Những chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang của Phú Yên nhập ngũ tháng 10/1975 vừa có buổi gặp mặt truyền thống tại TP Tuy Hòa. Hầu hết giờ đã lên “chức” ông, bà nội, ngoại nhưng khi được gặp nhau, họ như sống lại những ngày cùng trong quân ngũ, thắm tình đồng chí, đồng đội.
Các chiến sĩ CAVTND nhập ngũ tháng 10/1975 chụp ảnh cùng nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy ANVT Phú Yên Lê Đức Tân (người ngồi cầm gậy) tại buổi gặp mặt - Ảnh: X.HIẾU
Đây là lần gặp mặt truyền thống lần thứ 5 của khóa Công an nhân dân vũ trang Phú Yên nhập ngũ tháng 10/1975. Họ đến từ nhiều địa phương trong tỉnh và có người đến từ Khánh Hòa… Ngoài ra còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Cũng như những lần trước đó, mở đầu buổi gặp mặt lần này tất cả cùng hát vang những bài hát truyền thống của BĐBP và cùng nhau ôn lại những năm tháng đồng cam cộng khổ, nhưng sục sôi bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. “Sau khi tỉnh Phú Yên được giải phóng, ngày 26/4/1975, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang quyết định thành lập Ban Chỉ huy An ninh vũ trang (ANVT) Phú Yên (nay là BĐBP Phú Yên) do đồng chí Lê Đức Tân làm Chỉ huy trưởng và đồng chí Đặng Ngọc Liễu làm Chính ủy”, thượng tá Đào Nhật Lệ, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tuy Hòa - Trưởng ban tổ chức buổi gặp mặt cho biết. Quân số lực lượng ANVT của tỉnh thời điểm này là 205 đồng chí được biên chế cho 5 phòng, ban và 5 đồn (5, 10, 15, 20, 25) cùng 1 đại đội cơ động lần lượt đóng tại các xã Xuân Cảnh, Xuân Thịnh (Sông Cầu), An Ninh Đông, An Chấn (Tuy An), Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) và phường 2 (Tuy Hòa). Cùng với triển khai kế hoạch công tác nắm tình hình địa bàn, kết hợp linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ như: vận động quần chúng, trinh sát tuần tra vũ trang…, lực lượng ANVT tổ chức phân loại số đối tượng ngụy quân, ngụy quyền và các phần tử tham gia tổ chức phản động. Đồng thời phối hợp với các lực lượng xúc tiến công tác phản gián nhằm phát hiện, ngăn chặn địch xâm nhập bằng đường biển; chủ động phối hợp với lực lượng tại chỗ bắt giữ các vụ vượt biên trốn ra nước ngoài; tuyên truyền vận động nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính quyền cách mạng để nhân dân yên tâm sản xuất, xây dựng cuộc sống mới.
Để đáp ứng nhiệm vụ được giao, tháng 10/1975, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang cho phép Ban Chỉ huy ANVT Phú Yên tổ chức tuyển quân bổ sung vào lực lượng. Thông báo tuyển quân phát đi không lâu đã có gần 100 thanh niên (5 nữ) xung phong nhập ngũ, trong đó có những người tuổi mới 15. Đặc biệt có người vợ vừa mới sinh con đầu lòng cũng tình nguyện lên đường. Chị Nguyễn Thị Mai Hà (cán bộ Phòng Y tế TX Sông Cầu), 1 trong 5 nữ thanh niên xung phong nhập ngũ vào lực lượng ANVT đợt ấy và cũng là một trong những người nhỏ tuổi nhất cho biết: “Hồi ấy tôi vừa mới theo cha (đi tập kết) từ miền Bắc trở về quê, biết có đợt tuyển quân vào ANVT nên xung phong đăng ký dù mới chỉ 15 tuổi. Anh Nguyễn Trúc Thơm (nay là đại tá, Phó tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP) nhập ngũ đợt này cũng mới 15 tuổi. Những ngày đầu huấn luyện tuy có vất vả nhưng được chỉ huy và các anh trong đơn vị đỡ đần nên chị em chúng tôi đã vượt qua được. Vào ANVT làm nhiệm vụ trực đài rồi y tá được 4 năm thì tôi chuyển ngành, nhưng những năm tháng cùng ăn, cùng ở, cùng công tác với đồng chí đồng đội tôi không bao giờ quên”. Trung tá Phan Tấn Trịnh, phó ban tổ chức buổi gặp mặt, nhớ lại: đợt nhập ngũ tháng 10/1975 có tất cả 98 người, trong đó có 5 nữ. Chỉ huy của đơn vị, anh Nguyễn Mỹ (người Hà Nam) cho anh em đi chặt cây dương, cắt tranh về dựng trại tại chợ cá ở Mỹ Quang, An Chấn (Tuy An) và bắt đầu tổ chức huấn luyện. Tuy điều kiện doanh trại, thao trường tạm bợ nhưng chế độ ăn uống của tân binh được chú trọng. Thời điểm đó là 7 hào/người/ngày nên bữa ăn nào cũng có đầy đủ thịt, cá. Ngoài huấn luyện nghiệp vụ, hàng ngày anh em còn hành quân lên phía trên quốc lộ chặt củi mang về. Đối với các chiến sĩ nữ thì không phải làm việc này mà ở nhà phụ anh nuôi lo cơm nước cho toàn đơn vị…
“Khóa huấn luyện chỉ kéo dài hơn 3 tháng thì nhập tỉnh, chúng tôi được biên chế về 4 đại đội, 14 đồn đóng quân từ Xuân Cảnh (Sông Cầu) cho đến Ba Ngòi (Cam Ranh). Sau đó một số đi học sĩ quan biên phòng như Nguyễn Trúc Thơm, Đào Nhật Lệ, Phan Tấn Trịnh… hoặc phục viên, chuyển ngành. Tuy thời gian gắn bó ngắn ngủi nhưng đây là thời gian khó quên nhất đối với những người lính chúng tôi” - anh Nguyễn Văn Thân (quê Sông Cầu) đến từ TP Nha Trang chia sẻ. Còn theo thượng tá Đào Nhật Lệ: Nhờ có những cuộc gặp mặt như thế này mà anh em có dịp cùng nhau ôn lại truyền thống của BĐBP; đồng thời thông tin cho nhau về gia đình, bản thân, kịp thời động viên, chia sẻ, giúp đỡ nhau những khó khăn trong cuộc sống.
LẠC VIỆT