Tranh chấp ngư trường, tàu thuyền đâm va lẫn nhau… là chuyện khó tránh khỏi trong cuộc mưu sinh của những người dân biển. Bằng uy tín, trách nhiệm và tình cảm của mình, những người lính biên phòng Phú Yên đã làm tốt công tác hòa giải, chủ động giải quyết tốt các vụ việc, gắn kết tình làng nghĩa xóm, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Chuyện khó tránh khỏi
Trong lúc thả câu ở khu vực đảo Cù Lao Xanh (TP Quy Nhơn, Bình Định), ông Phạm Công Hoàng (SN 1989, trú thôn 2, xã Xuân Hải, TX Sông Cầu) phát hiện phương tiện PY 40124TS, hành nghề mành rút của ông Ngô Tấn Đạt (SN 1986, trú cùng thôn) thả chồng lên trên và mang đứt 6 giàn câu của mình. Hai bên xảy ra mâu thuẫn kéo dài.
Trên đường đi hành nghề về bến, phương tiện của ông Hà Văn Năm (SN 1969, ở thôn Phước Lương, xã An Ninh Đông) đã mang, làm mất 450m câu kiều của anh Trần Văn Cửu (SN 1977, ở thôn Phước Đông, xã An Hải, huyện Tuy An), trị giá 3 triệu đồng.
Trên đường ra biển, khi vừa qua khỏi bến Gành Đỏ khoảng 15 phút, phương tiện của ông Nguyễn Đỗ (SN 1970, ở khu phố An Thạnh, phường Xuân Đài) bị phương tiện của ông Trần Xuân Hoàng (SN 1960, trú khu phố Vạn Phước, phường Xuân Thành, TX Sông Cầu) làm thuyền trưởng va chạm, gây hư hỏng nặng.
Trong lúc đánh bắt tại vùng biển xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu), tàu cá PY 4347TS do ông Trần Văn Chín (SN 1974, trú khu phố Vạn Phước, phường Xuân Thành) làm thuyền trưởng bất ngờ bị tàu cá PY 97731TS tông; những người trên tàu này còn dùng vật cứng ném làm hư hỏng một số đồ đạc trên tàu của ông Chín, thiệt hại khoảng 3 triệu đồng…
Trên đây là một số trong nhiều vụ tông va, tranh chấp ngư trường xảy ra trong thời gian gần đây trên vùng biển của tỉnh đã được các đồn biên phòng làm trung gian và đôi bên đã bắt tay hòa giải, thỏa thuận đền bù, chấm dứt mâu thuẫn.
Không để… chuyện bé xé ra to
Theo những người có thâm niên trong nghề “ăn sóng nói gió”, chuyện tàu thuyền mang lưới, tông va lẫn nhau trên biển là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, khi ngư trường bị thu hẹp, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong khi tàu thuyền ngày càng tăng, điều đó cũng tăng lên và mức độ thiệt hại cũng lớn hơn. “Anh em thuyền trưởng đều có bằng lái theo quy định. Tuy nhiên vì trên biển không có đường ranh, phân luồng như trên bộ; những khi gặp sương mù che khuất tầm nhìn... nên các phương tiện rất dễ đâm va vào nhau”, ông Nguyễn Văn Túy, một ngư dân có thâm niên trong nghề biển ở phường 6, TP Tuy Hòa chia sẻ. Sau khi xảy ra các trường hợp như vậy, thường không ai tự giác nhận phần lỗi về mình mà bên này chỉ trích bên kia, hiềm khích kéo dài và có khi dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Đơn cử như vụ xô xát xảy ra gần đây giữa ngư dân N.N.S ở phường 6 (TP Tuy Hòa) và một ngư dân ở An Chấn (huyện Tuy An). Cho rằng tàu cá hành nghề giã cào của ngư dân An Chấn mang lưới của mình nên ông S dùng vật cứng ném làm vỡ kính ca bin tàu này. Vụ việc chỉ được giải quyết êm thấm sau khi Đồn Biên phòng Tuy Hòa tiến hành hòa giải, phân tích cho đôi bên thấy được lỗi của mình một cách tâm phục khẩu phục.
Thượng tá Đào Văn Soạn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tuy Hòa, cho biết: Xác định hòa giải là một yếu tố quan trọng trong việc giữ vững an ninh trật tự trên biển và gắn kết tình làng nghĩa xóm giữa bà con ngư dân với nhau, thời gian qua cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn tích cực, chủ động xử lý tốt các vụ việc. Theo đó, hầu hết các vụ va chạm, tranh chấp trên ngư trường đều được hòa giải thành công, kịp thời, không để chuyện bé xé ra to. Việc hòa giải diễn ra êm thấm, tạo điều kiện cho người bị thiệt hại sớm khắc phục sự cố để tiếp tục vươn khơi, bám biển làm ăn.
Còn theo trung tá Lê Hữu Thao, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Thịnh, khó khăn nhất trong công tác hòa giải là việc xác định nguyên nhân, chứng cứ. Vì hiện trường xảy ra trên mặt biển nên không để lại dấu vết. Còn nếu là vụ mang lưới xảy ra giữa khơi xa, khi BĐBP ra đến “hiện trường” thì phương tiện gây ra đã cắt lưới bỏ đi. Hơn nữa hầu hết các vụ việc đều xảy ra vào ban đêm. Bởi vậy, để hòa giải thành công, người có lỗi cũng như người bị hại đều “tâm phục khẩu phục”, đòi hỏi người làm trung gian hòa giải phải là người có uy tín, không chỉ tinh tường, nắm vững nghiệp vụ điều tra, mà còn phải hiểu rõ quy trình hoạt động của từng loại nghề của ngư dân. Việc định giá giá trị tài sản bị thiệt hại để đưa ra mức bồi thường cũng phải tiến hành một cách khách quan, công khai, nếu cần phải tổ chức khảo giá, định giá theo quy định của pháp luật. “Hòa giải không chỉ giúp ngư dân sớm khắc phục thiệt hại, tiếp tục vươn khơi bám biển mà còn góp phần xây dựng mối quan hệ gắn bó, đoàn kết trong ngư dân, cùng nhau phát triển kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc”, ông Nguyễn Văn Túy thổ lộ.
VĂN LANG