Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lực lượng vũ trang (LLVT) luôn là lực lượng nòng cốt trong phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn - giảm nhẹ thiên tai (PCLB-TKCN-GNTT). Báo Phú Yên phỏng vấn đại tá Nguyễn Văn Thành, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Phú Yên xung quanh công tác này.
Lực lượng vũ trang tỉnh luyện tập các phương án tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn khi có bão lũ xảy ra - Ảnh: X.HIẾU
* Thưa đại tá, những ngày vừa qua bão liên tiếp đổ bộ vào các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nặng về người và tài sản. LLVT Phú Yên đã chuẩn bị ứng phó, triển khai công tác PCLB-TKCN-GNTT như thế nào?
- PCLB-TKCN-GNTT là một việc làm thường xuyên của LLVT tỉnh. Ngay từ đầu năm Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về công tác này của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Ban Chỉ đạo PCLB-TKCN tỉnh và Bộ CHQS tỉnh đến từng cán bộ chiến sĩ thuộc quyền. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và cấp ủy, chỉ huy các cấp xác định đây là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của LLVT.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB-TKCN của tỉnh và chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo PCLB-TKCN ở địa phương mình.
Song song đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh cũng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo PCLB-TKCN của Bộ CHQS tỉnh; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức lực lượng tham gia các lớp tập huấn do Quân khu và Quỹ hỗ trợ phòng chống thiên tai miền Trung tổ chức. Thường xuyên luyện tập bơi cho cán bộ chiến sĩ trong LLVT, kể cả bộ đội thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên, nhất là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm - cứu hộ cứu nạn. Chủ động phương tiện, trang bị vật chất và thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, bảo đảm hệ số kỹ thuật an toàn, sẵn sàng cơ động thực hiện theo nhiệm vụ, yêu cầu đề ra. Chủ động khảo sát, nắm chắc tình hình từng địa bàn, từng khu vực trọng điểm, những nơi thường hay xảy ra sạt lở, triều cường, dễ bị chia cắt khi có mưa lũ, kịp thời bổ sung vào kế hoạch PCLB-TKCN-GNTT ở từng cấp, sát với tình hình thực tế, không để bị động, bất ngờ. Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực sẵn sàng chiến đấu và trực PCLB. Hiệp đồng với các đơn vị bộ đội chủ lực như: Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), Trung đoàn Không quân 910 (Trường Sĩ quan Không quân), Sư đoàn BB2 (Quân khu 5)… để sẵn sàng tăng cường lực lượng cho tỉnh khi có tình huống xảy ra.
Trong công tác huấn luyện, nhất là lực lượng dân quân tự vệ, gắn huấn luyện các khoa mục với huấn luyện PCLB-TKCN; luyện tập các tình huống có thể xảy ra trong bão lụt; phối hợp luyện tập tốt các phương án: sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm kiếm - cứu hộ cứu nạn, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân…
* Theo đại tá, nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt cần triển khai ngay trong thời điểm này là gì?
- Những tháng cuối năm, bão thường đi vào các tỉnh miền Trung, như bão số 10 trực tiếp ảnh hưởng đến các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Thanh Hóa; bão số 11 vừa đổ bộ vào Quảng Nam, Đà Nẵng… Vì thế, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh xác định, ngoài các công việc như đã nêu trên, việc làm đầu tiên là củng cố kiện toàn lực lượng làm công tác PCLB-TKCN-GNTT ở các cấp. Trong đó, đặc biệt chú trọng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, các đội cứu hộ cứu nạn ở cơ sở và công tác bảo đảm ở từng địa phương. Tổ chức công tác bảo đảm, bảo dưỡng, kiểm tra các phương tiện cứu hộ cứu nạn, kịp thời phát hiện hỏng hóc để sửa chữa ngay, bảo đảm hoạt động tốt khi có tình huống xảy ra. Duy trì trực sẵn sàng chiến đấu và trực PCLB tại cơ quan, đơn vị, khi có tình huống triển khai nhanh lực lượng đến hiện trường. Dự trữ đủ lương thực thực phẩm, xăng dầu để sẵn sàng làm nhiệm vụ trong thời gian dài. Bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống.
* Vậy làm thế nào để giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại khi có bão lũ xảy ra?
- Để giảm nhẹ thiệt hại do bão lũ, thiên tai, trước tiên phải làm tốt công tác phòng tránh, không được chủ quan, lơ là. Phải xác định rõ các khu vực trọng điểm, như những vùng thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt, lũ quét, triều cường… từ đó xây dựng phương án cụ thể sử dụng lực lượng, phương tiện hợp lý. Khi có tình huống xảy ra phải tích cực chủ động ứng cứu nhanh và có hiệu quả, không để bị động, bất ngờ. Thực tế và kinh nghiệm cũng cho thấy, nếu địa phương, đơn vị nào thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ thì sẽ hạn chế được tối đa thiệt hại.
* Xin cảm ơn đại tá!
LẠC HỒNG (thực hiện)