Phát huy vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và an ninh tuyến biên giới biển phụ trách, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuy Hòa (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Phú Yên) không ngừng nỗ lực xây nên những “cột mốc lòng dân” trên biển.
Đồn Biên phòng Tuy Hòa đối thoại với dân - Ảnh: P.OANH
TIẾP SỨC CHO NGƯ DÂN
Đồn Biên phòng Tuy Hòa là nơi “hội tụ” thường kỳ theo kế hoạch mỗi quý của gần 150 ngư dân là thành viên các tổ tàu thuyền an toàn (TTAT). Ngoài ra, hàng trăm ngư dân khác cũng thường trở về đây sau mỗi chuyến biển để gặp gỡ anh em biên phòng trao đổi thông tin và đăng ký chuyến biển. Tranh thủ những cuộc gặp mặt tập trung, Ban chỉ huy đồn tổ chức tuyên truyền và đối thoại với các chủ phương tiện. Thượng tá Trần Anh Đức, Chính trị viên đồn, cho biết tại các cuộc họp, đồn sẽ thông tin nhanh về tình hình biển Đông, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến biển đảo; công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ quyền biển đảo; ranh giới các vùng biển và khu vực các vùng biển đang tranh chấp.
Những cuộc thảo luận, đối thoại hết sức cởi mở giữa bà con ngư dân với cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng và các cấp chính quyền địa phương cũng diễn ra ngay trong các buổi họp. Từ đây, những tâm trạng, nỗi niềm, những khó khăn vướng mắc mà bà con ngư dân giãi bày sẽ được tháo gỡ hoặc tiếp tục đề đạt lên cơ quan chức năng giải quyết. Nói về những buổi họp tổ
TTAT, lão ngư Phan Thuẫn tâm đắc: “Ngày trước, ngư dân chúng tôi cứ thui thủi làm ăn, đâu có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ nhiều điều. Từ khi tham gia các buổi họp tổ TTAT, chúng tôi nghe anh em biên phòng phổ biến pháp luật, nói chuyện tình hình biển đảo nên có tầm hiểu biết rộng hơn. Điều này giúp chúng tôi tự tin hơn nhiều khi ra biển”.
Hơn ai hết, anh em trong đội TTAT của anh Nguyễn Văn Hùng ở khu phố 6, phường Phú Đông thấm thía giá trị của việc nắm bắt pháp luật về biển qua những buổi họp tổ TTAT. Anh Hùng kể: Trong chuyến đánh bắt hồi tháng 8/2009, phương tiện của 2 anh Lương Công Đông, Lương Công Đồng trong tổ TTAT số 1 của anh bị một số tàu nước ngoài rượt đuổi, giành ngư trường. Sau khi anh em trong tổ điện đàm về báo cáo với đồn và xác định được khu vực mình đang đánh bắt là ngư trường Việt Nam, 7 tàu trong nhóm tổ đã kiên quyết nằm đó thả câu chứ không rời vùng đánh bắt. Khi bị các tàu nước ngoài tranh cướp cá và ngư cụ, anh em đã liên kết lại, bám đuổi theo chiếc tàu này để đấu tranh đòi lại được một phần ngư cụ có giá trị hơn 50 triệu đồng.
QUYẾT VƯƠN KHƠI BÁM BIỂN
Mỗi ngư dân một hoàn cảnh, một tâm tư, song khi nghe bộ đội biên phòng nói về câu chuyện bảo vệ chủ quyền vùng biển của đất nước, quyết tâm trong họ được thể hiện hết sức mạnh mẽ. Thuyền trưởng Đặng Văn Hiệp, sau chuyến biển bị tàu quân sự nước ngoài bắt giữ, bị tịch thu hết tài sản và bị giam cầm suốt 6 tháng ở nơi đất khách quê người, anh gần như kiệt quệ, nợ nần lên đến 700 triệu đồng. Được sự động viên của anh em Trạm kiểm soát Đà Rằng thuộc đồn, anh Hiệp đã cùng với anh trai vay mượn, đóng mới chiếc tàu PY 96228 TS, công suất trên 90CV. Tháng 7/2011, tàu hạ thủy. Đặng Văn Hiệp cùng 10 thuyền viên lại tiếp tục đi biển. Có chuyến về dư chia cho anh em bạn thuyền, có chuyến thâm hụt phí tổn, song “nghề biển đã ăn vào máu thịt, không đi thì nhớ biển không chịu nổi”, anh Hiệp thổ lộ.
Thuyền trưởng Lê Văn Giúp, chủ tàu PY 92305 TS nổi tiếng bởi giữa tháng 6/2011, đội tàu câu cá ngừ đại dương của anh bị các tàu cá nước ngoài lấn át, bắn đe dọa, xua đuổi ra ngư trường đang đánh bắt. Tuy vậy, sau những cuộc điện đàm về cho anh em Trạm kiểm soát Đà Rằng, xác định nơi mình đang thả câu là lãnh hải đất mẹ, anh kiên quyết cho phương tiện “nằm lì” chứ không rời bỏ ngư trường của mình. Đúc kết từ câu chuyện bám biển làm ăn của mình, ngư dân Lê Văn Giúp khẳng định: “Thường xuyên liên lạc với Trạm kiểm soát Đà Rằng, khi có sự việc gì, được anh em căn dặn, hỗ trợ động viên, chúng tôi thấy vững tâm, mạnh mẽ hơn nhiều”.
Thượng tá Trần Anh Đức cho biết hơn 1 năm qua, ngư trường vắng cá, giá sụt giảm, nhiều tàu về thu không đủ bù chi, ngư dân phải neo tàu nằm bờ nhiều tháng. Tuy vậy, khi nhận được tiền Nhà nước hỗ trợ, bà con đã nhanh chóng vào cuộc. Chưa vào mùa vụ mới vẫn có một số tàu hạ thủy, đây là tín hiệu vui đối với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuy Hòa. “Giữa cuộc mưu sinh nhọc nhằn, gian nguy nơi biển khơi, bà con ngư dân không chỉ đưa về những khoang thuyền no cá để làm giàu cho mình, mà còn mang theo sứ mệnh của công dân Việt Nam là khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển. Những người lính biên phòng chúng tôi sẽ sát cánh cùng bà con trong công cuộc vươn khơi bám biển”, thượng tá Trần Anh Đức khẳng định.
PHƯƠNG OANH