Lương y Đặng Trường Chiến (khoa Khám, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên) luôn thể hiện “thầy thuốc như mẹ hiền”, được đồng nghiệp và nhiều bệnh nhân quý mến.
Lương y Đặng Trường Chiến - Ảnh: T.THỦY |
Quê ở xã An Định (Tuy An), cuộc đời của ông gắn với kim châm và những công việc của y học cổ truyền đã 36 năm. Những năm đầu ở bệnh viện, ông làm việc ở khoa Dược, khoa Nội rồi khoa Khám để điều trị ngoại trú. Ông không chỉ trực tiếp châm cứu trên bệnh nhân mà còn tận tình hướng dẫn các học sinh Trường trung học Y tế tỉnh về thực tập. Những người mắc bệnh đau cơ, sống lưng, thần kinh tọa, đau khớp… mỗi khi được ông điều trị, chăm sóc bằng cử chỉ ân cần, họ rất yên tâm.
Anh Huỳnh Xuân Mai, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Tây Hòa), sau khi khỏi bệnh đã ghi lại những lời cảm ơn trong sổ góp ý của bệnh viện: “Lương y Chiến luôn đúng giờ, vui vẻ hòa đồng với bệnh nhân. Ông tận tình, chu đáo với công việc. Ông còn dặn dò bệnh nhân kiêng cữ và làm gì để sức khỏe tốt hơn sau khi ra viện. Đây là điều đáng quý của người thầy thuốc”. Còn ông Nguyễn Văn Du (phường 9, TP Tuy Hòa) nói: “Thầy Chiến đã để lại trong tôi tình cảm mến thương, là hình ảnh đẹp của người thầy thuốc. Điều tôi ghi mãi là sự hướng dẫn ân cần, đối đãi nhiệt tình, châm cứu kỹ. Được thầy điều trị vài ngày, tôi đã thấy bệnh thuyên giảm rõ”.
Lương y Chiến tâm sự: “Ai đến bệnh viện cũng mong thầy thuốc cư xử nhã nhặn với mình. Những lúc rảnh, tôi hay đến nơi tiếp đón bệnh nhân để trò chuyện với họ. Tôi luôn tâm nguyện làm tốt công việc của mình như Bác Hồ đã dạy “Lương y như từ mẫu”, tạo niềm vui cho bệnh nhân để họ mau lành bệnh. Tôi mong muốn đội ngũ lương y trẻ ngày càng tiến bộ trong công tác chuyên môn và luôn quan tâm đến bệnh nhân bằng tình cảm chân thành của người thầy thuốc”.
Bác sĩ Lê Bá Thính, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, cho biết: “Lương y Chiến là người nhân hậu, tận tụy, tận tâm với nghề, hết lòng vì bệnh nhân, là đảng viên gương mẫu”.
VŨ HOÀNG