Thứ Năm, 23/01/2025 06:08 SA
Chủ quyền Hoàng Sa thời Pháp thuộc
Thứ Bảy, 14/06/2014 00:00 SA

Ngày 8/3/1925, Toàn quyền Đông Dương ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, thuộc lãnh thổ Pháp. 

 

Không phải tới thế kỷ 21 Trung Quốc mới sợ ra tòa giải quyết tranh chấp chủ quyền với các nước. Ngay từ đầu thế kỷ 20, nhà nước Pháp với tư cách “bảo hộ” của An Nam đã nhiều lần mời Trung Quốc ra tòa giải quyết, nhưng phản ứng của Trung Quốc giống như nhiều lần sau này, đều lẩn tránh và lu loa “không tranh cãi”! Không thể kiên nhẫn mãi, Pháp phải cử tàu chiến ra Hoàng Sa, Trung Quốc mới bỏ chạy dù vẫn ra rả “lãnh thổ của cha ông không tranh cãi...”.

 

Bia chủ quyền Việt Nam trên Hoàng Sa do Pháp xây dựng

 

TRUNG QUỐC BẮT ĐẦU “DÒM NGÓ” HOÀNG SA NĂM 1909

 

Năm 1884, sau một thời gian chống sự xâm lược của Pháp không thành, triều đình Huế buộc phải ký Hòa ước Patenôtre (còn gọi là Hòa ước Giáp Thân ngày 6/6/1884) chấp nhận quy chế bảo hộ của Pháp với Bắc kỳ và Trung kỳ.

 

Một năm sau, năm 1885, ngày 9/6/1885, Pháp ký với nhà Thanh (Trung Quốc) Hòa ước Thiên Tân. Trong đó, nhà Thanh công nhận quyền bảo hộ của Pháp tại Việt Nam và chấp nhận rút quân Thanh ở Bắc kỳ về nước, kết thúc cuộc chiến tranh Pháp - Thanh.

 

Với vai trò “nhà nước bảo hộ”, người Pháp đã nhanh chóng xúc tiến giải quyết rõ ràng các vấn đề trên bộ và trên biển. Ngày 26/6/1887, Pháp - Thanh đã ấn định xong biên giới trên bộ giữa Bắc kỳ và Trung Hoa. Trên biển không có vấn đề gì phức tạp vì “lãnh hải của Trung Hoa kéo dài đến đảo Hải Nam” không có tranh chấp gì với An Nam.

 

Năm 1899, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trình xin chính phủ Pháp xây dựng ngọn hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa, song thiếu kinh phí nên phải tạm hoãn. Năm 1907, Nhật Bản thừa thắng xông lên sau khi đánh bại hải quân Sa Hoàng (1905), đã chiếm đảo Pratas và cho các thương gia lên đảo xây dựng cơ sở. Năm 1907, Trung Quốc đấu tranh đòi lại được đảo Pratas và đặt tên là Đông Sa. Trung Quốc lúc này mới ý thức sự nguy hiểm thực sự nếu các quần đảo xung quanh bị đối thủ chiếm giữ sẽ bị bao vây, nên bắt đầu có những hành động xâm chiếm. Những hành động mở rộng xuống vùng Đông Nam Á của Nhật khiến Trung Quốc lo lắng và bắt đầu dòm ngó xuống biển Đông. Để “hợp pháp hóa” ý đồ chiếm đoạt, Trung Quốc đặt tên cho Hoàng Sa là Tây Sa, Trường Sa là Nam Sa.

 

Vào năm Tuyên Thống thứ nhất (1909), tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn cử một số chiến hạm của “nhà nước đại Thanh” đi thám sát Tây Sa do Ngô Kính Vinh đứng đầu. Sự kiện này khiến nhà nước bảo hộ Pháp chú ý. Ngày 4/5/1909, Lãnh sự Pháp Beauvais ở Quảng Châu đã gửi thư cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ ý đồ xâm lược của Trung Quốc. Thư có đoạn: “Như tôi đã trình bày với ông khi kết thúc bản báo cáo gần đây của tôi (số 86 ngày 1/5/1909) về vấn đề các đảo Đông Sa (Pratas), vấn đề này khiến chính phủ Trung Quốc chú ý đến các nhóm đảo khác dọc bờ biển của thiên triều và tới một mức độ nhất định có thể xem như một bộ phận của thiên triều, trong đó có quần đảo Paracels”. Bức thư này được viết trước khi chuyến khảo sát của chính quyền Quảng Châu tổ chức vào ngày 21/5/1909.

 

Tài liệu của người Pháp mang tên Monique, Chemillier Gendreau, Paris, L’Harmattan, 1966, trang 207 mô tả kết quả khảo sát của chính quyền Quảng Châu như sau: “Ở trên mỗi đảo Hoàng Sa đều có một ngôi miếu nhỏ xây kiểu nhà đá, tất cả tường mái là đá san hô và vỏ sò”. Trang 210 của tài liệu này còn ghi thêm: “Các ngư dân Việt Nam mang cả vợ con đến sống trên Hoàng Sa bị đối xử tàn tệ, vợ con bị bắt đến Hải Nam...”. Số phận nhiều ngư dân cùng vợ con họ ra sao thì không thấy tài liệu này nói rõ, song một số thông tin khác trên báo chí đương thời cho rằng họ đã bị chính quyền Quảng Châu thủ tiêu để không còn bằng chứng Hoàng Sa là của Việt Nam.

 

Như vậy, chính quyền bảo hộ Pháp và nhà nước Pháp ở chính quốc đã biết trước chuyến khảo sát và nắm rất rõ ý đồ lâu dài của Trung Quốc song không ra tay ngăn chặn ngay. Các tài liệu của Pháp lúc bấy giờ được công bố sau này cho thấy, Pháp lo việc ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa ngay có thể “làm hại” cho quyền lợi của Pháp ở Trung Hoa.

 

Báo cáo của lãnh sự Pháp tại Quảng Châu năm 1909 gửi Bộ Ngoại giao Pháp thể hiện rõ điều này khi đề nghị: “Nếu chúng ta có lợi ích trong việc ngăn chặn không cho chính phủ Trung Hoa nắm lấy nhóm các đảo đá ngầm này, chúng ta rất dễ dàng tìm ra lập luận chứng minh rõ ràng quyền của chúng ta và những bằng chứng không thể bác bỏ về quyền ấy. Nhưng nếu việc đó không đáng làm sau khi đã suy nghĩ chín chắn, có lẽ nên nhắm mắt làm ngơ...” (Cf. Monique Chemillier - Gendreau, La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys”, L’Harmattan, 1996, trang 211-212).

 

Mặt khác, nhà nước thuộc địa chủ quan cho rằng, các cuộc khảo sát ở Hoàng Sa của chính quyền Quảng Châu không đại diện cho nhà nước Trung Hoa nên không có giá trị pháp lý và không được ai thừa nhận. Hơn nữa, dù tổng đốc Trương Nhân Tuấn có tấu trình lên triều đình nhà Thanh song chính quyền Trung ương Trung Hoa vẫn không có gì mặn mà và chưa có hoạt động gì cụ thể.

 

PHÁP “GIẬT MÌNH”

 

Ngày 30/1/1921 chính quyền quân sự miền Nam Trung Quốc sát nhập hành chính quần đảo Paracels (Hoàng Sa) vào huyện Châu Nhai, đảo Hải Nam, nhà nước bảo hộ Pháp đã giật mình và vội vàng ra tay.

 

Báo chí ở Đông Dương, chính quốc và ở phương Tây ồ ạt lên tiếng lên án hành vi xâm lược của chính quyền quân sự Nam Trung Hoa, đồng thời lên án nhà nước bảo hộ Pháp chậm trễ giải quyết để Trung Hoa “tưởng bở” lấn tới.

 

Ngày 3/3/1925, quan Thượng thư Bộ Binh Thân Trọng Huề gửi thư khẳng định: “Các đảo nhỏ đó (quần đảo Hoàng Sa) bao giờ cũng là sở hữu của nước An Nam không có sự tranh cãi trong vấn đề này”.

 

Ngày 22/1/1925, Khâm sứ Trung kỳ Le Fol gửi thư cho toàn quyền Đông Dương báo cáo về kết quả nghiên cứu sâu quá trình xác lập chủ quyền của “vương quốc An Nam” tại Hoàng Sa và kết quả thám sát Hoàng Sa của Giám đốc Viện Hải dương học và Nghề cá Nha Trang(L’institut Océanographique de Nha Trang). Thư khẳng định: “Hoàng Sa vốn đã thuộc chủ quyền của An Nam, không cần một hành động chiếm hữu chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa nữa”. Và ngay sau đó, tháng 7/1925 theo lệnh nhà nước bảo hộ, Sở Địa chất và Sinh học đại dương cử đoàn tiếp tục khảo sát quần đảo Spratly (Trường Sa).

 

Ngày 8/3/1925, Toàn quyền Đông Dương ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, thuộc lãnh thổ Pháp. Những hành động như trên của nhà nước bảo hộ Pháp vẫn chưa khiến dư luận an tâm. Năm 1929, các báo Pháp tại Đông Dương tỏ ra sốt ruột, tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Liên tiếp từ số báo 606 (27/11/1929) đến số báo 623 (26/5/1929), Báo L’Eveil E1conomique de I’Indochine tại Hà Nội đã đăng loạt bài về chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đồng thời trách cứ nặng nề chính quyền Pháp đã “quá lơ là” bảo vệ chủ quyền trên 2 quần đảo, đồng thời yêu cầu phải có hành động cụ thể.

 

Chính quyền Pháp thực sự lúc bấy giờ đã nhận thấy tầm quan trọng của Hoàng Sa và Trường Sa, cộng với áp lực của dư luận và nhân dân Việt Nam nên đã có hành động mạnh mẽ.

 

Ngày 13/4/1930, Thông báo hạm La Malicieuse lên đường ra Hoàng Sa và kéo quốc kỳ Pháp. Ngày 23/9/1930, Pháp thông báo chính thức cho các cường quốc và nhiều nước trên thế giới về chủ quyền của Việt Nam thuộc Pháp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa....

 

(VNN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek