Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì làm không được việc”. Người chỉ rõ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong quân đội phải “làm cho mỗi đội viên hiểu rõ và tin tưởng vào lực lượng của ta…, hiểu rõ cái nhiệm vụ vẻ vang của họ” (*).
Thấm nhuần lời dạy của Bác, thời gian qua, chỉ huy, cơ quan chính trị các đơn vị trong LLVT tỉnh luôn nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, giáo dục, xây dựng cho cán bộ chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; không để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong LLVT tỉnh.
Năm 2017, Phú Yên đứng đầu cụm thi đua các tỉnh Nam Quân khu 5, được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen. Tuy nhiên, việc quản lý tư tưởng (QLTT) trong bộ đội vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm. Có lúc, có nơi công tác này thiếu tính cụ thể, hiệu quả chưa cao, nhất là ở cơ sở; nắm không chắc các mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ. Việc giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc trong nhận thức tư tưởng, tình cảm trong nội bộ đơn vị chưa quyết liệt và thật sự chủ động… Từ đó dẫn đến các vi phạm, trong đó có cả những vụ việc khá nghiêm trọng, như vay mượn mất khả năng trả nợ, sa vào các tệ nạn xã hội…
Phải khẳng định rằng QLTT nói chung, QLTT bộ đội nói riêng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của cấp ủy, chỉ huy từng cơ quan, đơn vị. Tiến hành công tác tư tưởng là nhiệm vụ rất khó và phức tạp. Để làm tốt công tác này đòi hỏi đội ngũ cán bộ các cấp phải có năng lực toàn diện, biện pháp đồng bộ và phải được làm thường xuyên, liên tục. Bởi lẽ, QLTT, hay nói cách khác là tiến hành công tác tư tưởng, thực chất là sử dụng các hình thức, biện pháp tác động vào nhận thức, tình cảm của bộ đội. Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập toàn cầu và phát triển kinh tế thị trường hiện nay, mặc dù đã qua rèn luyện, giáo dục nhưng bộ đội cũng không nằm ngoài sự tác động của xã hội cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Vì vậy, công tác QLTT bộ đội đặt ra yêu cầu rất cao đối với cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong LLVT.
Trước hết phải nhận thức đúng thì mới có hành động đúng. Theo đó, ngoài việc ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác QLTT bộ đội, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể phù hợp với thực tiễn tình hình của cơ quan, đơn vị mình. Cùng với tăng cường việc nắm tư tưởng bằng nhiều kênh khác nhau, cần thường xuyên đối thoại trực tiếp, dân chủ, thẳng thắn với bộ đội theo phương châm “cởi mở, dân chủ, thẳng thắn và công tâm”. Hình thức đối thoại cũng phải tiến hành hết sức linh hoạt, có thể theo định kỳ hoặc thông qua ngày chính trị và văn hóa tinh thần, nhưng cũng có thể tiến hành đột xuất tùy thuộc vào tình hình, yêu cầu của đơn vị, phù hợp với từng nhóm đối tượng cần nắm bắt. Thông qua đối thoại, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bộ đội, tùy theo từng vấn đề để quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định, rồi trả lời công khai cho bộ đội biết.
Công tác tư tưởng thực sự hiệu quả là phải kết hợp chặt chẽ giữa việc nắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bộ đội và kịp thời giải quyết, đáp ứng được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng đó. Trong đó, điều cốt lõi và xuyên suốt là xây dựng LLVT luôn ổn định về chính trị, tư tưởng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ và luôn cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Quản lý tốt tư tưởng bộ đội không chỉ tạo dựng được tinh thần đoàn kết, mà còn tạo ra sức mạnh, khích lệ sự nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của mỗi cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
LẠC HỒNG
(*) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2011, Tập 5, tr. 509.