Thứ Sáu, 17/01/2025 16:59 CH
Nguyễn Đình Quân - Nhà báo của Trường Sa
Thứ Bảy, 09/09/2017 10:29 SA

Trong mắt đồng nghiệp, anh là người chính trực, tận tụy với công việc và thân ái, nghĩa tình. Nhiều người gọi anh là nhà báo của người nghèo, luôn đứng về “phe nước mắt”, người yếu thế. Còn tôi muốn gọi anh Nguyễn Đình Quân là nhà báo của Trường Sa. Cả đời làm báo của mình, anh luôn đau đáu với Trường Sa, coi Trường Sa là nhà, cán bộ và chiến sĩ Trường Sa là bạn.

 

Nhà báo Nguyễn Đình Quân đọc bức thư như lễ truy điệu cho liệt sĩ Võ Đình Tuấn trên vùng biển gần đảo Gạc Ma năm 2011 - Ảnh: CTV

 

Tôi biết anh từ khi mới vào nghề báo những năm 2000. Khi đó, anh đã là phóng viên thường trú Báo Tiền Phong tại Nha Trang (Khánh Hòa), trước đó anh là cộng tác viên thân thiết của Báo Phú Yên. Lần gần nhất được tác nghiệp chung chiến tuyến với anh, cùng ăn, cùng ngủ, cùng rong ruổi trên bờ biển trong một vài phút rảnh rang hiếm hoi. Đó là chuyến tác nghiệp ở Trường Sa hồi tháng 1/2017.

 

Tôi được biên chế ở buồng B6 Tàu 571 ra Trường Sa. Thật may mắn khi buồng này có 3 anh em Báo Khánh Hòa và Đài Truyền hình Khánh Hòa (KTV), một bạn ở Báo Ấp Bắc, một ở Báo Bắc Ninh và đặc biệt là sự có mặt của nhà báo Nguyễn Đình Quân. Tôi mừng rơn như gặp được quý nhân, vì lâu ngày anh em chưa có dịp gặp lại. Lần này gặp lại anh trong một chuyến công tác đặc biệt, hơn nữa tôi là nhà báo lần đầu đến với Trường Sa, còn anh đã là “thổ địa” với sáu lần ra đảo.

 

 

Thật đúng như vậy, trong chuyến đi ấy, anh đã giúp đỡ, chăm sóc, chỉ bảo bảy anh em chúng tôi một cách tận tình như một người anh nhiều kinh nghiệm, từ chuyện tác nghiệp đến miếng ăn, giấc ngủ và những mẹo vặt khi đi trên biển, trên tàu. Tôi và anh em ở B6 phong hàm cho anh là “đại tá”, còn chúng tôi tự nhận mình là trung sĩ. Anh em đều sẵn sàng chiến đấu mỗi khi tàu cập đảo, trước đó “đại tá” Đình Quân luôn có những chỉ bảo, gợi ý, hướng dẫn cả đề tài, lẫn nhân vật.

 

Ở cái tuổi 56, nhà báo Nguyễn Đình Quân đã có 6 lần ra quần đảo Trường Sa tác nghiệp, chưa kể những chuyến đi làm ở tuyến đảo ven bờ. Anh đi có khi với tư cách phóng viên Báo Tiền Phong, khi là thành viên Câu lạc bộ Biển đảo quê hương của Trung ương Đoàn. Anh đã đi hầu khắp các điểm đảo ở huyện đảo Trường Sa, đã được ngủ lại đêm trên nhiều đảo, được nghe những người lính, người dân, các em nhỏ trên các đảo kể rất nhiều chuyện.

 

Sau những bữa cơm lắc lư trên tàu muốn trào ngược, hay trước khi tàu chuẩn bị cập một đảo nào đó, anh Đình Quân lại động viên những “trung sĩ say sóng” chúng tôi ra boong tàu để thuyết minh những thông tin về đảo, diễn giải những điều mà anh nắm rất rõ, gợi ý đề tài tác nghiệp… Nhờ vậy, chúng tôi bớt hẳn cảm giác say sóng, ngồi hả miệng nghe và nuốt lấy những điều lần đầu tiên nghe thấy, biết đến.

 

Những buổi tối rảnh rang, trăng sáng bàng bạc trên mặt biển giữa trùng khơi, anh kể nhiều về cuộc đời làm báo, nhất là những ngày đầu bước vào nghề và những kỷ niệm về Trường Sa mà anh được trải nghiệm một cách say sưa, đầy nhiệt huyết. Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất với anh về Trường Sa đó là anh đã tổ chức đọc bức thư của người cha già, như một buổi lễ truy điệu liệt sĩ Võ Đình Tuấn đã hy sinh trên đảo Gạc Ma. Anh nhớ một cách chi tiết tên tuổi, ngày, giờ về sự kiện này: Ngày 22/12/2010, trước khi được ra Trường Sa lần thứ hai, tôi tìm về thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa), quê hương của liệt sĩ Võ Đình Tuấn, đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988. Cụ Võ Ta, cha của liệt sĩ Võ Đình Tuấn tự tay viết một lá thư gửi hương hồn người con mãi mãi tuổi 20, nhờ tôi mang ra Trường Sa.

 

Sáng 12/1/2011, trên vùng biển cạnh đá Gạc Ma, tôi đã đọc to rồi hóa vàng lá thư của cụ Võ Ta. Bài trên Báo Tiền Phong, clip bản tin của VTV1 về lễ tưởng niệm và ảnh liệt sĩ Võ Đình Tuấn được tôi đưa lên blog, với niềm tin: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên!”. Do trái tim mách bảo hay hương hồn anh Tuấn mách bảo, chị D, người yêu xưa của anh Tuấn đã thấy ảnh anh ở blog của tôi. Câu chuyện về tình cảm sâu nặng của chị D dành cho anh Tuấn đã được kể trong bài báo “Muốn ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi”, đăng trên Báo Tiền Phong và Báo Khánh Hòa trong tháng 5/2011. Cuối năm 2011, khi tôi lại được ra Trường Sa, chị D đã nhờ tôi và đồng nghiệp gửi vào lòng biển Gạc Ma những kỷ vật tình yêu của anh chị…

 

Nhà báo Nguyễn Đình Quân cũng là người đầu tiên đưa lên mạng vào đầu tháng 5/2014 những hình ảnh cận cảnh phía Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo trên bãi đá Gạc Ma do họ chiếm đóng trái phép. Anh có nhiều góp ý thẳng thắn với Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân những vấn đề về Trường Sa.

 

Với nhà báo Nguyễn Đình Quân, Trường Sa là nhà, anh em cán bộ, chiến sĩ, dân trên đảo là người thân. Những đóng góp của anh rất lớn cho công cuộc tuyên truyền khẳng định chủ quyền biển đảo: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Dù không ai muốn tin, điều tồi tệ nhất đã xảy ra với một nhà báo đang ở cái tuổi chín chắn nhất của cuộc đời. Tai nạn giao thông nghiệt ngã đã cướp đi sinh mạng khi anh đang trên đường tác nghiệp. Trong cơn nguy kịch anh còn kịp nhờ người đi đường tốt bụng mở điện thoại của mình gọi báo tin cho vợ anh là chị Lê Minh Tuyến, cô giáo mới về hưu và thượng úy Tống Văn Tùng, một người bạn đang công tác ở Trường Sa. Thế mới thấy, anh nặng lòng với Trường Sa cho đến hơi thở cuối cùng!

 

Vĩnh biệt anh, một nhà báo của Trường Sa, nhà báo chính trực đứng về người dân yếu thế, nhà báo say nghề, yêu đời đầy nhiệt huyết, thân ái trong mắt đồng nghiệp, bạn bè!

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek