Thứ Bảy, 18/01/2025 05:19 SA
Gặp nhà báo 6 lần tác nghiệp ở Trường Sa
Thứ Bảy, 17/06/2017 08:35 SA

Nhà báo Nguyễn Đình Quân trò chuyện cùng các chiến sĩ đảo Sinh Tồn trong chuyến công tác Trường Sa cuối năm 2016 - Ảnh: TRẦN QUỚI

Với cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa, anh như người thân. Còn với anh em phóng viên, anh như “lão làng”. Anh là nhà báo Nguyễn Đình Quân (SN 1962), thường trú Báo Tiền Phong tại Khánh Hòa, đã 6 lần ra Trường Sa tác nghiệp. Trong chuyến công tác đầu tiên đến Trường Sa, tôi may mắn đi chung chuyến tàu và có cuộc trò chuyện thú vị với anh.

 

Những kỷ niệm khó quên

 

* Anh là một trong số rất ít nhà báo có duyên và rất nhiều lần đến với Trường Sa. Anh cảm nhận như thế nào khi tác nghiệp ở nơi đặc biệt này?

 

- Đúng là tôi có duyên, có may mắn được đi Trường Sa nhiều lần. Chính xác là 6 lần. Tôi đã đi hầu khắp các đảo ở huyện đảo Trường Sa, trừ An Bang, đã được ngủ lại đêm trên nhiều đảo, nghe những người lính, người dân, các em nhỏ nơi đây kể rất nhiều chuyện.

 

Chuyến đi Trường Sa hồi cuối tháng 4-5/2013, tôi đi cùng anh Huỳnh Hiếu, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Phú Yên, nay là Trưởng Cơ quan đại diện Báo Tuổi Trẻ khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thấy tôi chưa lên đảo đã có người trên đảo gọi, Huỳnh Hiếu nói vui rằng tôi đi thăm người thân ở Trường Sa chứ đâu phải đi công tác. Trường Sa đã là nơi thân thuộc với tôi. Tôi đã quen, biết rõ vị trí, hình dạng từng đảo nổi, đảo chìm. Thế nhưng mỗi lần được ra Trường Sa, tôi vẫn cố làm sao chụp được nhiều ảnh nhất, hỏi chuyện, ghi chép được nhiều nhất về cảnh quan, cuộc sống của quân dân đang xây dựng và bảo vệ đảo.

 

* Lần đầu ra Trường Sa, anh đã vượt qua những thử thách nào?

 

- Lần đầu tiên tôi đi công tác Trường Sa vào tháng 4/1996, lúc mới vào Báo Tiền Phong được hơn 5 tháng, đang là phóng viên tập sự. Ngoài sự háo hức của người lần đầu được ra Trường Sa, tôi còn có sự bỡ ngỡ, vụng về của phóng viên mới vào nghề. Chuyến đó, tôi đi trên tàu Biển Đông 82 (nay là tàu 936). Cùng đi có anh Lê Đủ, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phú Yên (nay là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh) và anh Nguyễn Ngọc, Bí thư Huyện đoàn Tuy Hòa (khi chưa tách huyện). Chúng tôi đi vào tháng 3 âm lịch, “tháng ba bà già đi biển”, nên lúc đi cũng thuận lợi, say sóng không đáng kể. Nhưng lúc về thì gặp áp thấp nhiệt đới, sóng khá dữ, nửa đêm tàu về gần khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận) thấy thủy thủ chuẩn bị các thiết bị bơm nước, đề phòng sự cố nước tràn vào tàu, tôi cũng hơi ớn. Chiều tối hôm sau vào vịnh Cam Ranh, mọi người mới thở phào. Tôi ít bị say sóng, nhưng chuyến đó đi biển lần đầu chưa có kinh nghiệm giữ máy ảnh, giữ phim trong điều kiện sóng gió, nên hỏng một số phim đã chụp.

 

* Nhiều lần được ra Trường Sa tác nghiệp, chắc hẳn anh có những kỷ niệm sâu sắc?

 

- Ngày 22/12/2010, trước khi được ra Trường Sa lần thứ hai, tôi tìm về thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), quê hương của liệt sĩ Võ Đình Tuấn - người đã hy sinh trong sự kiện Gạc Ma khi Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Trường Sa năm 1988. Cụ Võ Ta, cha của liệt sĩ Võ Đình Tuấn, tự tay viết một lá thư gửi hương hồn người con mãi mãi tuổi 20, nhờ tôi mang ra Trường Sa. Sáng 12/1/2011, trên vùng biển cạnh đá Gạc Ma, tôi đã đọc to rồi hóa vàng lá thư của cụ Võ Ta. Bài viết trên Báo Tiền Phong, clip bản tin của VTV1 về lễ tưởng niệm và ảnh liệt sĩ Võ Đình Tuấn được tôi đưa lên blog, với niềm tin: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên!”. Do trái tim mách bảo hay hương hồn anh Tuấn mách bảo, chị D, người yêu khi xưa của anh Tuấn đã thấy ảnh anh ở blog của tôi. Câu chuyện về tình cảm sâu nặng của chị D dành cho anh Tuấn đã được kể trong bài báo “Muốn ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi”, đăng trên Báo Tiền Phong và Báo Khánh Hòa trong tháng 5/2011. Cuối năm 2011, khi tôi lại được ra Trường Sa, chị D đã nhờ tôi và đồng nghiệp gửi vào lòng biển Gạc Ma những kỷ vật tình yêu của anh chị… Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi trong những lần đi Trường Sa.

 

Tôi cũng là người đầu tiên đưa lên mạng vào đầu tháng 5/2014 những ảnh cận cảnh phía Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo trên bãi đá Gạc Ma mà họ chiếm đóng trái phép.

 

* Nhiều lần được ra đảo, cùng ăn cùng ở với cán bộ chiến sĩ, người dân trên đảo, anh cảm nhận sự thay đổi ở các đảo trước đây và hiện tại như thế nào?

 

- Tháng 4/1996, tôi ra Trường Sa, thủ phủ của huyện đảo và một số đảo nổi khác chỉ có một số cây xanh ở khu vực trung tâm đảo, trên đảo là những căn nhà lợp tôn trên nền cát san hô, trắng nhức mắt dưới cái nắng chang. Các đảo chìm Đá Tây, Đá Lát, Đá Đông khi đó đã có nhà kiên cố, trông như những chiếc lô cốt lớn, bên cạnh vẫn còn nhà cao chân dựng từ năm 1988, dùng để trồng rau. Những “ruộng rau” bé bằng chiếc chiếu, được lính đảo che chắn, chăm chút từng ly từng tí. Chỉ tiêu ăn rau muống, mồng tơi hàng ngày của cả đảo được tính bằng đơn vị: lá, ngọn rau. Định suất nước cho mỗi người được tính bằng lon (loại lon cocacola), mỗi người được hơn chục lon nước/ngày…

 

Bây giờ, các đảo nổi, đảo chìm đều có nhiều cây xanh. Đảo Sơn Ca được phủ kín bởi màu xanh của hàng trăm cây lớn, không chỉ có cây bản địa Trường Sa như phong ba, bão táp, bàng vuông, tra… mà còn có nhiều cây từ khắp mọi miền Tổ quốc mang ra trồng và sống xanh tốt. Đảo Trường Sa Đông bây giờ được coi là một trong những đảo nhiều cây xanh và đẹp nhất huyện đảo Trường Sa. Cơ sở hạ tầng tại các đảo cũng khá khang trang. Các công trình bảo đảm an toàn hàng hải, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển như âu tàu, hải đăng, khu dịch vụ hậu cần nghề cá đã và đang được xây dựng ở nhiều đảo như Song Tử Tây, Đá Tây, Sinh Tồn, Trường Sa… Đặc biệt, nhiều đảo đã có người dân sinh sống, có trường tiểu học, trạm y tế khang trang và những ngôi chùa. Các đảo đều có hệ thống điện gió và điện mặt trời, đủ cho các đơn vị và người dân sử dụng ti vi, quạt và cả tủ lạnh.

 

Trường Sa thiêng liêng trong mỗi công dân

 

* Anh nghĩ thế nào về trách nhiệm của một nhà báo trong việc hiểu một cách sâu sắc về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với Trường Sa và Hoàng Sa để làm tốt công tác tuyên truyền?

 

- Sau mỗi chuyến công tác, hiểu biết của tôi về Trường Sa, về những vấn đề trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được mở rộng và sâu sắc hơn. Có thể nhiều nhà báo đã đi Trường Sa nhiều lần hơn tôi, nhưng tôi tự tin mình là nhà báo được ngủ lại trên các đảo (cả đảo nổi lẫn đảo chìm) nhiều đêm nhất. Có nhiều thời gian tiếp xúc với lính đảo, hòa trong sinh hoạt đời thường, càng hiểu họ hơn, hiểu những vấn đề của Trường Sa, tôi càng thấy rằng viết về Trường Sa, về chủ quyền biển đảo cần có sự hiểu biết sâu sắc, không được hời hợt, cảm tính.

 

Cuối năm 2013, tôi đã soạn xong loạt bài - ảnh “Trường Sa qua từng bức ảnh” gồm 21 bài, với khoảng 250 ảnh. Phần lớn là ảnh tôi chụp sau những lần đi Trường Sa, kết hợp với ảnh tư liệu.

 

Hiện nay, người dân Việt Nam rất quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói chung, trong đó có quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, báo chí và mạng xã hội còn đưa thông tin phiến diện, manh mún, có khi chưa đúng sự thật; trong khi vẫn chưa có một cuốn sách đảm bảo thông tin chính thống, có hệ thống về Trường Sa. Do vậy, tôi đã kiến nghị với cơ quan có trách nhiệm về việc cần biên soạn, phát hành một cuốn sách có những thông tin chính thống, chân thực, đầy đủ về việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

 

* “Gia tài” về Trường Sa của anh hẳn là rất “giàu có”. Được biết, anh có hẳn một blog chuyên đề về Trường Sa, anh có thể chia sẻ điều này?

 

- Tôi lưu giữ tư liệu hình ảnh, văn bản, clip về Trường Sa rất kỹ. Một phần quan trọng trong số đó đã được tôi đưa lên blog Thiềm Thừ (http://thiemthu62.blogspot.com/) và facebook Nguyễn Đình Quân. Tôi cũng đang chuyển các bài về Trường Sa từ trang facebook đó sang trang facebook Thiềm Thừ Trường Sa (https://www.facebook.com/nguyenhuy2013), chỉ đăng bài về Trường Sa. Các bạn quan tâm có thể tìm hiểu thông tin ở trang này.

 

* Là một nhà báo nhiều lần đến với Trường Sa, anh có nhắn nhủ gì với các nhà báo trẻ hiện nay?

 

- Mỗi lần ra Trường Sa, tôi đều tác nghiệp với tâm thế của người lần đầu được ra đảo. Tôi không bao giờ cho rằng đi Trường Sa là đi chơi, đi cho biết. Nếu có thể, tôi sẽ đi Trường Sa nhiều lần nữa để viết về vùng biển, đảo thân thương của Tổ quốc mình, viết về những người lính, người dân, những em bé thân yêu đang làm nhiệm vụ, sinh sống ở nơi đầu sóng ngọn gió.

 

Với các nhà báo trẻ, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn rằng, viết về Trường Sa, về chủ quyền biển đảo cần có sự hiểu biết sâu sắc, không hời hợt. Trước khi đăng ký đi Trường Sa, ngoài sức khỏe, trang bị tác nghiệp cần chuẩn bị trước, còn phải tự trang bị cho mình càng nhiều càng tốt các kiến thức về biển đảo, việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Các bạn phải viết sao để người đọc thêm yêu Trường Sa, yêu biển đảo đất nước mình, thêm yêu mến và tin tưởng những người đã và đang bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Được ra Trường Sa là mơ ước của nhiều người, rất ít người có được cơ hội ấy, nên mình phải tác nghiệp để không phí, để xứng đáng với cơ hội được trao.

 

* Cảm ơn anh!

 

TRẦN QUỚI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek