Thứ Năm, 16/01/2025 15:59 CH
Xanh ngát Trường Sa
Thứ Bảy, 17/03/2018 08:57 SA

Cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Mậu Tuất tại đảo Song Tử Tây - Ảnh: XUÂN HIẾU

Cùng với các công trình nhà ở, sinh hoạt được xây dựng ngày càng khang trang, bền đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của quân dân huyện đảo Trường Sa cũng được cải thiện, nâng cao và bảo đảm ngày một tốt hơn. Đặc biệt, bắt nguồn từ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, những khoảng “đất” trống, bãi cát san hô trên các đảo đã dần được che phủ bởi các loại cây xanh, cây ăn quả. Cây xanh không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, ngọt hóa đất đai, tạo bóng mát mà còn làm tốt vai trò che chắn gió bão, góp phần trực tiếp vào công tác phòng thủ chiến đấu, bảo vệ đảo; thể hiện sức sống và tinh thần vững vàng của quân và dân huyện đảo Trường Sa.

 

Phát động “Tết trồng cây”

 

Mùa xuân là Tết trồng cây

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân

 

Tết trồng cây xuân Mậu Tuất 2018 được đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), Chủ tịch UBND huyện Trường Sa phát động tại xã đảo Song Tử Tây bên cạnh cột mốc chủ quyền, sau đó các đảo khác cũng đồng loạt phát động “Tết trồng cây”. Nổi bật ở khu vực “lễ đài” là khẩu hiệu: “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và băng rôn mang dòng chữ “Vì lợi ích mười năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Phía bên dưới là cán bộ chiến sĩ các đơn vị bộ đội đứng chân trên đảo và người dân địa phương, có cả các thầy tu, thầy giáo và các cháu học sinh tiểu học. Cây trồng được các đơn vị chuẩn bị sẵn, là những cây giống được mang ra từ đất liền và do cán bộ chiến sĩ trên đảo chiết, ươm từ những loài cây rất đặc trưng của đảo như: bàng vuông, mù u, phong ba, bão táp, tra, dừa…

 

Trung tá Phạm Văn Thọ, Chính trị viên đảo Sơn Ca chăm sóc hoa sứ - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Bùi Đình Dương cho biết: Chúng tôi thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tết trồng cây, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, chống sa mạc hóa và xây dựng đảo xanh, sạch, đẹp. Với lợi ích thiết thực và ý nghĩa to lớn đó đối với đời sống của quân và dân trên quần đảo Trường Sa, mặc dù ở nơi “đầu sóng ngọn gió” thiếu cây giống, thiếu cả đất để ươm cây, nhưng mỗi độ Tết đến xuân về, UBND huyện Trường Sa và Ban chỉ huy Lữ đoàn 146 đều phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” ở 21 đảo, 33 điểm đóng quân của bộ đội. Phong trào này được duy trì trong suốt cả năm. Đặc biệt, cuối năm 2017 vừa qua, nhiều cơn bão đã càn quét qua các đảo, nhất là cơn bão số 15 và 16, một số đảo bị gãy, đổ hơn 90% cây xanh, nên Tết trồng cây xuân Mậu Tuất năm nay càng thêm ý nghĩa với quân và dân Trường Sa.

 

Người đầu tiên trồng cây sau lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại đảo Song Tử Tây cũng chính là Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, đại tá Bùi Đình Dương. Tiếp đó là Ban chỉ huy đảo bộ, cán bộ UBND xã Song Tử Tây, mỗi người trồng một cây.

 

Khác với trên đất liền, cây sau khi được trồng trên đảo đều có lồng sắt bảo vệ. “Điều kiện ở đảo rất khắc nghiệt, phải có lưới chắn xung quanh che gió để cây thích ứng dần, đồng thời đề phòng súc vật giẫm đạp, cắn phá. Khi nào cây khỏe và bảo đảm sống thì mới bỏ lồng chắn bảo vệ”, trung tá Nguyễn Đức Độ, Đảo trưởng, Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây giải thích. Còn chiến sĩ người Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu), Lê Minh An, Khẩu đội trưởng DKZ, vinh dự được tham gia Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Mậu Tuất trên đảo Song Tử Tây, bày tỏ: “Được biết, từ khi phát động “Tết trồng cây” vào mùa xuân 1960 cho đến lúc đi xa, năm nào Bác Hồ cũng tự mình trồng cây và nhắc nhở đồng bào trồng cây, gây rừng, xây dựng môi trường trong sạch. Tôi rất vinh dự và tự hào khi được tự tay trồng cây xanh trên đảo, thực hiện theo lời dạy của Người. Chúng tôi sẽ chăm sóc, tưới bón cho cây cẩn thận mỗi ngày, bảo đảm cây sống và phát triển tốt, góp phần xây dựng môi trường cảnh quan trên đảo xanh tươi, tạo không khí trong lành, mát mẻ”.

 

Lá chắn xanh

 

Đa phần các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là đảo chìm thường ngập trong thủy triều nên không thể trồng cây. Còn những đảo nổi đều có diện tích nhỏ, chủ yếu là cát và san hô vụn, lại chịu khí hậu khắc nghiệt, nóng, ẩm cộng với gió kèm theo hơi muối mặn quanh năm nên việc trồng cây cũng không hề dễ dàng. Tuy nhiên, xác định việc trồng cây xanh xây dựng cảnh quan là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đảo, sau lễ phát động “Tết trồng cây” vào đầu xuân, phong trào trồng và chăm sóc cây xanh được các đảo duy trì, triển khai thường xuyên trong năm, nhất là vào các dịp Ngày Môi trường thế giới 5/6, Quốc khánh 2/9...

 

“Lá chắn xanh” ở đảo dừa Nam Yết - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Đối với các đảo đã có nhiều cây xanh, ngoài việc bảo vệ, chăm sóc tốt các cây hiện có, trong đó có nhiều cây hàng trăm năm tuổi đã được công nhận “Cây di sản”, bộ đội còn tích cực trồng thêm các loại cây khác được đưa ra từ đất liền, thích nghi với điều kiện thời tiết ở đảo. Còn đối với những đảo có ít cây xanh, còn “đất” trống, cùng với ươm từ hạt và chiết cành các cây đã sống tốt, thích nghi với môi trường thời tiết ở đảo, như phong ba, bàng vuông, mù u…, bộ đội cũng đã kết hợp trồng thử nghiệm các loại cây mới có khả năng chịu khô hạn và chịu mặn tốt như phi lao, dừa... theo Dự án 327. Từ đó nhân rộng ra trồng ở khắp các đảo. Trung tá Phạm Thế Nhương, Đảo trưởng Sơn Ca cho biết: “Chỉ tiêu trồng cây (chủ yếu là cây xanh) được giao cụ thể cho từng phân đội, cụm chiến đấu. Theo đó, mỗi năm, mỗi cán bộ chiến sĩ phải trồng ít nhất 1-2 cây xanh và chăm sóc bảo đảm cây sống, phát triển tốt. Khi hoàn thành nghĩa vụ trên đảo trở về đất liền, cây trồng sẽ được bàn giao cho cán bộ chiến sĩ mới. Vì vậy, mỗi cây xanh trên đảo đều thấm đậm tình cảm và gắn liền với kỷ niệm đời quân ngũ của những người lính Trường Sa”. Ngoài ra, các chi đoàn, liên chi đoàn trên các đảo còn thường xuyên duy trì phong trào “Thanh niên tình nguyện” chăm sóc cây xanh, trồng cây xanh, làm sạch môi trường biển, đảo. Từ đó, nhiều mô hình như “Vườn cây thanh niên”, “Hàng cây thanh niên”... được nhân rộng ra khắp các đảo, tạo thành những “lá chắn xanh” bảo vệ đảo.

 

Không chỉ trồng cây xanh tạo bóng mát trên các đảo, bằng sự kiên trì và quyết tâm cao, những người lính Trường Sa cũng đã trồng thành công một số cây ăn quả và rất nhiều loài hoa, như sứ, mười giờ, vạn thọ…, đặc biệt là phong lan. Những tưởng loài hoa kiêu sa, quý phái này chỉ có ở đất liền, nhưng nó đang hiện diện rất nhiều ở các đảo nổi cũng như đảo chìm, được bộ đội chăm sóc hàng ngày và đều nở hoa theo định kỳ. Đây là kết quả đáng mừng và sự ghi nhận về tinh thần lao động sáng tạo, sự nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách trước những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên suốt hàng chục năm qua của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Trung tá Phạm Văn Thọ, Chính trị viên đảo Sơn Ca chia sẻ: “Ở nơi đầu sóng ngọn gió này, chúng tôi rất xem trọng việc tạo cảnh quan môi trường, tạo bóng mát để bộ đội nghỉ ngơi sau những giờ huấn luyện, canh gác và tạo sự gần gũi với đất liền, giữa con người với thiên nhiên. Vì vậy sau “Tết trồng cây” được phát động vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi khi thời tiết ủng hộ, cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo đều tổ chức trồng và bổ sung cây thường xuyên. Cây nào chết thì được thay bằng cây khác. Nhờ đó, số lượng cây trên đảo tăng dần theo từng năm”.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek