Mới đây, Chính phủ Mỹ đưa ra quy định, thủy hải sản không rõ nguồn gốc đánh bắt khi nhập khẩu vào thị trường nước này sẽ bị từ chối. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố phạt “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này do tình trạng đánh bắt bất hợp pháp không được báo cáo và không được quản lý (IUU). Nếu Việt Nam tiếp tục vi phạm thì việc bị phạt “thẻ đỏ” là khó tránh khỏi.
Được biết, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam hàng năm đạt 1,9-2,2 tỉ USD; trong đó, EU và Mỹ mỗi thị trường chiếm 16-17%, tương đương 350-400 triệu USD.
Phú Yên là “thủ phủ” của nghề câu cá ngừ đại dương và là một trong những địa phương có lợi thế về xuất khẩu thủy sản. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với bà con ngư dân là nếu muốn khai thác đánh bắt hải sản lâu dài và phát triển bền vững thì phải tuân thủ các quy định về IUU. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, vì nhiều lý do khác nhau, một số ngư dân Phú Yên trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản đã vượt quá giới hạn ngư trường cho phép, xâm phạm vùng biển của nước ngoài, dẫn đến bị bắt giữ, phạt tù, tịch thu phương tiện… và có trường hợp phải trả giá bằng tính mạng con người.
Trong xu thế hội nhập thế giới ngày càng mạnh mẽ, với các thị trường lớn như EU, Mỹ và nhiều nước trên thế giới, yêu cầu về hàng hóa xuất khẩu không chỉ phải bảo đảm chất lượng cao, mà còn phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, nếu không sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc loại trả. Vì vậy, đã đến lúc bà con ngư dân nào còn có ý định “vượt rào” khai thác, đánh bắt hải sản ở vùng biển của các nước khác phải thức tỉnh, không nên để “mất cả chì lẫn chài”. Bởi một khi vi phạm nếu không bị các nước bắt giữ, xử phạt nặng, thì cho dù sản phẩm có chất lượng tốt đến mấy cũng sẽ bị các doanh nghiệp, đơn vị thu mua từ chối tiêu thụ vì không thể xuất khẩu.
Để bà con ngư dân làm được những điều trên, BĐBP và các cơ quan chức năng cần giáo dục, đào tạo cho các chủ tàu hiểu biết như thế nào là đánh bắt bất hợp pháp; tuyên truyền vận động các chủ tàu và thuyền trưởng cam kết không tham gia khai thác hải sản bất hợp pháp. Đồng thời cần có giải pháp mạnh tay, như không cấp giấy phép khai thác thủy sản, tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản có thời hạn đối với tàu cá vi phạm lần đầu; không cho đóng mới hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với tàu cá tái phạm; chủ tàu vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Đối với các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hải sản phải thực hiện theo chuỗi liên kết; thực hiện nghiêm túc các quy định: không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, khai thác bằng ngư cụ bị cấm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định hoặc cấm khai thác….
LẠC VIỆT