Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, trong 3 ngày từ 19-22/3 tại Brussels (Bỉ) đã diễn ra Diễn đàn Brussels 2015 và an ninh toàn cầu.
Tham dự diễn đàn gồm 100 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu, chính trị gia, trong đó các diễn giả chính có Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Ba Lan, Estonia; Bộ trưởng Quốc phòng các nước Latvia, Na Uy, Đức; cố vấn an ninh của chính phủ Anh; cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Brezinski; một số thượng và hạ nghị sĩ cùng một số quan chức Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ. Đại diện duy nhất của Đông Nam Á là ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Diễn đàn lần này tập trung chủ yếu vào cuộc khủng hoảng Ukraine và mối lo ngại của châu Âu từ chính sách cứng rắn và quyết đoán của Nga; mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố trong lòng châu Âu và sự trỗi dậy chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan xung quanh các đường biên giới châu Âu và vành đai an ninh Âu-Mỹ; sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc tại châu Á, trong đó có vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á; các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động đến an ninh toàn cầu như thương mại, tỉ giá đồng USD với các đồng tiền khác, sự chuyển dịch đầu tư, giá dầu giảm, an ninh mạng.
Tại phiên thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ Nga-phương Tây, nhiều đại biểu lo ngại về các căng thẳng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Chủ tịch Hội đồng đối ngoại Nga Konstantin Kosachev phản đối phương Tây vi phạm các thỏa thuận về việc NATO đã không thực hiện cam kết giữ nguyên trạng, mà liên tục mở rộng sát biên giới Nga. Trong khi đó, một số đại biểu phương Tây lại cho rằng Nga đang sử dụng vũ lực vi phạm luật pháp quốc tế, thay đổi đường biên giới châu Âu hình thành từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Tại phiên thảo luận “Sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ở châu Á là điều bình thường mới không,” nhiều đại biểu đã lo ngại về quyết đoán trong chính sách của Trung Quốc có chủ ý nhằm thay đổi nguyên trạng và trật tự khu vực, trong đó có hành động san lấp đảo ở Biển Đông. Về vấn đề này, đại biểu Trung Quốc đề nghị các đại biểu vào trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tìm câu trả lời chính thức.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bỉ, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh các vấn đề bàn thảo ở diễn đàn có tác động rất lớn đối với các nhà hoạch định chính sách ở các trung tâm lớn trên thế giới, giúp họ những gợi mở để xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu gắn bó về an ninh, chính trị, thương mại, trong đó có vấn đề biển Đông. Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách thấy rằng cần phải xử lý vấn đề đúng đắn.
Sự có mặt của đại diện Việt Nam tại diễn đàn này cho thấy các vấn đề an ninh của khu vực Đông Nam Á, trong đó có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, thực sự là vấn đề an ninh toàn cầu và ngày càng thu hút sự quan tâm của các trung tâm và giới hoạch định chính sách an ninh trên thế giới.
Ngoài ra, đó là sự nhìn nhận của Diễn đàn Brussels về vai trò của Việt Nam và đóng góp tích cực của giới học giả Việt Nam vào các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu.
Ra đời cách đây 10 năm, Diễn đàn Brussels ban đầu chỉ là một diễn đàn đối thoại nhỏ bàn về quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu và các vấn đề an ninh của châu Âu. Tuy nhiên, sau nhiều biến động lớn trên thế giới xảy ra trong những năm gần đây, sự quan tâm đối với diễn đàn ngày càng tăng lên và thu hút được nhiều nhân vật quan trọng đến phát biểu và trao đổi.
Theo TTXVN/Vietnam+