Thứ Bảy, 18/01/2025 05:22 SA
Ngăn chặn ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài
Thứ Sáu, 07/07/2017 09:53 SA

Theo thống kê, từ đầu năm 2016-6/2017, đã có 76 vụ với 110 ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước lân cận, nhất là Indonesia. Trong đó, nhiều tàu ra vùng biển Thái Bình Dương và vào vùng lãnh hải của các nước để khai thác hải sâm. Riêng Phú Yên, sau nhiều năm không có tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ vì xâm phạm vùng biển của họ, thời gian gần đây cũng đã xảy ra nhiều vụ. Hiện một số ngư dân còn bị tạm giam, tạm giữ.

 

Làm thế nào và biện pháp gì để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản? Đây là câu hỏi đang được rất nhiều người quan tâm trước thực trạng nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam bị các nước bắt giữ, phạt tiền, phạt tù, phá hủy phương tiện…

 

Tại hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) do Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tại tỉnh này cuối tháng 6 vừa qua, thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết, nhìn chung các địa phương đã triển khai thực hiện tốt và hiệu quả công tác TTPBGDPL, bà con ngư dân đã nhận thức được và tự giác chấp hành. So với trước thì số lượng tàu thuyền vi phạm ít hơn. Tuy nhiên thời gian gần đây, các nước tăng cường tuần tra trên biển nên số tàu cá của ngư dân Việt Nam bị bắt giữ tăng lên.

 

Cũng tại hội nghị này, nhiều đại biểu cho rằng công tác TTPBGDPL thời gian qua còn hạn chế và kém hiệu quả. Nhiều tuyên truyền viên chỉ đọc văn bản nên pháp luật khó “thấm” vào dân. Vì vậy nhiều ý kiến nhấn mạnh về kỹ năng của người làm công tác tuyên truyền và biện pháp TTPBGDPL sao cho hiệu quả. Theo đó, công tác tuyên truyền nên tập trung hướng đến đối tượng là ngư dân trực tiếp hành nghề đánh bắt, khai thác hải sản trên biển bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng kết hợp tuyên truyền miệng gắn với những hình ảnh sinh động. Còn về mặt quản lý, nhiều người đồng tình với biện pháp phải gắn chíp tàu cá để quản lý hành trình; những người tiếp tay cho ngư dân như chủ nậu cũng phải bị pháp luật xem xét chứ không nên bỏ qua.

 

Có một thực tế là ngư trường ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang ngày càng bị thu hẹp do Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát để khẳng định yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” trên biển Đông. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngư trường đánh bắt của ngư dân Việt Nam ngày càng hẹp dần. Bên cạnh đó, do lợi nhuận từ việc khai thác hải sâm cao, trong khi các ngành nghề truyền thống đối mặt với tình hình ngư trường cạn kiệt, dẫn tới nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam lấn sang vùng biển của các nước để đánh bắt. Ngoài những trường hợp vô ý vi phạm, cũng có không ít trường hợp biết luật mà vẫn phạm luật. Mặt khác, do chế tài xử phạt chưa cao và hành vi buôn bán hải sâm ở Việt Nam không bị cấm, trong khi các nước khác đều không cho khai thác. Vì vậy cùng với tuyên truyền vận động, nên có chế tài xử phạt tàu cá vi phạm nặng hơn, có biện pháp ngăn chặn tàu cá bị xử phạt sau đó tìm cách sang tên đổi chủ…

 

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, hiện nay ngư dân vi phạm các vùng lãnh hải các đảo ở Nam Thái Bình Dương rất nhiều. Ban đầu, các quốc gia rất nhân đạo trong đối xử với ngư dân bị bắt. Tuy nhiên, việc này sẽ không còn phát huy hiệu quả nếu ngư dân Việt Nam tiếp tục vi phạm.

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek