Sau hơn 6 năm thực hiện Tiêu chí công tác hậu cần - tài chính (HC-TC) do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đề ra, đến nay, các mặt công tác hậu cần của các đồn biên phòng trong tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên.
BƯỚC ĐỘT PHÁ
Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 6 đồn biên phòng. Đây là cấp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Do yêu cầu nhiệm vụ nên hầu hết các đồn đều đóng quân ở những địa bàn trọng yếu, còn nhiều khó khăn. Trước năm 2010, mặc dù được lãnh đạo, chỉ huy các cấp, ngành, địa phương hết sức quan tâm, song kết quả thực hiện các mặt công tác hậu cần ở các đồn biên phòng còn nhiều hạn chế. Cụ thể là cơ sở vật chất trang bị không đồng bộ; doanh trại được xây dựng qua nhiều năm nên không có sự thống nhất, không được quy hoạch bài bản. Mặt khác, vì diện tích đất hẹp, bốn bề chỉ toàn là cát trắng, nguồn nước ngọt hạn chế, lại thường xuyên bị tác động của gió biển nên ảnh hưởng rất lớn tới việc triển khai và kết quả của hoạt động tăng gia sản xuất. Nguyên nhân là do chưa có tiêu chí thống nhất về công tác HC-TC. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân viên hậu cần còn thiếu so với biên chế, trình độ chuyên môn không đồng đều.
Để nâng cao chất lượng công tác HC-TC ở các đồn biên phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Cục Hậu cần đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP ban hành Tiêu chí công tác HC-TC ở đồn biên phòng, gồm 4 nội dung: xây dựng chính quy, công tác hậu cần, công tác tài chính và xây dựng ngành. Theo đại tá Phương Văn Liễu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đây là một trong những đột phá của ngành Hậu cần BĐBP thời gian qua. Căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, Bộ Chỉ huy đã thành lập Ban chỉ đạo; Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP tỉnh ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện bộ tiêu chí. Bộ Chỉ huy cũng đã đầu tư hàng trăm triệu đồng làm mới 64 bảng biển, 18 khẩu hiệu, 36 tranh treo nhà ăn, nhà bếp; đóng mới 120 giường, 36 tủ và nhiều loại doanh cụ khác theo mẫu thống nhất trang bị cho các đồn.
CHUYỂN BIẾN ĐỒNG BỘ
Qua thực hiện bộ tiêu chí trên, công tác HC-TC ở các đồn biên phòng đã có sự chuyển biến tích cực, đồng bộ. Đơn cử như Đồn Biên phòng Tuy Hòa, được sự đầu tư đồng bộ của cấp trên và đơn vị huy động công sức của bộ đội, qua hơn 5 năm thực hiện bộ tiêu chí đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên các mặt công tác, góp phần vào việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Cơ sở vật chất, doanh trại, doanh cụ, hệ thống điện nước, sân đường nội bộ, kho tàng được đầu tư tương đối toàn diện. Khu vực nhà làm việc, nhà ở, nhà ăn, nhà bếp và khu tắm giặt, bể nước, giếng nước thường xuyên bảo đảm vệ sinh sạch sẽ. Trang thiết bị, dụng cụ cấp dưỡng bằng inox đảm bảo chính quy, đồng bộ, thống nhất về kiểu dáng, chất liệu. Là một trong những đồn biên phòng có diện tích hẹp nhất, tuy nhiên đơn vị đã rất khéo trong việc “quy hoạch”, bố trí hợp lý các khu vực chuồng trại chăn nuôi, tăng gia sản xuất, vườn cây cảnh, vườn thuốc nam, hòn non bộ... đảm bảo doanh trại có mật độ, cơ cấu cây xanh hợp lý, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. “5 năm qua, đơn vị đã trồng hơn 500 cây xanh, cây ăn quả các loại và hầu hết đều phát triển tốt nhờ được chăm sóc cẩn thận. Đàn heo rừng lai luôn duy trì trên dưới 20 con; đàn gà, vịt khoảng 150 con; vườn rau 320m2... Có được kết quả này là nhờ sự quan tâm đầu tư của cấp trên, sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương. Đặc biệt, đồn đã huy động nhiều công sức của bộ đội và vốn tự có của đơn vị vào việc cải tạo, củng cố, xây dựng doanh trại”, trung tá Phạm Văn Lộc, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tuy Hòa, cho biết.
Điểm nổi bật trong công tác hậu cần của BĐBP tỉnh thời gian qua là hoạt động tăng gia sản xuất có sự phát triển mạnh mẽ, đồng đều ở tất cả các đồn biên phòng mặc dù điều kiện thời tiết, gió cát khắc nghiệt. Hiện nay, các đồn đều đã tự túc được rau xanh và một phần thực phẩm. 100% đồn thường xuyên tổ chức bếp ăn tập thể, lên thực đơn hàng tuần, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đưa vào suất ăn thêm bình quân từ 1.000-1.200 đồng/người/ngày. Cùng với việc duy trì tỉ lệ quân số khỏe của bộ đội hàng năm đạt bình quân trên 98,7%, quân y các đồn biên phòng còn chủ động phối hợp với y tế địa phương nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn và có phương án phòng chống dịch bệnh kịp thời. Mỗi đồn biên phòng đều có phòng khám bệnh phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho bộ đội và người dân địa phương.
“Cùng với công tác hậu cần, công tác tài chính đã đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng. Các đơn vị mở đầy đủ các loại sổ sách theo dõi, thống kê, ghi chép, phản ánh các hoạt động xuất - nhập vật tư, tài chính, tài sản hàng ngày; tiếp nhận, cấp phát, thanh quyết toán, bảo đảm kịp thời, đầy đủ các tiêu chuẩn, chế độ và các nguồn kinh phí cho cán bộ, chiến sĩ… không để xảy ra tham ô, lãng phí, thâm hụt, thất thoát tài chính, tài sản của đơn vị”, đại tá Phương Văn Liễu cho biết.
LẠC HỒNG