Thứ Bảy, 18/01/2025 12:44 CH
Ngát xanh đảo dừa Nam Yết
Thứ Bảy, 25/03/2017 08:02 SA

Đảo dừa Nam Yết nhìn từ biển - Ảnh: TRẦN QUỚI

Nằm ở phía bắc của quần đảo Trường Sa, đảo Nam Yết được mệnh danh là “đảo dừa”. Từ ngoài biển nhìn vào, Nam Yết như một dải lụa xanh vắt ngang trên mặt nước. Đảo xanh mát quanh năm dù mùa mưa hay mùa nắng. Ngoài những phong ba, bàng vuông… là những loài cây biểu tượng cho sức sống Trường Sa, Nam Yết còn nổi bật với những rặng dừa xanh ngắt như thách thức nắng gió khơi xa.

 

Đảo Nam Yết thuộc thôn Nam Yết, xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, nằm ở vĩ độ 10010’45’’ Bắc, kinh độ 114022’00’’ Đông, cách đảo Trường Sa 174 hải lý về phía đông bắc, cách đảo Song Tử Tây 76 hải lý về phía nam, cách Cam Ranh 326 hải lý về phía đông nam. Nam Yết cũng là đảo có vị trí chiến lược trọng yếu khi chỉ cách đảo Ba Bình - đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa đang bị Đài Loan (Trung Quốc) chiếm đóng trái phép - 11 hải lý về phía bắc; cách đá Ga Ven đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép chỉ 9 hải lý về phía tây.

 

Đảo Nam Yết có hình bầu dục hơi hẹp về bề ngang, nằm theo hướng đông - tây. Từ xa, đảo hiện ra một vệt xanh ngắt, màu xanh của cây lá giữa màu trời xanh, nước xanh. Thấp thoáng dưới màu xanh ấy là những công trình nhà chỉ huy đảo và cây đèn biển sừng sững bên chân sóng, ban đêm quét những tia sáng dẫn đường cho tàu bè qua khu vực đảo.

 

Nam Yết có nhiều loài cây đặc trưng của các đảo nổi ở Trường Sa, như bàng vuông, phong ba, cây tra... Và thiên nhiên còn ưu ái hơn khi cho hòn đảo này một môi trường thuận lợi để cây dừa phát triển mạnh mẽ. Đưa tôi đi thăm đảo, trung tá Hoàng Minh Sơn, Đảo trưởng đảo Nam Yết, cho biết ở Trường Sa, đảo nổi nào cũng có thể trồng dừa, nhưng không có hòn đảo nào mà dừa lại sinh sôi khỏe như tại Nam Yết. “Nhiều đời lính làm nhiệm vụ trên đảo đều trồng dừa. Dừa được mang từ đất liền ra trồng, cây lớn lên đơm hoa, kết trái. Ban đầu, bộ đội không được ăn dừa mà để cho già làm giống rồi tiếp tục trồng nhân rộng. Theo thời gian, dừa được lớp lớp bộ đội trồng thành vườn, thành hàng, thành lối rất đẹp. Hiện đảo đã trồng được rất nhiều dừa và dừa đã cho trái để phục vụ bộ đội. Không chỉ vậy, anh em cán bộ, chiến sĩ của đảo còn ươm cây gửi tặng các đảo khác trên quần đảo Trường Sa”, anh Sơn thông tin.

 

Thật khó thống kê trên đảo có bao nhiêu cây dừa, vì hết lớp dừa này lại đến lớp dừa khác đua nhau phát triển. Dừa ở đây được cán bộ chiến sĩ chăm sóc, nâng niu, giống như người nông dân chăm bẵm cây rau cây đậu, hay như người chơi hoa, cá cảnh trong đất liền vậy. Trung tá Nguyễn Văn Ký, Chính trị viên phó đảo Nam Yết, cho biết thêm: “Mỗi cụm chiến đấu hàng năm đều được giao nhiệm vụ chăm sóc dừa, để dành trái già khô, ươm mầm rồi trồng ở khu vực mình quản lý. Hàng năm, cán bộ chiến sĩ trên đảo thường trồng dừa vào hai dịp, một là mùa Tết trồng cây, hai là lúc trước khi hoàn thành nhiệm vụ và chia tay đảo. Cây dừa con được bộ đội chia ca tưới nước hàng ngày và che chắn tứ bềbằng bạt, bao gai để tránh gió cho đến khi cao hơn đầu người mới thôi. Khi dừa đã cao, bộ đội lại thay nhau “làm cỏ” dừa, gói muối hạt bỏ lên ngọn cây để trừ kiến dương, sâu chuyên ăn mầm dừa, trái non”.

 

Trên đảo, những bộ phận, sản phẩm từ cây dừa được cán bộ, chiến sĩ sử dụng một cách hiệu quả. Dừa là trái không thể thiếu trên mâm ngũ quả vào dịp tết; dừa để bộ đội giải khát mùa hè, đãi khách đến thăm đảo. Xương lá dừa được bện thành chổi quét sân. Lá dùng để lợp chắn sóng, chống gió mặn cho các vườn rau, chuồng gia súc, gia cầm. Nhiều chiến sĩ còn sử dụng sọ dừa khô để làm gáo múc nước hay kết hợp với ốc biển làm quà mỹ nghệ gửi tặng đất liền. Cũng như bàng vuông, phong ba, dừa ở đảo Nam Yết cũng có sức sống mãnh liệt trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Hầu như cây dừa nào ở đây khi trưởng thành cũng xanh tốt và cho trái quanh năm.

 

Đến với Nam Yết, bạn sẽ được một lần uống nước dừa để cảm giác vị ngọt lịm, đậm đà thẩm thấu từ nhiều tầng của nắng gió, muối mặn biển khơi. Trong nắng gió Trường Sa, những cây dừa lặng lẽ vươn cao, tô điểm cho vẻ đẹp của đảo Nam Yết; cũng như những chiến sĩ hải quân khắp mọi miền đất nước vẫn ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo quê hương, thách thức thiên nhiên khắc nghiệt giữa đại dương và những thế lực vẫn chưa thôi dã tâm dòm ngó…

 

Tháng 7/1973, đảo Nam Yết được quân đội Việt Nam Cộng hòa chọn làm điểm đóng quân đầu tiên tại quần đảo Trường Sa. Cho đến tháng 4/1975, đảo Nam Yết là trung tâm chỉ huy của lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng trên các đảo ở quần đảo Trường Sa, bao gồm Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa. Theo lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, sau khi đặc công Hải quân ta giải phóng các đảo Song Tử Tây (14/4/1975) vàSơn Ca (25/4/1975), tối 26/4/1975, các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa ở các đảo còn lại tại quần đảo Trường Sa được lệnh rút. Sáng 27/4/1975, quân ta lên đảo Nam Yết và giải phóng hoàn toàn.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek