Thứ Tư, 22/01/2025 14:07 CH
Ghi ở làng cá cơm An Hải
Thứ Bảy, 11/10/2014 12:02 CH

Rửa cá cho sạch - Ảnh: M.H.NAM

Tờ mờ sáng, khi chưa nhìn rõ mặt người, tại bãi biển xã An Hải (huyện Tuy An), nhiều phụ nữ tập trung chờ thuyền người thân chở cá cơm về bến.

 

Một cô tuổi trung niên để ngửa cái nón trên bãi cát trắng, tay kẹp lại mái tóc, nhanh miệng nói: Ba lũ nhỏ (chồng cô) tối qua đi biển quên mang theo bình trà, chắc giờ này thèm quay quắt rồi. Ông ấy có tật nghiện trà nên đi đâu cũng “dỡ” theo phích nước nóng và bộ bình chén. Thế nhưng, ông dặn đi chợ lựa trà rẻ tiền mua, để dành tiền mua sắm vật dụng nhà cửa”. Nghe xong, mọi người ai cũng cười…

 

“Nghề đánh bắt cá cơm săn đi xa bờ chừng 1 hải lý. Khuya, trong khi chờ thu lưới mấy người cùng đi chèo ghe sát lại uống chén nước trà cho ấm bụng. Cô ấy áy náy vì bổn phận làm vợ quên nhắc chồng đem bình trà nên nói vậy. Chứ bạn cùng nghề lúc người này quên thì có người khác mang theo cùng uống. Người miền biển mà, có chén canh con cá san sẻ cho nhau là chuyện thường”, một phụ nữ bên cạnh xởi lởi cho biết.

 

Mặt trời ló dạng, những chiếc thuyền nhỏ về bến. Những người phụ nữ ngồi “tám” lúc nãy bây giờ ra sát mé biển xắn tay áo phụ đẩy thuyền lên bờ rồi khiêng tấm lưới trải trên bãi biển gỡ cá. Cá chất đầy trong rổ, bưng ra biển nhúng nước, sốc, sàng cho cát rơi ra để lại giỏ cá cơm săn trắng ngần.

 

Tôi tò mò lại thuyền của chồng cô trung niên kể chuyện “quên bình trà” lúc nãy. Ông cười chỉ cái ấm sứt quai. Thay vì pha trà trong bình thì ông pha thẳng trong ấm, mỗi lần uống ngửa nắp ấm ra rót nước, nắp ấm thay thế cái ly. Cái ấm sứt quai, ông dùng dây thép buộc lại.

 

Xúc mớ cá vào rổ, ông cho biết trên thuyền trang bị đủ loại dụng cụ, không có bình chén thì dùng ấm, xoong nồi... miễn có trà uống là được. Ông kể, ở đây, bạn đi thuyền từ lớn đến nhỏ ai cũng vậy, trên đất liền thì nhà ai nấy ở còn ra biển như người một nhà “ở chung mà làm riêng” thôi, rồi lấy trong túi nilon ra chiếc radio bảo đây là vật đi biển không thể thiếu. Làm nghề đánh bắt cá cơm, chiều tối ra biển, sau khi thả lưới xong, các bạn nghề tập trung lại ngồi uống nước trà, thức để nghe đài. Bình trà có lúc quên nhưng chiếc radio lúc nào ông cũng kẹp nách bên người. Vì thế, tình hình biển Đông ông cùng bạn thuyền theo dõi qua sóng radio không sót một thông tin nào. “Nóng” nhất là những ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, còn giờ là chuyện Trung Quốc tăng cường mở rộng sân bay, xây dựng đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Không chỉ ông mà bạn thuyền nghe xong ai cũng phẫn uất, chỉ mong Đảng và Nhà nước có biện pháp đối phó thích hợp để ngư dân yên tâm đánh bắt trong vùng biển quê hương.

 

Hừng đông tại bãi biển An Hải, hàng trăm tàu thuyền đánh bắt cá cơm đổ về, nối dài hàng trăm mét. Mỗi con thuyền nhỏ này thường có 2 đến 3 người, sau khi thu cá chất vào giỏ thì xếp lại lưới, rổ rá. Tôi để ý trên bãi cát có một người đàn ông trên 30 tuổi một mình cặm cụi hốt mớ cá cho vào rổ, bưng ra rửa rồi lui cui rạt (thâu) lại tấm lưới. Hỏi thăm, anh cho hay, vợ có con nhỏ còn ẵm trên tay. Hôm nào con khỏe thì sáng vợ ra phụ chồng, sáng nay thằng nhỏ mọc răng ấm đầu nên phải ở nhà. Một lát sau, khi xong việc mình, mấy người phụ nữ lại đến phụ anh cân cá, dọn dẹp rổ rá cho gọn…

 

Cá cơm săn trắng ngần đựng trong giỏ chất san sát thẳng hàng trên bãi biển, nhà cá đến cân mua. Công việc thường lệ của những phụ nữ là trước khi đếm tiền rời bến, người này hỏi thăm người kia hôm nay bán được bao nhiêu giỏ? Người thì bảo mười giỏ! Người hoan hỉ nói mười lăm giỏ! Tính ra mỗi đêm đi biển thu nhập từ 200.000 đến 400.000 đồng. Duy nhất chỉ có người đàn ông đơn chiếc một mình không ai hỏi han nhưng anh tự động lên tiếng chuyến biển này cân đúng mười hai giỏ cá.

 

Trên đường về, tôi nhớ mãi cảnh nhộn nhịp ở bãi biển An Hải, biết người miền biển luôn yêu thương đùm bọc, sẻ chia nhau từ cái nhỏ nhất như ấm nước trà đến cái lớn hơn như bưng bê giùm rổ cá. Và quan trọng hơn, họ lặng lẽ mưu sinh nhưng lòng không quên chuyện bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek