Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền, các ngành, các cấp, cán bộ, đoàn viên và người lao động tỉnh Phú Yên đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh trên 10% mỗi năm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có sự chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện; công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được củng cố.
Theo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ…, đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động của tỉnh đã và đang phát triển nhanh chóng cả số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 72.000 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) làm việc trong các thành phần kinh tế; trong đó, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước là gần 40.900 người, so với năm 2008 tăng thêm khoảng 85% lao động. Đa số CNVCLĐ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất tốt, luôn tin tưởng, ủng hộ và quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; có tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái; say mê công việc, không ngừng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần củng cố an ninh - quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; thực sự là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, giữ vai trò nòng cốt trong khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành thường xuyên được tiếp cận với khoa học công nghệ mới. Số lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ đã từng bước hòa nhập vào môi trường lao động mới. Chính sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ CNVCLĐ là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tiến trình CNH-HĐH của tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần được tháo gỡ, khắc phục. Đó là, hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực sản xuất kinh doanh còn hạn chế; sức cạnh tranh thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu so với trình độ kỹ thuật chung; hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, chưa thu hút được nguồn nhân lực. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm lao động để tồn tại hoặc phải dừng hoạt động, giải thể do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Số doanh nghiệp ngoài Nhà nước chậm phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ công nhân lao động ở một số doanh nghiệp trình độ học vấn, tay nghề còn thấp, nhất là công nhân đến từ các vùng nông thôn, đa phần chưa được đào tạo cơ bản và có hệ thống; một bộ phận công nhân chậm thích nghi với cơ chế thị trường và sản xuất công nghiệp… Hàng năm, toàn tỉnh có hơn 1.000 người đến tuổi lao động nhưng có rất ít trong số này vào các ngành sản xuất công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Bên cạnh đó, tiền lương, thu nhập của CNVCLĐ còn thấp, trong khi giá cả các loại hàng hóa tiêu dùng liên tục tăng, làm giảm thu nhập thực tế, đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề nhà ở, điều kiện làm việc, chế độ chính sách… của CNVCLĐ tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong thời gian tới, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên và người lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề vững vàng là vấn đề trọng tâm được đặt ra. Trước hết, các ngành, các cấp và doanh nghiệp cần tích cực tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đoàn viên và người lao động về vai trò và sự cần thiết của việc học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp. Các công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tạo mọi điều kiện về thời gian và hỗ trợ về tài chính để cán bộ, đoàn viên và người lao động tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ… Bên cạnh đó, để giữ chân, thu hút lực lượng lao động giỏi, lao động có trình độ tay nghề cao vào làm việc, các cơ quan, doanh nghiệp cần có sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến đời sống người lao động. Ngoài các chế độ tiền lương, tiền thưởng thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật, hàng năm nên tổ chức cho cán bộ, đoàn viên và người lao động tham quan, nghỉ dưỡng vào các dịp lễ, tết… Đồng thời, đẩy mạnh và phát động sâu rộng hơn nữa các phong trào thi đua: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”…
Con người là nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội, vì vậy quá trình CNH-HĐH đất nước và xây dựng Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020 phụ thuộc rất nhiều vào sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động hiện nay và những năm tiếp theo. Để có sự lớn mạnh đó, cần sự quan tâm đầu tư đồng bộ của Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh, trong đó có vai trò của tổ chức công đoàn và sự nỗ lực phấn đấu của bản thân mỗi cán bộ, đoàn viên và người lao động.
LẠC VIỆT