Mới đây, hay tin ông Huỳnh Văn Hội (45 tuổi, ở khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) cùng con trai và 2 bạn nghề vừa thoát nạn sau vụ chìm tàu ở cửa biển Đà Diễn, nhiều người dân trong khu phố đã đến thăm, chia sẻ.
Theo bà Võ Đặng Kiều Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Phú Đông, khoảng 23 giờ hàng ngày, ông Hội cùng con trai và hai người bạn nữa lại lên chiếc vỏ lườn ngược sóng ra khơi hành nghề đánh bắt. Phương tiện có công suất 30CV nên chỉ hoạt động cách bờ vài hải lý và đến trưa hôm sau thì quay vào bến bán cá, chia tiền. Những ngư dân này đánh bắt gần bờ nên bữa được bữa mất, có khi lỗ tổn. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên họ vẫn bám biển.
2 giờ vật lộn với tử thần
Trong ngôi nhà nhỏ ấm áp tình người, ông Hội xúc động kể: “Tôi bỏ học, trốn lên tàu theo cha ra khơi đánh bắt cá từ năm 13 tuổi. 16 tuổi đã vào Vũng Tàu, Cà Mau… rồi ra Hải Phòng, gắn với nghề biển giã. Từ câu mực, đến câu cá nhám ở biển gần, biển xa, tôi đều đã trải qua. Tôi cũng không ít lần gặp bão, áp thấp nhiệt đới khi hành nghề trên biển nhưng chưa lần nào thoát chết trong gang tấc ngay tại cửa biển quê nhà như vừa rồi”.
Chuyến biển ngày 29 và 30/10, trên đường hành nghề trở về bến Đông Tác, khi vào cửa Đà Diễn, chiếc vỏ lườn của ông Hội do chính ông cầm lái không may bị sóng đánh chìm. “Cửa biển vừa cạn vừa hẹp, tôi cố cho tàu ngược sóng tiến vào. Nhưng bất ngờ sóng nghịch bổ ngang khiến tàu bị chìm. Trên tàu lúc ấy có tôi, thằng con trai lớn năm nay 27 tuổi và hai người nữa là em cột chèo với tôi và một thanh niên cùng khu phố”, ông Hội nhớ lại. Với kinh nghiệm của một người đã có thâm niên trong nghề, ông Hội bình tĩnh gọi điện báo tin cho Đồn Biên phòng Tuy Hòa và hướng dẫn những người trên tàu dùng các can nhựa, tấm ván để làm phao và lập tức bơi ngược ra khơi, cách xa con tàu bị chìm, chờ người đến cứu hộ.
“Phải lập tức rời tàu bị nạn vì nếu chậm trễ thì nó sẽ trở thành bức tường, sóng đánh vào đó sẽ mất mạng ngay lập tức. Mặt khác, khi tàu chìm, lưới sẽ bung ra quấn lấy người, không thể bơi được. Chúng tôi phải nương vào nhau, cố sức bơi ra xa để giảm bớt sóng to, nhưng khi sóng bổ vào là lập tức quay ngược lại để tránh sóng bổ trực tiếp vào đầu. Sau gần 2 tiếng đồng hồ vật lộn với tử thần, chúng tôi may mắn được các bạn nghề đến cứu vớt. Nếu tàu của anh Long và anh Huy đến chậm vài phút nữa là… coi như xong”, ông Hội cho hay.
Tình người cao hơn sóng biển
Các anh Nguyễn Văn Long, Trình Xuân Huy - hai thuyền trưởng trực tiếp cứu vớt 4 ngư dân bị nạn cũng có mặt tại nhà ông Hội vào sáng 1/11. “Nhận được tin báo của Đồn Biên phòng Tuy Hòa, tôi và anh Huy tức tốc cho tàu chạy vào bờ, nơi xảy ra sự cố. Khi còn cách cửa Đà Diễn chừng 1 hải lý, chúng tôi phát hiện các nạn nhân đang đu bám vào những chiếc can nhựa và những tấm ván mỏng manh trong tình trạng gần như kiệt sức, trong khi sóng dữ liên tục bổ vào người họ”, anh Long nhớ lại. Nhận thấy tình thế vô cùng cấp bách, anh Long và anh Huy khéo léo cho tàu nhanh chóng tiếp cận các nạn nhân, cứu vớt đưa họ lên tàu. “Cứu người là trách nhiệm phải làm rồi. Anh em bạn nghề biển giã thì phải cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong hoạn nạn. Mặc dù lúc ấy bụng ai cũng đói vì từ sáng đến trưa chưa ăn gì, sóng biển thì liên tục bổ nghịch, phương tiện của chúng tôi cũng rất có thể bị sóng đánh chìm, nhưng trong tình huống đó, không chỉ tôi hay anh Long mà người khác cũng sẽ quyết định ưu tiên cứu người bị nạn trước. Chuyến đi vừa qua, chúng tôi đều bị lỗ tổn nhưng không sao. Tình người là trên hết. Làm ăn còn lâu dài, quan trọng là mình đã làm đúng theo những gì lương tâm mách bảo. Bây giờ anh em gặp nhau khỏe mạnh là chúng tôi vui rồi”, anh Huy bày tỏ.
Cứu được người bị nạn, nhưng do cửa biển Đà Diễn bị cát bồi lấp không thể vào bến, anh Long và anh Huy quyết định cho tàu chạy ngược vào hướng nam cập bến Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) để đưa các nạn nhân vào bờ an toàn. Tham gia lai dắt phương tiện và các ngư dân bị nạn đợt này còn có tàu cá của ông Phạm Văn Về, cũng là ngư dân khu phố 6, phường Phú Đông.
“Tàu vừa cập bờ đã có rất đông người chờ đón. Rồi chúng tôi được quân y BĐBP chăm sóc sức khỏe, được lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP trực tiếp thăm hỏi, động viên và hỗ trợ tiền. Những việc này làm chúng tôi vô cùng cảm động và có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn, tiếp tục bám biển”, ông Hội bộc bạch.
Vụ vỏ lườn của ông Hội bị sóng đánh chìm vào trưa 31/10, thời điểm đó, cửa biển Đà Diễn bị cạn do cát bồi lấp, tàu cứu hộ của Hải đội 2 BĐBP không thể tiếp cận. Nếu không có những ngư dân can trường, quả cảm, sẵn sàng cứu người trong hoạn nạn như anh Long, anh Huy thì hậu quả thật khó lường. Chúng tôi đánh giá cao và biểu dương tinh thần tương thân tương ái của các ngư dân khi hoạt động đánh bắt trên biển, nhất là khi hoạn nạn.
Đại tá Phương Văn Liễu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh |
XUÂN HIẾU