Thứ Năm, 16/01/2025 14:03 CH
“Lão làng” của đảo Sơn Ca
Thứ Bảy, 05/05/2018 10:15 SA

Với 48 tuổi đời, 29 tuổi quân, nhiều năm gắn bó với biển đảo, trong đó có 4 năm công tác liên tục ở đảo Sơn Ca, trung tá Phạm Văn Tuất, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2 (Đảo bộ Sơn Ca) được xem như “lão làng” của đảo này.

 

"Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, đó là quan niệm về một tình yêu lớn đối với mỗi người lính đảo nói chung, với trung tá Phạm Văn Tuất nói riêng. Anh kể: “Tôi nhập ngũ năm 1989 và trở thành lính hải quân khi vừa tròn 19 tuổi; ở đảo Nam Yết 3 năm (1997-1999) và ở đảo này từ năm 2015 đến nay, ngót nghét đã 4 năm”.

 

Trung tá Phạm Văn Tuất chăm sóc chậu hoa sứ cạnh phòng làm việc - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

5 lần đón giao thừa ở Trường Sa

 

Gắn bó nhiều năm với biển đảo, nhưng trung tá Phạm Văn Tuất không phải là người “ăn sóng nói gió” như hình dung ban đầu của tôi. Trong giao tiếp, trò chuyện với mọi người, người sĩ quan chỉ huy làm công tác Đảng, công tác chính trị quê ở Hải Dương này rất nhẹ nhàng, lịch thiệp và khiêm tốn. Anh cho biết, biển đảo và Trường Sa, nhất là đảo Sơn Cacó rất nhiều kỷ niệm với anh.

 

“Mỗi người một tính cách, văn hóa vùng miền có đôi chútkhác nhau, nhưng lính đảo luôn đoàn kết, gắn bó nhưanh emruột thịt, trên dưới một lòng cùng chung nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Điều đọng lại sâu sắc nhất trong tôi và của mỗi người lính đảo, đó là tìnhđồng chí, đồng đội”, trung tá Phạm Văn Tuất tâm sự.

 

Đối với sĩ quan thời gian công tác trên đảo thường là 18 tháng, còn với chiến sĩ là 1 năm. Vì vậy, được đón Tết cổ truyền một lần ở Trường Sa với nhiều người đã là điều may mắn trong đời. Nhưng với trung tá Phạm Văn Tuất, anh có đến 5 lần đón giao thừa, cùng ăn Tết với đồng chí, đồng đội ở quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc nằm giữa trùng khơi này. “Lần đầu tiên tôi đón giao thừa và ăn Tết ở Trường Sa vào năm 1997 ở đảo Nam Yết. Đây cũng là năm vợ tôi sinh con gái đầu lòng, nay đã là sinh viên năm thứ ba Trường đại học Tài nguyên - Môi trường”, trung tá Phạm Văn Tuất nhớ lại cái Tết đặc biệt này.

 

Khi đó cuộc sống trên đảo còn rất khó khăn, chưa có đủ điện thắp sáng và điện thoại như bây giờ nên việc liên lạc với gia đình ở đất liền chỉ bằng cách viết thư tay. Nhớ gia đình, nhớ vợ con là điều không thể tránh khỏi nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng cao cả, anh cùng đồng đội đã vượt qua. Trước Tết, tàu đưa đoàn công tác ra thăm, tiếp tế lương thực, thực phẩm… mang hơi ấm của đất liền đến với đảo. Những anh em may mắn nhận được thư nhà thì đọc cho mọi người cùng nghe. Còn thư viết từ đảo được gửi theo tàu chuyển về nhưng có khi phải mất vài tháng sau, người nhà mới nhận được.

 

“Thời điểm đó dù thiếu thốn nhưng đơn vị vẫn cố gắng đảm bảo cho cán bộ chiến sĩ đón Tếtvui vẻ, đầm ấm”, trung tá Phạm Văn Tuất nhớ lại. Trướcgiao thừa, đơn vị tổ chức nấu bánh chưng. Nếu như ở đất liền bánh chưng được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, tùy theo vùng miền thì ở Trường Sa ngoài hai loại lá trên, bánh chưng còn được gói bằng lá bàng vuông, cho hương vị rất đặc trưng. Đêm giao thừa, đảo tổ chức chương trình văn nghệ, hái hoa dân chủ…

 

Trong lúc chờ đónthời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, không có âm li, nhạc cụ, anh em lấy xoong, chảo trong bếp vừa gõ nhịp vừa hát, hết bài này đến bài khác. Tiếng hát át cả tiếng sóng. Mâm cỗ ngày Tết cũng rất phong phú, gồm nhiều món ăn đặc trưng ở khắp các vùng miền khác nhau… “Tết ở Trường Sa dù xa nhà nhưng vẫn đem lại cho cán bộ, chiến sĩ cảm giác ấm áp, sum vầy và là kỷ niệm không thể nào quên trong đời quân ngũ. Đến bây giờ dù hơn 20 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ về cái Tết đặc biệt này”, trung tá Phạm Văn Tuất chia sẻ.

 

Người anh, người chú của chiến sĩ trẻ

 

Còn những cái Tết gần đây, sóng điện thoại đã phủ khắp các đảo, việc liên lạc với gia đình, người thân dễ dàng hơn nên cảm giác nhớ nhà cũng giảm đi rất nhiều với những người lính đảo. “4 năm ở Sơn Ca tôi chỉ về phép một lần, đến tháng 8 này tôi mới dự định xin về phép lần hai. Cũng như nhiều phụ nữ có chồng bộ đội khác, vợ tôi là một phụ nữ đảm đang và chu đáo chăm lo cho các con ăn học nên người. Tuy chưa năm nào về quê ăn Tết cùng gia đình nhưng tôi luôn có cảm giác vợ con tôi luôn ở bên cạnh, động viên tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lính nơi đảo xa”, trung tá Phạm Văn Tuất trải lòng.

 

Là Chính trị viên Cụm chiến đấu 2 và là người có thâm niên ở đảo Sơn Ca, trung tá Phạm Văn Tuấtluôn sâu sát vớicán bộ chiến sĩ trong đơn vị, cả trong triển khai nhiệm vụ lẫn đời sống sinh hoạt hàng ngày. Anh hiểu rõ tâm tư, tình cảm của chiến sĩ để phát huy tối đa nội lực của từng người. Đặc biệt, với các chiến sĩ tuổi đời còn trẻ vừa mới ra đảo chưa quen với điều kiện thời tiết, sinh hoạt nơi đây, anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Từ đó, họ rất quý trọng và xem anh như người chú, người anh trong gia đình, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu tốt.

 

Trung tá Phạm Văn Thọ, Chính trị viên Đảo bộ Sơn Ca, nhìn nhận: “Chúng tôi đánh giá rất cao trình độ, năng lực chỉ huy của trung tá Phạm Văn Tuất, đặc biệt là trong công tác Đảng, công tác chính trị và trong xử lý các tình huống. Quá trình công tác ở ngoài đảo tuy khó khăn, vất vả nhưng đồng chí luôn biết chia sẻ, động viên cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, đặc biệt là các chiến sĩ trẻ yên tâm tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng đảo bộ hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek