Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp nêu gương trong giáo dục đạo đức, lối sống. Người từng nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì vậy, việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đòi hỏi người giữ chức vụ càng cao thì càng phải tiên phong nêu gương sáng…
Đại biểu góp ý xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tại hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 8 - Ảnh: H.CHƯƠNG
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ không chỉ nêu cao tấm gương sáng về đạo đức cách mạng mà còn luôn chú ý biểu dương kịp thời người tốt, việc tốt trong lao động và chiến đấu. Bác thường căn dặn những người làm lãnh đạo phải dùng nêu gương như là một phương pháp thiết thực, hiệu quả để xây dựng các điển hình tích cực, làm cho người tốt, việc tốt được nhân rộng và lan tỏa trong cuộc sống.
Ngày nay, việc vận dụng phương pháp nêu gương trong giáo dục đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Trong đời sống xã hội vẫn có hiện tượng người dân mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, nội bộ cơ quan, đơn vị mất đoàn kết, khiếu kiện vượt cấp kéo dài… có một phần nguyên nhân là do người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo nơi đó chưa thực sự là tấm gương sáng trong công tác, trong đạo đức, lối sống hàng ngày. Bên cạnh đó, trong thực tế, có những việc làm xấu, vi phạm đạo đức, pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên biến chất, thoái hóa được đánh giá, kết luận là nghiêm trọng nhưng lại chỉ xử lý theo kiểu “giơ cao, đánh khẽ”, không công tâm, nghiêm minh càng khiến công luận thất vọng và bất bình. Chính điều này đã vô tình tạo điều kiện cho các thế lực, luận điệu phản cách mạng lợi dụng tuyên truyền nói xấu Đảng, nói xấu chế độ.
Lâu nay, chúng ta thường nghe nói “Cán bộ nào, phong trào ấy”, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Những câu nói mang tính khẩu hiệu dân dã này khẳng định tính nêu gương, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên - nhất là cán bộ quản lý, người đứng đầu các cấp trong công tác và đạo đức, lối sống thường ngày. Đó là phải nêu gương, đi đầu trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng gắn với không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp công tác; nêu gương trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong phòng chống quan liêu, tham nhũng, thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy.
Việc nêu gương sáng của cán bộ lãnh đạo luôn mang lại tác dụng “kép”, đạt hiệu quả xã hội tích cực, thiết thực. Trước hết, cán bộ, đảng viên dưới quyền ngay trong đơn vị không phải tìm kiếm, ngay trước mắt họ đã có người tốt, việc tốt rất cụ thể, sinh động để học tập và làm theo. Đồng thời, bản thân người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị luôn tự nhận thức là phải thường xuyên chuẩn mực trong xử lý các mối quan hệ để thực sự xứng đáng là gương sáng cho cấp dưới nhìn vào, làm theo. Thực tiễn cho thấy, nơi nào, đơn vị nào duy trì được tác dụng “kép” này, nơi đó, đơn vị đó luôn giữ vững đoàn kết nội bộ để phát triển mọi mặt theo hướng tốt và bền vững hơn.
Tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng ngày 27/2 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác, gương mẫu làm trước (ngay sau hội nghị này, không phải chờ gì cả) tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình”. Vì vậy, lãnh đạo các cấp phải nêu gương, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư trong triển khai Nghị quyết Trung ương 4, góp phần quyết định làm cho Nghị quyết phát huy tác dụng trong cuộc sống để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
TÂN LÂM