Những làng chài ven biển là nơi đón nắng xuân sớm nhất trên đất liền nên dường như, tết ở những nơi này cũng đến sớm hơn ở những nơi khác.
Những ngày cuối năm, ở các làng biển của thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) nhộn nhịp khác thường. Khác với 15 năm trước và khác xa với những ngày đầu tỉnh Phú Yên tái lập, ở làng biển này đường sá chỉ toàn cát với cát. Còn giờ đây, từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng đường bê tông thoáng đãng, sạch sẽ. Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, có cả biệt thự sang trọng. Công viên, cây xăng, trường mẫu giáo, nhà sinh hoạt văn hóa… hầu như những thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất nào ở thành thị có thì ở đây đều có cả.
Tất niên sớm để… tiếp tục vươn khơi
Lò Ba là tên gọi cũ của các làng biển ở thị trấn trẻ này. Theo người dân địa phương, ngày trước trong làng có 3 lò hấp (cá ồ, cá nục) nên mới có tên là Lò Ba hay Ba Lò. Sau này chia tách thành Lò 1, Lò 2, Lò 3; nay là các khu phố: Phú Thọ 1, Phú Thọ 2, Phú Thọ 3 và Phú Thọ. Hầu hết người dân ở đây sống bằng nghề đánh bắt hải sản theo kiểu cha truyền con nối; một số làm dịch vụ, mua bán nhỏ. Từ 22 tháng Chạp, nhiều gia đình đã dọn dẹp, chỉnh trang lại nhà cửa tươm tất, mua hoa về trưng bày, chuẩn bị “đưa ông Táo về trời” và đón Tết cổ truyền. Trước đó, không ít gia đình tranh thủ tất niên sớm, tiếp tục ra khơi đánh bắt và đón giao thừa trên biển.
Niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt của những ngư phủ chuẩn bị ra khơi và càng tươi tắn hơn với những con tàu trở về đầy ắp cá tôm. Từ người già đến trẻ con đều hân hoan chào đón năm mới. Đang loay hoay cắt tỉa những chậu cây cảnh trong sân nhà, lão ngư Trà Chí Thu ở khu phố Phú Thọ 1, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá thị trấn Hòa Hiệp Trung, cho hay: “Năm nay, bà con làng biển Lò Ba đón tết xôm hơn năm trước nhờ làm ăn cũng khá”. Rồi ông giải thích: Ngày trước với bây giờ khác nhau một trời một vực. Hồi đó chỉ có thuyền nhỏ, lưới nhỏ, bà con đánh bắt con tôm, con cá gần bờ, quanh năm đầu tắt mặt tối nhưng cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, rất khó làm giàu. Nay làng biển nào cũng có đội tàu đánh bắt xa bờ, làm ăn khấm khá, cuộc sống no đủ hơn, đời sống tinh thần của người dân cũng được nâng lên.
Gặp lại Trưởng lạch Lò 3 (bao gồm Phú Thọ và Phú Thọ 3) Bùi Thành đang lui cui với những chậu hoa tết vừa chớm nụ, ông chia sẻ: “Vinh dự lớn nhất của bà con ban lạch Lò 3 trong năm qua là được Chủ tịch nước Trần Đại Quang về thăm, động viên, định hướng cho cách làm ăn phát triển kinh tế biển bền vững”. Theo ông Thành, chính nhờ có sự quan tâm, đường lối đổi mới, chính sách kinh tế đúng đắn của Đảng, Nhà nước mà làng biển này phát triển như hôm nay. Xưa kia, hải sản đánh bắt được chỉ có phơi khô, muối mắm hoặc hấp chín rồi vượt đồi cát, đội nắng gánh đi đổi lúa. Còn bây giờ, mọi thứ đã có dịch vụ hậu cần “rẩu nước” (rổi nước) bao tiêu. Con tôm, con cá vừa đánh bắt lên được các tàu “rổi nước” với trang bị hệ thống đông lạnh hiện đại mua ngay trên biển chuyển vào bờ trong thời gian ngắn nhất nên đảm bảo tươi ngon, được giá, đồng thời giảm phí tổn xăng dầu, công khai thác. Từ nghề đánh bắt xa bờ và làm dịch vụ hậu cần, nhiều hộ ngư dân ăn nên làm ra, đóng thêm tàu mới, mua sắm ngư cụ. Anh Lưu Bá Khoa (ở khu phố Phú Thọ 3), chủ của 2 tàu “rổi nước” PY 95151TS (180CV) và PY 95152TS (290CV), cho biết: “Năm qua, bình quân mỗi chuyến thu mua trên biển trong khoảng 10-15 ngày, trừ chi phí tôi lãi trên dưới 10 triệu đồng. Nhờ các tàu cá đánh bắt được nên dịch vụ hậu cần cũng có thu nhập khá. Hiện giá cá ngừ đại dương đang ổn định ở mức trên 100.000-110.000 đồng/kg nên nhiều người tranh thủ ăn tết sớm, tiếp tục vươn khơi bám biển”.
