25 năm tuổi quân, thiếu tá Phạm Văn Cười, nhân viên trinh sát Đồn Biên phòng Xuân Thịnh đã có hơn 20 năm làm nhiệm vụ tại các địa bàn xa xôi, heo hút nhất của tuyến biển Phú Yên.
Với nụ cười hiền, cách nói năng mộc mạc, từ tốn, câu chuyện cứu đồng đội bị rắn độc cắn của thiếu tá Phạm Văn Cười đã cuốn hút chúng tôi. “Lúc ấy, tôi chợt nhớ lời ai đó nói rằng, trong tình thế cấp bách, để cứu người bị rắn cắn, người cứu kề miệng vào vết cắn, hút mạnh, nọc rắn sẽ ra. Vậy là tôi rạp ngay người xuống, áp sát miệng vào cẳng chân của anh ấy và hút mạnh... Không gì hạnh phúc bằng khi thấy đồng đội mình đã qua cơn nguy hiểm”. Đó là câu chuyện xảy ra trong một đêm đi tuần tra của những người lính ở Trạm Biên phòng Vũng La hơn 10 năm về trước.
Cũng như tất cả các xóm, vũng bao quanh vùng vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu), bán đảo Vũng La là địa bàn xa xôi, cách trở và rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thắm, Tổ trưởng Tàu thuyền an toàn Vũng La cho biết, ngày đó, Vũng La có hơn 100 hộ dân sinh sống nhưng không có một cơ sở y tế nào. Cứ 5 ngày mới có một chuyến đò đưa người từ Vũng La vào bến cá Dân Phước và ngược lại. Đường tuần tra của anh em bộ đội biên phòng có những chặng đèo dốc chênh vênh, đá núi lởm chởm, nhiều đoạn cây rừng rậm kín. Trong đêm tối, người lính biên phòng phải dò dẫm từng bước. “Với sự cố rắn cắn như vậy, nếu không biết xử trí sớm, khó bảo toàn sinh mạng”, ông Thắm nói.
Người dân vẫn nhớ, trong cơn bão số 11 năm 2009, Vũng La bị sóng biển lớn kết hợp với triều cường dâng cao khiến những dãy nhà sát mép biển đều bị ngập nước. Cá biệt, có nhà nước biển dâng cao hơn nửa tường. Trong lúc đưa bà con lên núi trú tránh, khi quay về, thiếu tá Cười phát hiện, trong vô số đồ đạc, vật dụng dập dờ trên biển từ xa có người bị nước cuốn trôi.
Thiếu tá Phạm Văn Cười quyết định phải lập tức ra biển để cứu vớt người bị nạn. Theo đề nghị của anh, chưa đầy 15 phút, ngư dân Nguyễn Văn Tâm đã dùng thuyền đánh cá của mình đưa thiếu tá Cười và hai ngư dân bơi lội giỏi ra khu vực người bị nạn. Đó là một người đàn ông mặc chiếc áo phao đã bị tróc hết lớp vỏ áo màu da cam, đang nằm bất động trên mặt biển. Đôi mắt người bị nạn nhắm nghiền, gương mặt và đôi môi trắng nhợt, đôi chỗ thâm tím.
Khi thuyền tiếp cận người bị nạn, lập tức, thiếu tá Cười cùng hai ngư dân nhảy xuống biển vật lộn với sóng gió, nhanh chóng đưa người bị nạn lên thuyền. Trong lúc ông Tâm nổ máy quay vào bờ, thiếu tá Phạm Văn Cười hướng dẫn cho hai ngư dân xốc nước người bị nạn, anh trực tiếp làm động tác hô hấp nhân tạo. Sau hơn 1 giờ được cấp cứu, nạn nhân bắt đầu có phản xạ, cử động được tay chân và bắt đầu nhận biết được mọi người xung quanh. Nạn nhân là Đặng Văn Đông, làm nghề biển ở An Ninh Đông (Tuy An). Anh Đông cho biết, lúc bão đổ bộ vào, trong khi anh đang cố sức chằng neo, bất ngờ bị sóng đánh đứt neo trôi ra biển. Thuyền bị lật và chìm, anh bị rơi xuống biển rồi trôi dạt, qua một ngày đêm thì được cứu...
Thiếu tá Phạm Văn Cười tâm sự: “Ở những địa bàn xa xôi heo hút, chỉ có mình là cán bộ duy nhất. Vậy nên, từ chuyện ốm đau, bất trắc đến những nỗi băn khoăn, lo lắng về chính sách hay bất kỳ vướng mắc gì trong cuộc sống, trong sinh hoạt của dân, mình là chỗ dựa để bà con cậy nhờ, tư vấn, trấn an. Vậy là phải “giỏi một việc nhưng biết nhiều việc”, có thể làm được mọi chuyện, từ thầy thuốc, thầy giáo đến “chuyên viên” tư vấn tâm lý, pháp lý, kể cả quản lý môi trường... Làm người cán bộ địa bàn tâm huyết, tự mình sẽ thấy nhiều trọng trách”.
Trung tá Phan Thành Dinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Thịnh cho biết: “Những năm qua, phong trào “quần chúng bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự thôn xóm ven biển” ở địa bàn do thiếu tá Cười quản lý ngày càng lớn mạnh, phát triển. Ngư dân trong các tổ Tàu thuyền an toàn luôn tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng giữ vững an ninh trật tự và chủ quyền vùng biển”.
HOÀNG PHƯƠNG