Trước tình hình trên vùng biển của tỉnh xuất hiện tình trạng đối tượng sử dụng vật liệu nổ, hóa chất khai thác hải sản, gây bức xúc trong ngư dân, BĐBP Phú Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành và triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm xây dựng một ngư trường khai thác bền vững.
Nhiều vụ khai thác hủy diệt hải sản
Từ chỗ chi phí chuyến biển tăng cao, điều kiện đánh bắt ngày một khó khăn nên một số ít ngư dân coi vật liệu nổ là giải pháp đánh bắt hiệu quả. Tuy nhiên, hình thức khai thác này gây hủy diệt tận gốc nguồn lợi, phá hủy sinh vật biển, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Để qua mắt cơ quan chức năng, các đối tượng tìm đủ mọi cách: nếu quan sát không thấy lực lượng tuần tra thì ngang nhiên hoạt động; còn nếu bị phát hiện thì tìm mọi cách phi tang chứng cứ, gây khó khăn trong công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý.
Tại cuộc họp tuyên truyền pháp luật cho ngư dân thôn Mỹ Quang Bắc (xã An Chấn, huyện Tuy An) do Đồn Biên phòng An Hải và chính quyền địa phương tổ chức mới đây, nhiều ngư dân bức xúc trước tình trạng đối tượng sử dụng vật liệu nổ khai thác hải sản trên địa bàn vẫn còn xảy ra, gây hủy hoại các rạn san hô gần bờ - nơi có nhiều loại hải sản cư trú, sinh sản, phát triển, tác động xấu đến cuộc sống mưu sinh của ngư dân. “Con cá lớn mấy ổng đánh thuốc nổ lượm được nhưng con cá con mới đẻ ra cũng chết hết thì sau này lấy gì cho con cháu đi làm, kiếm miếng ăn nữa”, ông Võ Văn Chiến ở thôn Mỹ Quang Bắc nói. Còn ông Nguyễn Thanh Quang ở cùng thôn với ông Chiến thì bức xúc: Vì đồng tiền mà coi thường pháp luật, đề nghị các ngành chức năng đến tận nhà bắt viết giấy cam đoan không làm những chuyện đó nữa.
Đại tá Phạm Huy Dực, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ BĐBP tỉnh, cho biết: Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên chỉ đạo các đồn biên phòng và đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ, xung điện, hóa chất khai thác hải sản trái phép.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương ven biển cũng tăng cường chỉ đạo cho các ngành, đoàn thể và phối hợp với BĐBP thực hiện nghiêm Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn có hiệu quả, tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng xung điện, chất nổ và chất độc để khai thác thủy sản theo Chỉ thị 01 ngày 2/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động
Một trong những biện pháp được BĐBP và chính quyền các địa phương ven biển chú trọng, đó là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho nhân dân, vận động nhân dân cam kết không sử dụng vật liệu nổ, xung điện, hóa chất khai thác hải sản. Ông Nguyễn Đồng Phương (ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, huyện Tuy An), một trong những người trước đây sử dụng vật liệu nổ khai thác hải sản, được chính quyền địa phương và BĐBP tuyên truyền, vận động, nhận được việc làm sai trái của mình, từ đó ông Phương cam kết từ bỏ việc làm sai trái này và chuyển sang nghề khác. “Thấy tôi hoàn cảnh khó khăn, BĐBP tới thăm rồi động viên chuyển đổi nghề khác nên tôi nghe theo. Mong muốn của tôi là được chính quyền tạo điều kiện, hỗ trợ vốn để đầu tư chuyển đổi nghề làm ăn, phát triển kinh tế bền vững”, ông Nguyễn Đồng Phương nói.
Thiếu tá Bùi Minh Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng An Hải, cho biết đối tượng dùng thuốc nổ đánh bắt hải sản trên vùng biển đơn vị quản lý phần lớn là từ nơi khác đến. Sau khi dùng tàu công suất lớn để “do thám”, phát hiện có luồng cá, họ liền dùng thuốc nổ đánh bắt rồi nhanh chóng rời vị trí, đợi an toàn sẽ quay lại vớt cá. Vì vậy việc bắt quả tang, xử lý triệt để rất khó khăn. Mới đây, hơn 50 ngư dân ở làng biển Mỹ Quang (xã An Chấn) đã tự nguyện ký vào bản cam kết không đánh bắt hải sản theo kiểu tận diệt và sẵn sàng hỗ trợ BĐBP truy bắt tội phạm hủy diệt môi trường biển. “Điều chúng tôi hướng đến là xây dựng cho ngư dân ý thức tôn trọng pháp luật, xây dựng ngư trường thực sự an toàn, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân vùng biển”, thiếu tá Bùi Minh Hải nói.
Nguồn lợi thủy sản không phải là vô tận mà ngày càng cạn kiệt bởi những hành vi khai thác mang tính hủy diệt như sử dụng vật liệu nổ, hóa chất, xung điện hay các ngư cụ giã cào, nhá Thái Lan và những ngư cụ bị cấm khác để đánh bắt. Mọi người dân cần nêu cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định về hoạt động khai thác hải sản, tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh, tố giác với những hành vi đánh bắt hủy diệt, góp phần cùng chính quyền địa phương và các lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng ngư trường khai thác bền vững.
Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, các đơn vị biên phòng trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ/6 đối tượng sử dụng vật liệu nổ và 3 vụ/7 đối tượng dùng kích điện công suất lớn. Trong đó, BĐBP tỉnh khởi tố 1 vụ/4 đối tượng, bàn giao cho cơ quan công an xử lý; đồng thời xử phạt hành chính 4 vụ/9 đối tượng, với tổng số tiền trên 40 triệu đồng. |
LAM SƠN