TP Tuy Hòa hiện có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh với gần 300 chiếc, tập trung ở phường 6 và phường Phú Đông. Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuy Hòa luôn là chỗ dựa vững chắc của bà con ngư dân mỗi chuyến hải trình vươn khơi, bám biển.
TỔ TÀU THUYỀN AN TOÀN PHÁT HUY HIỆU QUẢ
Đến nay, Đồn Biên phòng (BP) Tuy Hòa đã vận động thành lập 25 tổ Tàu thuyền an toàn (TTAT) với gần 170 phương tiện đánh bắt xa bờ. Cùng với liên kết, hỗ trợ giúp nhau khi vươn khơi bám biển, ứng phó có hiệu quả với tàu thuyền nước ngoài xâm nhập trái phép vùng biển của Việt Nam, các tổ TTAT còn tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Điển hình, đầu năm 2013, các thành viên của tàu cá PY-92647TS của ông Trần Văn Lực (phường 6) trong khi câu cá ngừ ở vùng biển Trường Sa đã cứu 7 người nước ngoài đi trên tàu kéo WANTAS-6 của Malaysia bị cướp biển ném xuống bè thả trôi trên biển. Mặc dù chưa đánh bắt được nhiều nhưng ông Lực vẫn chấp nhận lỗ tổn để đưa những người nước ngoài này vào bờ. Trong năm này, các thành viên của tàu PY-90114TS của anh Lương Công Xuyên (phường Phú Đông) cũng phát hiện và cứu 4 người Philippines bị nạn trên biển đưa vào đất liền an toàn. Ông Romilo Francisco Mangaring, một trong những người bị nạn vô cùng xúc động, bày tỏ sự biết ơn đối với những ngư dân Phú Yên đã vì họ mà bỏ cả chuyến biển.
Trung tá Đặng Ngọc Hiệu, Chính trị viên Đồn BP Tuy Hòa, cho biết: Hầu hết các phương tiện tổ TTAT đều hoạt động hiệu quả, đời sống kinh tế của các chủ tàu và thuyền viên ổn định. Ngoài việc liên kết trong hoạt động đánh bắt, tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển, các tổ TTAT còn phát hiện, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình an ninh trật tự trên biển cho BĐBP, nhất là tình hình tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển, ngư trường của nước ta. Ngược lại, Đồn BP Tuy Hòa kịp thời thông báo về tình hình, diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão để bà con ngư dân tìm nơi trú, tránh an toàn.
VỮNG TIN RA KHƠI BÁM BIỂN
Đang vào thời điểm gối vụ nên phần lớn các tàu cá đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân TP Tuy Hòa neo đậu tại bến. Tranh thủ thời gian này, bà con “làm nước”, sửa chữa lại tàu, đồng thời sửa sang nhà cửa trước khi mùa mưa bão đến. Theo định kỳ, vào thời điểm này, Đồn BP Tuy Hòa tổ chức các buổi sinh hoạt giữa các tổ TTAT. Tại buổi sinh hoạt vào trung tuần tháng 8 vừa qua, anh Huỳnh Nơi, chủ phương tiện tàu cá PY-96479TS (400CV), tâm đắc: “Từ khi trở thành thành viên của tổ TTAT, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Tàu được gắn biển “Thuyền an toàn”, được cấp cờ Tổ quốc. Thông qua cán bộ chiến sĩ BĐBP, thành viên của tổ nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là về biển đảo và hoạt động của tàu thuyền trên biển. BĐBP là chỗ dựa tin cậy và vững chắc của bà con chúng tôi trên hải trình vươn khơi bám biển”. Cũng tại buổi sinh hoạt định kỳ này, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Thu Vân cho biết, từ các nguồn đóng góp, hỗ trợ LĐLĐ tỉnh sẽ hỗ trợ một phần thiệt hại cho số ngư dân bị mất phương tiện, ngư cụ khi hành nghề trên biển, người được hỗ trợ cao nhất là 100 triệu đồng, bà con vô cùng phấn khởi. Đặc biệt, khi nghe BĐBP thông tin về tình hình mới nhất trên biển Đông sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, ý chí, quyết tâm bám biển trong bà con được thể hiện mạnh mẽ. “Từ đầu năm đến nay, một số chuyến biển lỗ do bị “ép” giá. Tuy nhiên, được Chính phủ hỗ trợ xăng dầu (4 chuyến/năm) nên bà con cũng giảm một phần khó khăn. Sau thời gian “xả hơi”, “làm nước” cho tàu, chúng tôi sẽ vươn khơi bám biển ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Nghề biển đã ăn vào máu thịt, không đi thì nhớ không chịu được” - ông Bùi Văn Mẹo (phường 6), thuyền trưởng tàu cá PY-90216TS bày tỏ.
Để ngư dân yên tâm đánh bắt trong mùa biển động, Đồn BP Tuy Hòa quy định, mỗi ngày các tàu cần có 4 phiên liên lạc với đất liền thông qua Trạm Kiểm soát Biên phòng Đà Rằng. Riêng những ngày có áp thấp nhiệt đới, bão, các tàu mở máy liên lạc 24/24 giờ để cập nhật, nắm bắt tình hình, chủ động tìm nơi trú, tránh an toàn nhất. “Chưa vào mùa vụ mới, nhưng những ngày vừa qua đã có nhiều tàu hành nghề mành, lưới chuồn… vươn khơi bám biển. Còn lại phần lớn các chủ phương tiện đang chuẩn bị tổn và tìm bạn để tiếp tục cho chuyến đánh bắt mới”, trung tá Đặng Ngọc Hiệu cho biết.
LÊ VŨ