật nuôi như: heo, gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu…, số lượng lên tới hàng ngàn con. Còn việc nuôi bò trên đảo, chuyện tưởng như không thể nhưng đã thành có thể ở đảo Song Tử Tây. Trung tá Nguyễn Đức Độ, Đảo trưởng kiêm Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết: Đảo bắt đầu nuôi bò hơn 10 năm trước, nhờ có sân vận động và một số khoảng “đất” trống có thể trồng cỏ. Bò nuôi chủ yếu là giống bò vàng, là quà tặng của các địa phương khi ra thăm đảo. Thích nghi và sinh trưởng khá tốt, duy trì đàn trên dưới 10 con nhưng do giống bò địa phương nhỏ nên lượng thịt ít, không đáp ứng được nhu cầu thực phẩm của đảo.

 

Năm 2011, trong chuyến thăm và làm việc của Bộ NN-PTNT tại đảo, cán bộ chiến sĩ bày tỏ nguyện vọng muốn phát triển đàn bò thịt chất lượng cao. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, Phó Trưởng đoàn công tác, đã giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam mà đại diện là TS Ngô Quang Vinh, Phó Viện trưởng, nghiên cứu đưa giống bò mới ra đảo. Việc giao nhận nhiệm vụ diễn ra nhanh gọn ngay trên tàu HQ-936.

 

Nói thì đơn giản nhưng để việc này trở thành hiện thực và bò thích nghi, sinh trưởng tốt ở đảo là một câu chuyện dài. Bởi vì bò để nuôi tại đảo phải chịu được điều kiện khí hậu khắc nghiệt gió mặn, nắng khô, bão giông; bò không chỉ ăn cỏ xanh mà còn phải biết ăn nhiều loại thức ăn khác như cơm - canh thừa, lá cây, bao bì giấy... Qua tìm hiểu, TS Ngô Quang Vinh và các chuyên gia của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận thấy, bò lai Sind đang nuôi ở Ninh Thuận phù hợp nhất bởi lẽ điều kiện khí hậu ở tỉnh miền Trung này có nhiều nét tương đồng với đảo. Vậy là các chuyên gia của viện đã chọn gửi ra đảo 3 con bò lai với tỉ lệ máu Sind khoảng 50%. Trong đó có 2 con bò cái đã sinh sản từ 1-2 lứa, trọng lượng từ 250-300kg, có ngoại hình đẹp; 1 con bò đực đã biết phối giống, trọng lượng từ 300-350kg. Một năm sau, bò bố mẹ thích nghi, phát triển tốt và cho ra đời 2 con bê. Cuối tháng 4/2012, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tiếp tục chuyển ra đảo Song Tử Tây thêm 1 bò đực, 3 bò cái giống nữa.

 

Đồng thời với việc đưa bò giống ra đảo, năm 2012, dự án cung cấp thêm 2 giống cỏ là cỏ sả, cỏ voi để trồng thử nghiệm tại vườn ươm của đảo Song Tử Tây, bằng trồng hom và gieo hạt. “Lúc đầu cả hai loại cỏ đều phát triển, nhưng sau đó cỏ sả kém thích nghi và lụi dần. Riêng cỏ voi vẫn xanh tốt trong điều kiện tự nhiên, không tưới, do vậy đảo đã nhân thêm nhằm bổ sung thức ăn cho đàn bò”, thượng tá Nguyễn Đăng Hồng, Chính trị viên Đảo Song Tử Tây cho biết thêm.

 

Tại lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác” với sự hưởng ứng của quân dân xã đảo Song Tử Tây, những cây giống sau khi trồng đều được đóng khung sắt, che bạt kín từ gốc tới ngọn, nhiều người thấy lạ. Giải thích về việc này, đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, cho biết: “Đó là để bò khỏi ăn lá. Bởi bò trên đảo có khác với bò trên đất liền. Chỉ trừ lá cây phong ba, còn hầu hết các loại lá cây trên đảo đều là thức ăn “khoái khẩu” của chúng, đặc biệt là lá bàng các loại. Vào mùa mưa, ngoài cơm thừa canh cặn, bò được ăn cỏ voi do bộ đội trồng. Còn vào mùa khô, bò ăn cả giấy bìa, bao xi măng… Và nếu sơ ý để quên, bò còn ăn cả quần áo của bộ đội”.

 

Tuy vậy, theo thượng tá Nguyễn Đăng Hồng, bò ở đảo cũng “có tính kỷ luật” rất cao, đến giờ ăn chỉ cần gọi “nhưng... nhưng... nhưng...” thì dù đang tha thẩn ở đâu, chúng cũng khẩn trương kéo về khu vực ăn để “nhận” thức ăn. Điều này làm tôi nhớ đến thói quen của đàn bò được nuôi ở một trang trại giữa rừng tại Sơn Hòa. Chỉ cần gọi “muối… muối… muối…” là chúng kéo cả đàn để được… ăn muối, không cần phải đi lùa từng con. “Đến nay, bò sinh trưởng phát triển rất tốt, lúc nào cũng có trên dưới chục con. Bò bố mẹ nặng đến 3-4 tạ, mỗi năm sinh thêm 4-5 con bê. Ngoài việc cung cấp thịt, giúp bữa ăn của bộ đội và nhân dân trên đảo thêm ngon hơn, đảm bảo sức khỏe tốt hơn, việc nuôi bò và trồng cỏ tại đảo còn có ý nghĩa đặc biệt về mặt tinh thần. Phân bò sau khi ủ hoai dùng để bón cho đất, cải thiện độ màu mỡ, giúp các loại cây trồng, rau quả trên đảo phát triển tốt hơn”, thượng tá Nguyễn Đăng Hồng cho biết.

 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Trang, trước kia ở Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa) ra định cư ở đảo Song Tử Tây từ gần 5 năm nay, tâm sự: “Gia đình nhỏ chúng tôi cũng như các nhà khác dù sinh sống trên đảo, cách xa đất liền nhưng mỗi khi nhìn đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, xung quanh là những con cò trắng tha thẩn tìm mồi là trong lòng tràn ngập cảm giác bình yên, thấy như mình đang sống ở giữa làng quê thân yêu trên đất liền. Đặc biệt, ngoài giờ học, trẻ con trên đảo rất mê chơi đùa với mấy con bê… Mong sao có thêm nhiều vật nuôi như thế này được đưa ra đảo, vừa để cải thiện cuộc sống cho người dân và bộ đội, vừa tạo môi trường thân thiện gần gũi với con người, thiên nhiên”.

 

Còn theo trung tá Nguyễn Đức Độ, việc đưa bò ra đảo thực sự là sự tiếp sức tích cực, đầy ý nghĩa của đất liền, bằng cách trao “cần câu” chớ không chỉ cho “con cá”, góp phần làm cho đảo xanh hơn, đẹp hơn và gần gũi với đất liền hơn; xây dựng Trường Sa ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek