Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang được dư luận hết sức quan tâm. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam (VAVA) nhấn mạnh, trước hết phải khẳng định vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đặt cách đảo Lý Sơn 122 hải lý nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí này thuộc phạm vi quản lý của chính quyền huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng.
TRUNG QUỐC THỰC HIỆN Ý ĐỒ “ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG”
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh, Việt Nam có đủ bằng chứng để chứng minh vùng biển đó thuộc chủ quyền của mình. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, đưa các tàu thuyền, máy bay hộ tống, trong đó có cả tàu vũ trang, quân sự là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC); đồng thời vi phạm các thỏa thuận có liên quan giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng vi phạm những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước là giải quyết các vấn đề trên biển Đông bằng đàm phán hòa bình.
“Trung Quốc không thực hiện đúng những cam kết đã ký, đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc gây hấn với Việt Nam mà là một việc làm có chủ đích, một âm mưu được tính toán rất kỹ. Nhưng lần này, họ lợi dụng thời cơ có những biến động trên thế giới và ở khu vực để đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này nằm trong ý đồ “độc chiếm biển Đông” của Trung Quốc. Việc làm này của Trung Quốc đe dọa đến hòa bình, ổn định trên biển và gây ra sự bất ổn trong khu vực”, thượng tướng Nguyễn Văn Rinh phân tích.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, việc Trung Quốc đặt giàn khoan là sai trái, nhưng việc dùng lực lượng tàu, thuyền máy bay khá đông là mang tính chất gây hấn, đe dọa các lực lượng chấp pháp Việt Nam. Đây là hành động không phù hợp với những quy định đã ký trong Công ước về Luật Biển năm 1982 và mong muốn của thế giới là giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Phía Việt Nam chỉ có các lực lượng bảo vệ pháp luật trên biển và hoạt động này là nhiệm vụ thường xuyên của phía Việt Nam. Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc, việc phòng vệ là phản ứng chính đáng của phía Việt Nam.
CHÚNG TA CÓ ĐỦ SỨC MẠNH VÀ BIỆN PHÁP ĐỂ ĐỐI PHÓ
“Nếu Trung Quốc tiếp tục gây hấn và không dừng lại hành động sai trái của mình, chúng ta có đủ sức mạnh và biện pháp để đối phó, quyết tâm bảo vệ vùng biển, vùng trời và thềm lục địa của chúng ta”- Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nói.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh, để đối phó với Trung Quốc, cần phải huy động sức mạnh tổng hợp, cả về kinh tế, ngoại giao, quốc phòng. “Việt Nam có đủ khả năng để huy động sức mạnh tổng hợp, trong đó sức mạnh lớn nhất là sự đồng lòng của hơn 90 triệu người dân trong và ngoài nước. Đoàn kết là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ hàng ngàn đời nay. Mỗi khi đất nước lâm nguy, sự đoàn kết ấy lại càng lên cao, mọi người sẵn sàng hy sinh xả thân vì sự trường tồn của đất nước. Cùng với đó, Việt Nam nhận được sự ủng hộ đồng tình của bạn bè thế giới, của ASEAN vì chính nghĩa thuộc về chúng ta. Chúng ta còn là thành viên của Liên Hợp Quốc và có thể đưa việc làm sai trái của Trung Quốc ra Liên Hợp Quốc kiện lên Tòa án quốc tế”.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng cho rằng, trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, việc các Bộ trưởng ASEAN lần đầu tiên nhất trí ra Tuyên bố về tình hình biển Đông kể từ năm 1995 cho thấy, các nước ASEAN rất quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt, trong bản Tuyên bố các ngoại trưởng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tại khu vực; đồng thời yêu cầu các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đây cũng thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của khối ASEAN về vấn đề biển Đông.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết là nạn nhân của cuộc chiến tranh trước đây, nạn nhân chất độc da cam không muốn có thêm nạn nhân chiến tranh khác. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc, kêu gọi Trung Quốc hãy rút ngay giàn khoan và tàu, thuyền ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hội cũng kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức hòa bình, các tổ chức phi chính phủ trên thế giới lên tiếng ngăn chặn việc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên biển, giữ vững hòa bình, ổn định trên biển Đông và không làm cản trở đến hàng hải quốc tế.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho rằng, để ngăn chặn hành động leo thang của Trung Quốc, trước hết chúng ta phải tuyên truyền để người dân trên thế giới, đặc biệt là người dân Trung Quốc hiểu được giá trị của hòa bình, hiểu rõ việc làm sai trái của Trung Quốc. Chúng ta cũng làm sao để bạn bè thế giới hiểu được việc làm chính nghĩa của Việt Nam, Việt Nam mong muốn giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường sức mạnh của các lực lượng bảo vệ luật pháp trên biển, tăng cường bảo vệ biển đảo và tăng cường các hoạt động bảo vệ Tổ quốc.
MINH HÒA (VOV)