Bánh chưng… gửi gắm yêu thương
Không chỉ ở Hòa Hiệp Trung mà tại các làng biển khác từ chân đèo Cù Mông đến Vũng Rô không khí tết cũng đã tràn về. Tại làng biển Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu), đã thành nền nếp, cứ đến Tết ông Công, ông Táo là Đồn Biên phòng Xuân Thịnh tổ chức gói bánh chưng, một phần để cán bộ chiến sĩ trong đơn vị ăn tết, phần lớn dành tặng những hộ nghèo. Theo trung tá Lê Hữu Thao, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Thịnh, so với trước kia, đời sống của người dân các làng biển ở Sông Cầu đã khấm khá hơn rất nhiều, nhờ phong trào nuôi trồng, khai thác thủy sản phát triển mạnh. Tuy nhiên, không ít hộ do bệnh tật, rủi ro, mất sức lao động… nên gặp nhiều khó khăn. “Năm nào cũng vậy, đơn vị đều tổ chức cho cán bộ chiến sĩ tất niên sớm để còn tập trung vào công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển đảo, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Từ nguồn quỹ tăng gia sản xuất, đơn vị tổ chức nấu bánh chưng tặng bà con nghèo ở các làng biển. Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng gửi gắm yêu thương, giúp những hộ nghèo đón tết đầm ấm, vui tươi”, trung tá Lê Hữu Thao chia sẻ.
Theo chị Lê Thị Chuyên, một người dân ở Vịnh Hòa, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Thịnh là chỗ dựa vững chắc của người dân vùng biển. Các anh vừa chăm lo, san sẻ, hỗ trợ bà con thoát nghèo, xây dựng cuộc sống no ấm; vừa tuyên truyền, vận động mọi người tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhằm giúp các hộ nghèo ở khu vực biên giới biển của tỉnh vui xuân, đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu đầm ấm, vui tươi, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã vận động và phối hợp với Chi hội từ thiện Trái Tim Vàng (TP Hồ Chí Minh) và Công ty Trường Thành tổ chức chương trình “Xuân san sẻ yêu thương”, tặng 620 suất quà tết, mỗi suất trị giá từ 250.000 - 300.000 đồng, cho các hộ nghèo và gia đình chính sách; tặng 5.000 cuốn vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở 27 xã, phường, thị trấn ven biển của tỉnh. Đoàn Thanh niên BĐBP phối hợp với Đoàn Thanh niên Quân sự, Công an tỉnh tổ chức gói và nấu hàng trăm cặp bánh chưng tặng người nghèo đón tết. Các Đồn Biên phòng, Hải đội cũng trích từ quỹ tăng gia sản xuất và tiết kiệm của đơn vị chúc tết, tặng quà các gia đình thương binh liệt sĩ, đối tượng chính sách, hộ nghèo trên địa bàn đơn vị đóng quân.
Trung tá Trương Thiên An, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh |
LẠC HỒNG