Thứ Năm, 16/01/2025 23:24 CH
Tiếng chuông chùa nơi đảo Song Tử Tây
Thứ Bảy, 13/01/2018 11:00 SA

Hành trình về với biển đảo quê hương, tôi luôn chú ý đến nét văn hóa tâm linh trên các đảo mình đã đi qua, đặc biệt là các ngôi chùa. Đó là biểu hiện cho cốt cách của văn hóa Việt Nam vùng biển đảo. Chùa trên các đảo có nét riêng so với các ngôi chùa ở đất liền, bởi xung quanh được “bao bọc” bởi âm thanh của tiếng sóng vỗ ì ầm quanh năm không ngơi nghỉ; những lúc cần sự yên lặng để tiếng chuông chùa ngân nga, cũng ít khi bắt gặp…

 

Tác giả trước cổng chùa Song Tử Tây - Ảnh: Tác giả cung cấp

Đảo Song Tử Tây bây giờ được gọi là xã đảo bởi lẽ đảo là một địa danh hành chính thuộc huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Đảo có hình bầu dục, lòng đảo trũng, xung quanh cao hơn so với mặt nước biển từ 4-6m. Nhìn từ xa, đảo như một khu rừng thu nhỏ mọc lên giữa đại dương xanh; màu xanh của cây cối, của mây trời, của nước biển bao quanh… tạo nên một màu xanh thanh bình. Đảo có nhà văn hóa khang trang, hiện đại do Thành ủy Hà Nội trao tặng. Dân cư trên đảo nuôi được cả bò, heo, gà...; trồng được nhiều rau xanh, rau tươi thu hoạch suốt bốn mùa. Đảo có tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được tạc bằng đá hoa cương cao khoảng 20m. Đặc biệt, trên đảo có cây xanh hàng trăm năm tuổi, tỏa bóng mát dọc các con đường trên đảo.

 

Con đường rợp bóng bàng biển dẫn chúng tôi đến chùa Song Tử Tây uy nghiêm, trầm mặc. Đây là chùa lớn nhất ở Trường Sa, được xây dựng theo phong cách truyền thống, với tam quan hai tầng, tám mái, chính điện ba gian, hai chái, tả hữu vu, hệ thống sân vườn… Kiến trúc chùa hợp với ngọn hải đăng và tượng đài Trần Hưng Đạo tạo thành một quần thể kiến trúc, mang giá trị lịch sử - văn hóa, tâm linh tiêu biểu và thuần Việt trên biển Đông. Nhiều người đến thăm chùa đã xin nắm đất nơi đây mang về đất liền, kỷ vật mảnh đất giang sơn, nơi thấm máu đào của cha anh, gìn giữ biên cương nơi đất Tổ…

 

Cũng như các ngôi chùa khác ở quần đảo Trường Sa, toàn bộ phần gỗ xây dựng chùa được làm bằng gỗ quý, chở từ đất liền ra; đặc biệt hơn là có một số tượng phật đá trắng. Được biết, đây là những tượng phật của nước Lào, Myanma biếu tặng các nhà lãnh đạo Việt Nam rồi tặng lại nhà chùa. Ngoài tòa chính điện, khu vực quanh chùa còn nhiều dãy nhà khác phục vụ cho việc thờ tự. Cổng chùa được thiết kế ba tầng mái, uy nghi, với gác chuông cao gần 10m. Cổng chính và 2 cổng phụ được làm bằng gỗ quý, chạm trổ tinh vi theo kiến trúc chùa cổ. Cây hoa sứ trước cổng chùa xum xuê, tỏa ngát hương thơm, lẫn trong màu xanh là sắc vàng của hoa sứ; hương hoa nơi chùa chiền quyện vào không gian thấm đẫm ấn tượng nơi quanh năm ì ầm sóng vỗ, tiếng chuông chùa ngân vang nhắc nhở ta về sự bình yên, cầu mong cho đất nước, con người mãi được hạnh phúc, quốc thái dân an.

 

Không riêng gì các sư thầy trụ trì ở chùa Song Tử Tây mà hầu hết sư thầy ở Trường Sa có quan niệm rằng: “Đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc, đặc biệt là ở những nơi khó khăn như Trường Sa. Chùa cũng sẽ là nơi hội tụ văn hóa, góp phần mang lại sự thịnh vượng của quần đảo nơi đầu sóng của Tổ quốc”. Chính vì vậy, hầu như các đoàn công tác đến với Trường Sa đều tranh thủ đến viếng chùa nơi đảo xa này. Với riêng tôi, tìm đến là tìm về với văn hóa tâm linh, tìm về với cội nguồn dân tộc, tìm về chốn bình an, cầu mong sự an bình cho dân tộc. Tạm biệt Song Tử Tây trở về đất liền, song nỗi nhớ da diết Trường Sa vẫn không nguôi ngoai, bởi nơi ấy có anh em đồng đội, có tiếng chuông chùa ngân vang thanh bình.

 

HỮU BÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek