Vụ nuôi trồng thủy sản năm 2017, gia đình chị Trần Thị Kim Phấn (ở thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An) thả nuôi hơn 20 lồng ươm tôm hùm giống, trị giá hàng chục triệu đồng. Dự tính cuối năm nay, sau khi xuất bán, gia đình chị sẽ trả hết nợ ngân hàng và tự chủ được nguồn vốn. Thế nhưng, trong cơn bão số 12 vừa qua, gia đình chị đã mất hết tất cả. “Neo và dây neo chìm dưới đáy bị mất trộm. Còn 20 chiếc lồng thì chưa vớt được. Mong chính quyền can thiệp và sắp xếp lại cho bà con nuôi trồng để có tiền trả nợ ngân hàng”, chị Phấn nói.
Tương tự, hơn 30 hộ nuôi tôm ở thôn Nhơn Hội cũng chung hoàn cảnh với gia đình chị Phấn. Hàng trăm lồng ươm tôm hùm giống, trị giá hàng trăm triệu đồng của bà con tan theo bọt nước. Những vật dụng còn lại như neo, dây neo, thùng phuy, lồng tôm bị rách chìm dưới đáy biển cũng có nguy cơ bị mất trộm.
Để giải quyết tình trạng trên, Đồn BP An Hải, BĐBP Phú Yên đã tham mưu cho UBND xã An Hòa tổ chức họp dân thôn Nhơn Hội, triển khai một số giải pháp. Đó là: Tăng cường tuyên truyền cho ngư dân nâng cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn và nâng cao ý chấp hành nghiêm pháp luật; trên tinh thần tự giác, bà con ngư dân kê khai tài sản bị thiệt hại; thông qua Tổ nuôi trồng thủy sản an toàn trên biển, tổ chức trục vớt, thu gom (lồng nuôi, neo, dây neo…) có sự giám sát của chính quyền và BĐBP; nghiêm cấm các hoạt động trục vớt tài sản khi chưa được phép và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đồn BP An Hải cũng đã tham mưu cho UBND xã An Hòa ban hành bản Quy ước hoạt động của Tổ nuôi trồng thủy sản an toàn trên biển theo tinh thần Chỉ thị 01, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 147, ngày 16/12/2015 của UBND tỉnh “Về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển, an ninh trật tự khu vực biên giới biển”. Trong đó quy định rõ các hoạt động được phép và không được phép trong vùng nuôi trồng thủy sản và bến bãi neo đậu tàu thuyền của thôn Nhơn Hội; quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm, cùng với các lực lượng giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Theo đại úy Trần Đặng Quốc Cường, Chính trị viên phó Đồn BP An Hải, xã An Hòa có khoảng 130ha diện tích mặt nước nuôi trồng hải sản, chủ yếu là ở thôn Nhơn Hội. UBND xã này đang triển khai phương án cắm mốc, phân chia cho các hộ gia đình quản lý sử dụng theo diện tích quy hoạch đã được UBND xã phê duyệt, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ở địa phương, đảm bảo ANTT khu vực biên giới biển và giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái khu danh lam thắng cảnh Hòn Yến.
Cách giải quyết và xử lý trên của UBND xã An Hòa và Đồn BP An Hải đã được nhân dân đồng thuận cao. Ông Phạm Ngọc Năm, một người dân thôn Nhơn Hội tâm đắc: “Chúng tôi rất hoan nghênh việc phân chia mặt nước theo vùng quy hoạch và ban hành Quy ước hoạt động của Tổ nuôi trồng hải sản an toàn trên biển. Bà con sẽ không còn chen lấn và giải quyết ổn thỏa việc nuôi trồng lộn xộn như lâu nay”.
HỒNG CHIÊN